Khoản thu chưa "vào sổ", nhưng là lợi thế chiến lược
Khác với khái niệm tích lũy thông thường, "của để dành" trong ngôn ngữ tài chính của doanh nghiệp địa ốc được hiểu là khoản tiền khách hàng đã thanh toán trước cho sản phẩm bất động sản, nhưng chưa đến thời điểm bàn giao để ghi nhận doanh thu.
Con số này được phản ánh trên bảng cân đối kế toán dưới dạng "người mua trả tiền trước" hoặc "doanh thu chưa thực hiện". Mặc dù chưa đóng góp vào lợi nhuận tức thời, nhưng đây lại là chỉ báo quan trọng cho thấy niềm tin của thị trường vào sản phẩm, năng lực bán hàng và tiềm năng ghi nhận lợi nhuận trong tương lai.
Trên thực tế, sau một giai đoạn dài khó khăn, thanh khoản về đáy, niềm tin nhà đầu tư suy giảm mạnh, thị trường bất động sản đã dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024. Dòng tiền đầu tư chảy vào bất động sản tăng mạnh khiến tỷ lệ giao dịch thành công trên thị trường cải thiện đáng kể. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã tích lũy được hàng chục nghìn tỷ đồng "của để dành" khi kết thúc năm 2024.
CTCP Vinhomes (mã: VHM) là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường khi đang nắm giữ một khoản "của để dành" khổng lồ. Tính đến cuối năm 2024, Vinhomes ghi nhận doanh số bán hàng gần 104.000 tỷ đồng, trong đó có tới 94.200 tỷ đồng chưa được hạch toán vào kết quả kinh doanh.
Theo sau Vinhomes là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã: NVL). Khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp này đạt 19.700 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc có hàng chục nghìn tỷ đồng "của để dành" khi kết thúc năm 2024. (Ảnh minh hoạ)
CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) cũng là một doanh nghiệp ghi nhận "của để dành" lớn khi có hơn 4.400 tỷ đồng tiền khách hàng đã thanh toán. Nổi bật với chiến lược phát triển nhà ở vừa túi tiền, thu hút nhóm khách hàng có nhu cầu thực, các dự án như Mizuki Park, Akari City... đã giúp doanh nghiệp tích lũy được lượng tiền mặt đáng kể.
Xét về tốc độ tăng trưởng, CTCP Victory Group (mã: PTL) là doanh nghiệp có "của để dành" tăng nhiều nhất trong năm qua khi giá trị cuối năm gấp 9,5 lần đầu năm, chủ yếu ở khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn.
Việc dồi dào "của để dành" sẽ giúp các doanh nghiệp có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến, cải thiện bức tranh tài chính trong năm 2025. Đồng thời tăng cường sức mạnh nội lực để các doanh nghiệp chủ động hơn về dòng tiền nhằm triển khai xây dựng, tái đầu tư và trả nợ. Đây sẽ là "vốn mồi" quan trọng để họ lên kế hoạch mở rộng dự án, khởi động các đợt mở bán mới hoặc M&A các quỹ đất tiềm năng trong giai đoạn 2025 - 2026.
Với các công ty có quỹ hàng chất lượng và pháp lý rõ ràng, tỷ lệ thanh toán trước của khách hàng thường cao, tạo ra đòn bẩy tài chính đáng kể mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng.
"Vốn mồi" cho chu kỳ tăng trưởng mới
Sở hữu nền tảng "của để dành" dồi dào, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thể hiện rõ sự tự tin khi đặt ra mục tiêu kinh doanh 2025 ở mức tăng trưởng ấn tượng.
Với gần 94.200 tỷ đồng doanh thu chưa ghi nhận, Vinhomes đã đề xuất kế hoạch doanh thu 2025 tăng 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động, đồng thời tập trung tái đầu tư và đẩy mạnh ra hàng từ các đại dự án được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho doanh nghiệp.
Trong tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa công bố, Nam Long cũng đặt mục tiêu tăng mạnh 35% so với kết quả thực hiện của năm trước khi doanh thu đạt 6.794 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 701 tỷ đồng.
Trong năm 2025, Nam Long cũng có kế hoạch mở bán một số dự án mới hoặc giai đoạn tiếp theo, bao gồm: Waterpoint, Izumi City, Nam Long - Đại Phước, NLG - Cần Thơ,...
Còn Novaland sau thời gian tái cơ cấu, doanh nghiệp đang từng bước trở lại đường đua, hướng tới mục tiêu bàn giao hàng nghìn sản phẩm tại Aqua City, NovaWorld Phan Thiết và các dự án trọng điểm khác trong năm nay.
Trong bối cảnh thị trường từng bước phục hồi, những doanh nghiệp sở hữu dòng tiền chờ ghi nhận lớn được đánh giá sẽ là những người dẫn dắt cuộc chơi. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn cần xem xét kỹ về tiến độ thực hiện dự án, năng lực bàn giao đúng cam kết và tính pháp lý.
Sở hữu "của để dành" lớn là lợi thế, nhưng cũng đi kèm với nghĩa vụ rất rõ ràng: bàn giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, pháp lý minh bạch. Việc khách hàng đã thanh toán trước đồng nghĩa doanh nghiệp đang giữ một phần niềm tin và kỳ vọng. Chỉ cần một mắt xích chệch nhịp, khoản "của để dành" ấy có thể chuyển thành áp lực pháp lý, tài chính và thương hiệu.
Vì vậy, minh bạch thông tin và quản trị rủi ro vẫn là hai yếu tố then chốt để biến "của để dành" thành lợi thế cạnh tranh thực sự trên thị trường./.