Aa

Doanh nghiệp gỗ trước sức ép cạnh tranh: Cần phải thay đổi để phát triển

Thứ Bảy, 09/11/2019 - 06:30

Xuất khẩu lâm sản tăng vượt bậc đã tạo ra nhiều thách thức cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp gỗ phải đầu tư bài bản trong sản xuất để gia tăng nội lực, đáp ứng các đơn hàng.

Cho đến thời điểm hiện tại, gỗ vẫn là một trong những nguồn nguyên liệu mà con người có thể tái tạo được. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, xu hướng sử dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường, không phát sinh ô nhiễm độc hại với sức khỏe con người ngày càng được ưa chuộng thì gỗ là lựa chọn hàng đầu. Kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ loại vật liệu này ngày càng gia tăng. 

Nội thất gỗ tạo không gian trang trọng, ấm cúng

Xuất khẩu gỗ tăng mạnh

Chiến tranh thương mại kéo dài và ngày càng phức tạp đang khiến chuỗi cung toàn cầu ngày càng bất ổn. Ngành gỗ Việt được xem là may mắn hưởng lợi khi thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc đã tạo cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt Nam cạnh tranh xuất khẩu, mặt khác khiến các doanh nghiệp gỗ nước ngoài tìm chỗ trú ẩn khỏi thương chiến, mà Việt Nam là điểm đến đặt nơi sản xuất.

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1,031 tỷ USD, tăng 16% so với với cùng kỳ 2018, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD. Trong đó, 5 thị trường chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ hy vọng sớm đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018 và hướng đến kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Năm 2019 sẽ là năm ngành gỗ có nhiều bứt phá...

Không chỉ tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lý do ngành chế biến gỗ thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018. Trong đó, có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ thời gian qua, tưởng chừng là một lợi thế cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam nhưng thực chất rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi. Nguyên nhân là do với công nghệ lạc hậu, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Đầu tư sản xuất để nắm bắt thời cơ

Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 70% doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn đang sản xuất với công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chi phí vận hành cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc ký kết hợp đồng và mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam lại đang nắm bắt khá tốt với cơ hội này.

Trước những tác động của công nghệ 4.0, việc số hóa dây chuyền sản xuất gỗ là điều tất yếu, tuy nhiên lại ẩn chứa nhiều trở ngại. Thực tế, dù đầu tư máy móc hiện đại, tiết kiệm nhân lực tới đâu thì năng suất cũng như khả năng thích ứng công nghệ của công nhân lại chưa bắt kịp dẫn đến không ít doanh nghiệp còn ngần ngại, cân nhắc việc đầu tư.

Số hóa quy trình sản xuất và đào tạo lao động là lời giải cho bài toán mà các doanh nghiệp gỗ đang gặp phải

Trước thực tế trên, các chuyên gia khuyến nghị, cần nghiên cứu thị trường dài hạn, chiến lược sản phẩm trong 5 - 10 năm tới để đầu tư phù hợp là vô cùng quan trọng. “Cần đầu tư như thế nào để thiết bị mới phù hợp với tổng thể, thay vì chỉ một vài đơn vị máy rất tiên tiến nhưng lại không được khai thác tốt công suất. Chìa khóa để cùng lúc giải hai bài toán ấy là tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực”, ông Khanh nói.

Trước áp lực vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có vừa phải gia tăng năng suất, chất xám,... để có thể giữ và đón khách hàng mới. Mặt khác phải linh hoạt, phải thêm lợi thế cạnh tranh để trụ vững, đón đầu những thay đổi trong tương lai; thì buộc doanh nghiệp phải bắt kịp xu thế, ứng dụng số hóa quy trình sản xuất, đồng thời phải đào tạo lực lượng lao động để những người thợ lành nghề cũng có thể sử dụng và vận hành các hệ thống sản xuất tiên tiến.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngành gỗ đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng đồng thời đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp nếu muốn nắm bắt thời cơ. Song đây cũng là yếu tố sống còn của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu trong nước nếu không muốn nhường hết cơ hội cho doanh nghiệp ngoại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top