Aa

“Doanh nghiệp đang chờ đợi, chúng ta phải hành động ngay“

Chủ Nhật, 10/12/2023 - 06:00

Năm 2023 sắp khép lại với nhiều thách thức. Theo Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), nhiều giải pháp đưa ra nhưng quan trọng là phải hành động kịp thời.

 

Nền kinh tế 2023 có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Nhìn lại năm 2023, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, đây là năm có khá nhiều yếu tố bất thường, nổi bật là vấn đề lạm phát trên thế giới bao phủ toàn bộ châu Âu, châu Á và các thị trường lớn như Mỹ, dẫn đến lãi suất của các ngân hàng gia tăng rất cao. Ngân hàng Nhà nước cũng phải tăng lãi suất điều hành và chính yếu tố này tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Lạm phát cũng là nguyên nhân làm cho tăng trưởng kinh tế các khu vực kể trên chậm lại, đặc biệt là người dân thắt chặt chi tiêu. Lạm phát cũng kéo theo làn sóng nợ từ nợ tiêu dùng đến các khoản nợ lớn của khối doanh nghiệp. Có không ít doanh nghiệp lớn chịu cảnh hàng tồn kho, thậm chí phá sản. Khi tiêu dùng của thế giới giảm, với một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam, đương nhiên tăng trưởng GDP trong nước sẽ giảm.

Liên quan đến xung đột địa chính trị, không chỉ dừng lại ở Nga - Ucraina mà đã lan sang dải Gaza, cũng tạo ra không ít khó khăn cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, GDP Việt Nam năm 2023 dự kiến khoảng 5%, dù không đạt được như kỳ vọng nhưng cũng là kết quả khá tốt, được gọi là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trên thế giới và trong khu vực.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. ( Ảnh: quochoi.vn)

Nhất là, trong bối cảnh thế giới lạm phát khá cao, lãi suất tăng thì Việt Nam đã giữ được lạm phát ở mức thấp hơn mức 4,5% đặt ra hồi đầu năm. Và trong khi lãi suất ngân hàng các nước vẫn duy trì ở mức cao, chúng ta liên tục giảm lãi suất. Đây là những điểm mà chúng ta làm được.

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, riêng về xử lý nợ, chúng ta đã giải quyết khá tốt. Nhất là nhờ các chính sách xử lý nợ trái phiếu, thị trường này đang bắt đầu phục hồi, góp phần tạo ra cục diện kinh tế vĩ mô ổn định, giúp chúng ta mở rộng được chính sách tài khóa.

Với việc ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát đang tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh khá ổn định, kích thích nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam. Tất nhiên, do khó khăn chung của thế giới, nên nền kinh tế vẫn chưa có khởi sắc lớn.

"Nhưng với mức độ tăng trưởng GDP khoảng 5% như năm 2023, tôi cho là đã thành công, và là cơ sở để chúng ta đặt mục tiêu 6 - 6,5% trong năm 2024", ông Cường nhìn nhận.

Là người thường xuyên làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng quan điểm: “Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023 có thể nói là đi ngược so với thế giới. Chúng ta có 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, và phần nào tạo tâm lý ổn định cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Song, chỉ ổn định về kinh tế vĩ mô chưa đủ. Việc chậm cải cách thể chế đang là rào cản lớn nhất đối với sự hồi phục của các doanh nghiệp hiện nay. Chưa bao giờ doanh nghiệp chứng kiến mức độ khó khăn như hiện nay. Ngay từ quý III và quý IV/2022, chúng ta đã chứng kiến sự bất ổn và kéo dài suốt năm 2023. Hệ lụy là tuy nền kinh tế có phục hồi, nhưng vẫn chưa đáng kể.

“Chúng ta kỳ vọng, khi thị trường thế giới phục hồi thì đâu đó sẽ giúp cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn và có sự cải thiện nhất là những tháng cuối năm này. Tuy nhiên thì, thể chế trong nước vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với các doanh nghiệp”, bà Thảo khẳng định.

“Chúng ta phải hành động ngay”

Trước nhiều thách thức đặt ra, tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt 5% hoặc cao hơn trong năm nay, nhưng theo bà Thảo, cải cách thể chế phải là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu để khơi thông tăng trưởng cho năm 2024.

“Thực trạng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh hoặc chờ xem phản ứng chính sách hay cải cách thể chế thế nào để họ đi đến quyết định có đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nữa hay không. Đây là điểm mà tôi nghĩ chúng ta cần quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là trong năm 2024.

Chúng ta phải hành động ngay, vì nếu bỏ qua thời điểm này, chúng ta có thể làm giảm đi động lực kinh doanh và thậm chí triệt tiêu những ý định, mong muốn đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước”, bà Thảo đưa ra cảnh báo.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: IT)

Phân tích rõ hơn, bà Thảo cho rằng, hiện khá nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng ta đang dựa vào thị trường bên ngoài. Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn còn nhiều cơ hội và nếu thể chế thông thoáng, tạo thuận lợi hơn thì doanh nghiệp tự nhiên sẽ có có nhiều ý tưởng kinh doanh và hiện thực hóa được các hoạt động đầu tư của mình.

Về đầu tư công, theo bà Thảo, trong ba năm từ 2021-2023, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dựa khá nhiều vào nguồn vốn này. Đặc biệt, chưa bao giờ chúng ta ghi nhận một số vốn đầu tư công dự kiến lớn, lên đến hơn 700.000 tỷ đồng, và đến tháng 9 đã giải ngân được 50%, nhờ nỗ lực của Chính phủ và bộ ngành trong việc tháo gỡ vấn đề giải ngân.

Nhưng vấn đề là đầu tư công chưa dẫn dắt được sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, ngoài việc phải có thị trường để doanh nghiệp hấp thụ vốn, thì bản thân nội tại quốc gia phải có những thay đổi để thúc đẩy vấn đề này.

“Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp thành lập mới hoặc gia nhập thị trường đã giảm hẳn so với trước đây. Như với đầu tàu kinh tế TP.HCM, số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ bằng một nửa số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số đáng báo động, thể hiện được mức độ khó khăn gia tăng và sức chống chịu của doanh nghiệp đang giảm dần. Doanh nghiệp rất cần những thay đổi về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để sốc lại tinh thần, cũng như tăng khả năng chống chịu”, bà Thảo nói.

Sự hồi phục của thị trường BĐS sẽ kích cầu cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Đồng ý những điểm nghẽn về thể chế đang “bóp nghẹt” doanh nghiệp nhưng ông Cường cũng lưu ý thêm việc cầu thị trường đang là có vấn đề. Về lâu dài, phải tính đến câu chuyện tái cấu trúc tổng cầu nội địa không để lệ thuộc quá lớn vào tổng cầu nước ngoài.

Đơn cử, nhiều dự án bất động sản đang vướng mắc. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, bởi với một thị trường tiêu tốn khá nhiều vốn, thì sự hồi phục của nó sẽ kích cầu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, có những khó khăn đã kéo dài vẫn chưa được tháo gỡ, như không xác định được giá đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính và khởi công dự án, tăng nguồn cung ra thị trường.

“Không đến mức tất cả các doanh nghiệp đều phải chờ đợi, nhưng tôi cho là phần lớn và đây là vấn đề cần sớm giải quyết”, ông Cường nêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top