“Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy đôi chim loan phượng đang ăn xoài...”
Đó là một câu ca trong bài dân ca quan họ cổ mà chắc nhiều bạn đã nghe. Tôi đã nhiều lần trèo lên các đỉnh núi này. Nhưng không thấy chim loan phượng, cũng chả thấy cây xoài nào mà chỉ có thông. Trong sách xưa ghi lại chỉ nói đến thông...
Núi Thiên Thai ở vùng quê tôi thực ra là một dãy núi nhỏ nằm ngay cạnh bờ sông Đuống (sông Thiên Đức). Gồm chín ngọn nằm liền kề nhau, uốn lượn như hình dáng một con rồng đang vươn mình về phía biển. Cả nam Kinh Bắc chỉ có duy nhất một dãy núi này, làm thành điểm nhấn phong cảnh tuyệt đẹp giữa cả một vùng bát ngát đồng lúa, bãi ngô dâu quanh năm xanh ngát. Tương truyền rằng thời xa xưa lắm, ở trên đỉnh núi Thiên Thai có một ngôi chùa cổ. Tại đó có một cái vườn, trồng loài hoa hồng đào đặc biệt. Vườn Hồng Đào. Mỗi mùa xuân về nở hoa rực rỡ thành chùm buông xuống như đuôi cáo. Nhưng núi Thiên Thai không chỉ là danh lam thắng cảnh, mà nó hình như còn là ngọn núi thiêng trong tâm thức dân cả vùng. Quê tôi có tục lưu truyền trong dân gian là khi đặt mộ cho các cụ, hay để hướng mặt về phía núi Thiên Thai thì như thế linh hồn các cụ sẽ được vân du tiên cảnh. Cõi thiên thai chẳng phải là miền cực lạc của đạo tu tiên đó sao?
Thế nhưng núi Thiên Thai lại gắn liền với ba vụ án oan khuất lừng danh lịch sử đất Việt.
Vụ trạng nguyên khai khoa nước Việt, ngài Lê Văn Thịnh bị vu hóa hổ mưu giết vua ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây bây giờ). Nhà ngài Lê Văn Thịnh ngay dưới chân núi, nay đã biến gia vi tự. Đền thờ còn lại một bảo vật vô giá là pho tượng cổ con rồng tạc bằng đá khối, miệng cắn thân chân xé mình, mắt nhắm mắt mở, tai thông tai điếc. Lê Văn Thịnh đỗ đầu kỳ thi Minh Kinh Bác Học đầu tiên của nước ta năm 1075. Ngài làm quan trong triều vua Lý Nhân Tông đến năm 1095 thì xảy ra vụ án oan kia. Công lao học thức của Lê Văn Thịnh sử sách còn ghi chép đầy đủ. Bức tượng con rồng kia phải chăng là một nghệ nhân dân gian nào đó đã gửi những thông điệp về nỗi oan khuất thấu trời xanh của một con người hết lòng phụng sự quốc gia. Những nỗi oan khuất ấy khó nói nên thành lời trong đêm dài phong kiến hà khắc. Chỉ buồn nỗi thời nay, có nhà soạn kịch nào đó, do kiến văn hạn hẹp lại không rành sử sách nên đã vu oan cho ngài thêm một lần nữa. Nhưng nhân dân vùng quê tôi vẫn hương khói ngài chu đáo. Các cháu học sinh trong vùng, mỗi khi vào năm học mới, đi thi cử vẫn đến thắp hương ngài cầu mong phù hộ độ trì. Rất linh.
Dịch theo chân núi về phía đông khoảng ba ki lô mét là Lệ Chi Viên (vườn vải), nguyên là hành cung của các vua từ triều Trần sang triều Lê vẫn còn sử dụng. Năm 1442 ông vua Lê Thái Tông đi tuần du đông bắc, ghé thăm khai quốc công thần Nguyễn Trãi đang nghỉ hưu ở núi Côn Sơn gần đó. Rồi đem theo nàng thiếp yêu của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ về “hầu” ở hành cung Lệ Chi Viên đêm 04/8/1442. Và đêm ấy vua chết tại đó. Bằng con mắt khoa học và lịch sử bây giờ chúng ta phân tích thì thấy rằng Lê Thái Tông là một ông vua nổi tiếng chơi bời ham mê tửu sắc, có nhiều khả năng ngài đã bị chứng “thượng mã phong” làm cho đột tử.
Thế nhưng với những cái đầu đầy đố kị và ganh ghét với Ức Trai tiên sinh, lại cộng hưởng thêm những cuộc đấu đá cung đình tranh giành quyền lực thì việc nhà vua chết khi đang ở cùng bà Nguyễn Thị Lộ là một cái cớ bằng vàng, để cho những kẻ thâm thù đổ hết mọi sự lên đầu Nguyễn Trãi. Và ngày 16/8/1442, vừa qua rằm tháng 8 một ngày, ba họ nhà Ức Trai tiên sinh cùng nàng Lễ Nghi Học Sĩ Thị Lộ đã phải rơi đầu...
Đã rất nhiều năm nay, cứ đến ngày này là chiều tối tôi thắp một nén hương bái vọng, rồi ra đầu đê nhìn về núi Thiên Thai. Tương truyền rằng ba họ nhà Nguyễn Trãi bị hành hình vào lúc nhập nhoạng tối như thế. Bởi họ oan khuất quá, ngay những kẻ chủ mưu cũng biết, không dám đem ra xử giữa thanh thiên bạch nhật như lệ thường. Chúng lén lút giết hại công thần và người ngay. Trăng mười sáu mới nhô lên đỉnh núi Thiên Thai năm nào cũng đỏ rực. Trong giây lát cả dãy núi dường như nhuốm màu máu đỏ...
Chếch theo hướng tây theo đường chim bay cũng độ ba ki lô mét là nơi sinh ra và nơi thờ tự của trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, thôn Thượng Vũ, xã An Bình. Ông đỗ trạng nguyên năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông. Là thành viên của “Tao đàn nhị thập bát tú”. Làm quan thanh liêm cương trực nổi tiếng. Và ông chết vì tính tình cương trực của mình: Kiên quyết theo mệnh tiên vương, không lập Lê Uy Mục làm vua. Đến khi tên “Quỷ Vương” (tên dân gian đương thời và cả sứ giả nhà Minh gọi ông vua này bởi sự độc ác và tàn bạo) này chiếm được ngôi vua đã trả thù. Uy Mục bức tử Nguyễn Quang Bật trên đường đi trấn thủ Quảng Nam tại sông Phúc Giang. Trước khi chết vị trạng nguyên này còn làm một bài thơ. Bài thơ này còn lưu truyền đến ngày nay...
Tôi vẫn hay thắc mắc, là tại một vùng quê tươi đẹp. Xung quanh một dãy núi có cái tên đẹp đẽ: Thiên Thai, tại sao lại liên quan đến tới ba vụ án oan khuất thiên cổ ngàn năm lưu truyền vậy! Tại sao?
Nhưng muốn tại sao thì tại, núi Thiên Thai vẫn xanh tươi bên dòng Thiên Đức. Dân vùng tôi khi lập mộ cho người đã khuất vẫn luôn để mặt họ nhìn về núi Thiên Thai. Phải chăng đó cũng là ước vọng của muôn đời về một cuộc sống như chốn thiên thai cực lạc trong những câu chuyện lưu truyền vẫn rì rầm đêm đêm nơi thôn xóm...