Tuy nhiên, quỹ đất dành riêng cho phát triển loại hình nhà ở này tại các đô thị hiện rất khan hiếm, dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn dự án tiềm năng cũng bị hạn chế.
Thực tế cho thấy, nguồn cung sụt giảm khiến thị trường nhà giá rẻ tại các đô thị lớn tăng giá, đang có xu hướng hình thành mặt bằng giá mới và càng khó khăn cho người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở. Tại Hà Nội và TP.HCM, lượng căn hộ đang chào bán có giá trị từ 2 tỷ đồng trở xuống hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng đang chào bán trên thị trường. Nguồn cung với mức giá thấp như thế này hầu hết là những căn hộ có diện tích khá nhỏ, chỉ từ 50 - 60m2 vì nhiều chủ đầu tư vẫn đang theo xu hướng giảm diện tích để vừa với nhu cầu của người mua.
Việc thiếu căn hộ giá thấp đang và sẽ trở thành áp lực đối với các đô thị lớn nếu hiện trạng này chưa được cải thiện trong thời gian tới.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường của Công ty JLL Việt Nam Lê Thị Huyền Trang nhận định, tỷ lệ giá bán căn hộ bình dân so với thu nhập không ngừng tăng lên trong 5 năm qua. Các dự án bất động sản (BĐS) gần đây cũng thể hiện sự lạc quan về khả năng chi trả với mức lãi suất và hạn mức tối thiểu hàng tháng tương đối thấp, thời hạn vay cho phép kéo dài hơn bao giờ hết. Điều này làm gia tăng tỷ lệ vay vốn của người dân cho cả mục đích chi tiêu tiêu dùng và thế chấp.
Theo bà Trang, thị trường BĐS đang phát triển không đồng đều và cần có sự điều chỉnh về cấu trúc. Các dự án bình dân có tốc độ bán tốt hơn do có mức giá thấp, nhưng nguồn cung lại tăng trưởng chậm hơn so với dự án cao cấp. Nhưng, thị trường hiện vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, quỹ đất có tiềm năng phát triển nhà ở bình dân khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận nguồn dự án tiềm năng cũng vì thế mà hạn chế khiến các nhà phát triển khó có thể tính được bài toán căn hộ giá rẻ.
Chưa kể, thủ tục phê duyệt các dự án mới bắt đầu vào cuối năm 2018 bị trì hoãn đã cản trở khả năng khởi động dự án của theo kế hoạch. Do đó, các chi phí phụ phát sinh như lãi vay hoặc chi phí hoạt động đều được tính vào giá bán. Chưa kể, chi phí vật liệu xây dựng tăng cao cũng tác động đến giá bán…
Ghi nhận của Bộ Xây dựng thời gian qua cũng cho thấy, cơ cấu hàng hóa BĐS đã được điều chỉnh từng bước, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hợp lý. Thực tế vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc BĐS cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng thực trả so với thu nhập của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cho sản phẩm nhà ở giá rẻ chiếm số lượng lớn nhất nhưng sản phẩm được bán với giá bình dân vẫn đang rất khan hiếm. Thị trường BĐS được cho là đang lệch pha cung cầu, khi số lượng các dự án BĐS cao cấp chiếm áp đảo so với các phân khúc còn lại, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Trong khi đó, thiếu quỹ đất để phát triển dự án nhà ở giá thấp; thủ tục, chính sách ưu đãi cho nhà ở giá thấp vẫn chưa có gì đặc biệt cũng là lý do khiến cho số lượng sản phẩm – dự án được phê duyệt rất thấp.
Để giảm bớt áp lực thiếu nhà ở giá thấp cho các đô thị lớn, các chuyên gia cho rằng, một số giải pháp khả thi có thể tính đến như: Chính sách hỗ trợ tốt hơn về thuế cho nhà phát triển trong phân khúc này; đẩy nhanh và ưu tiên việc cấp phép cho các dự án trong phân khúc giá thấp; phát triển hạ tầng giúp cải thiện kết nối giữa khu vực ngoại ô với khu trung tâm và khu vực làm việc…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hình thành cơ quan nhà ở quốc gia; quan tâm phát triển nhà ở cho thuê, đồng thời phải có chiến lược phát triển nhà ở xã hội dài hạn… nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của người dân.