Aa

Doanh nghiệp xây dựng báo lãi lớn, nhiều "ông lớn" bất động sản chưa lộ diện

Thứ Sáu, 02/02/2018 - 14:01

Doanh nghiệp địa ốc đua thưởng Tết lớn; Đầu cơ “thổi” giá đất Bắc Vân Phong tăng vọt; Doanh nghiệp xây dựng báo lãi lớn, nhiều "ông lớn" bất động sản chưa lộ diện; Dự án Golden Eleven chưa đủ điều kiện vẫn mở bán rầm rộ;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Doanh nghiệp xây dựng báo lãi lớn, nhiều "ông lớn" bất động sản chưa lộ diện

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Theo đó, trong quý IV/2017, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đạt 8.968,18 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 462,13 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2017, doanh thu thuần hợp nhất của Coteccons đạt 27.153,45 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2016 và hoàn thành 106% kế hoạch năm (27.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 1.652,68 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2016. EPS đạt 20.436 đồng/cổ phiếu. Mặc dù lợi nhuận thuộc nhóm khủng nhưng đây lại là mức tăng lợi nhuận thấp nhất xét trong những năm gần đây (năm 2016 tăng trưởng 94%, năm 2015 tăng 105%, năm 2014 tăng 27,5%, năm 2013 tăng 27,85%).

Lợi nhuận năm 2017 của HBC gấp 1,5 lần năm 2016.p/Ảnh: Nguyễn Thành.

Lợi nhuận năm 2017 của HBC gấp 1,5 lần năm 2016. Ảnh: Nguyễn Thành.

Một đại gia khác trong lĩnh vực xây dựng là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng báo cáo kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, trong quý IV/2017, HBC đạt hơn 5.074 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2017, HBC đạt tổng doanh thu 16.046 tỷ đồng, tăng hơn 48,7% so với thực hiện năm 2016, hoàn thành 103% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, hoàn thành 104% kế hoạch năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng 3-2 (C32) cho biết, trong năm qua, Công ty đạt doanh thu 560 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận lại giảm 6,5%, đạt 90,9 tỷ đồng.

Tương tự, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cũng ghi nhận những nhịp đập trái chiều. Trong khi Công ty cổ phần Gạch Khang Minh (mã GKM) có mức tăng trưởng ổn định cả doanh thu và lợi nhuận, thì hai doanh nghiệp ngành xi măng lại có bước thụt lùi đáng kể.

Cụ thể, năm 2017, doanh thu của GKM đạt 156 tỷ đồng, tăng 25,8% so với năm 2016 (đạt 124 tỷ đồng), lợi nhuận tăng đột biến 129%, đạt 7,1 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vicem Thạch cao xi măng (TXM) đạt doanh thu năm đạt 541 tỷ đồng, giảm 8,85% so với năm 201, lợi nhuận đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 18,8%. Thậm chí, Công ty cổ phần Xi măng quán triều VVMI (CQT) đạt doanh thu 484 tỷ đòng, tăng 5,5% so với năm 2016, nhưng lỗ 27,9 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 13 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp địa ốc đua thưởng Tết lớn

Ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Khang Phát, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đơn vị này dự kiến thưởng một ôtô trị giá khoảng 3 tỷ đồng đối với lãnh đạo xuất sắc toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, chiếc xe sẽ được đăng ký thuộc sở hữu công ty nhưng cá nhân này được sử dụng. Ông cũng cho biết đây là cách để giữ chân nhân sự. 

Trong khi đó trưởng bộ phận, nhân viên kinh doanh có kết quả kinh doanh tốt nhất, nhì công ty sẽ được thưởng một chuyến du lịch trị giá từ 30 đến 80 triệu đồng. Những nhân viên khác trong công ty sẽ được thưởng tháng lương thứ 13. Ông cho biết, mức thưởng này tốt hơn năm ngoái. 

Không tiết lộ cụ thể, nhưng ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cen Group cho biết, doanh nghiệp sẽ chi hàng chục tỷ đồng để thưởng Tết cho nhân viên.  Tuy nhiên, thay vì thưởng bằng tiền và hiện vật như năm ngoái thì đơn vị này dự kiến thưởng bằng cổ phiếu nhưng giá trị vẫn cao tương đương năm trước. Năm ngoái, Cen Group gây chú ý khi công bố thưởng Tết cho 11 nhân viên xuất sắc là 11 ôtô hạng sang. Mỗi chiếc trị giá hơn một tỷ đồng. 

Xem chi tiết tại đây.

Dự án Golden Eleven chưa đủ điều kiện vẫn mở bán rầm rộ

Dự án Golden Eleven được quảng cáo có tổng diện tích dự án là 11,2ha, chia thành nhiều phân lô, mỗi lô có diện tích đa dạng từ 87,5m2 - 260m2, với khung giá bán khoảng 400 triệu đồng/lô.

Mặc dù dự án chưa hoàn thiện các nghĩa vụ pháp lý về đất đai, quy hoạch, nhưng đơn vị phân phối Cty Cổ phần đầu tư Đất Biển Vàng đã khẳng định chắc chắn: Dự án đã có sổ đỏ + phê duyệt quy hoạch 1/500 và rao bán rầm rộ trên thị trường.

Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên thu thập được liên quan đến dự án này vào ngày 22/12/2017, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 1455/SXD-PQH về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) khu đô thị số 11 tại khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam gửi công ty Chí Thành với nội dung: Sở Xây dựng nhận được tờ trình số 15/TTr-CTy ngày 13/12/2017 của Công ty TNHH Chí Thành về việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị số 11. Qua kiểm tra hồ sơ, Sở Xây dựng xát thấy còn một số nội dung cần bổ sung, làm rõ trước khi trình UBND tỉnh.

Công văn của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam nêu rõ: Đề nghị công ty rà soát các nội dung yêu cầu tại Điều 10 Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng.

Trong đó, lưu ý Khảo sát cụ thể thực hiện việc sử dụng đất trong khu đô thị theo hồ sơ quy hoạch đã được phê duyệt: xác định ranh giới khu vực đã giao đất; xác định hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư xây dựng; đánh giá khả năng đấu nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc; Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được phê duyệt; đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt và các dự án lân cận; rà soát, thông kê xác định nhu cầu tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp trong khu quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến thống nhất của nhân dân theo quy định;…

Xem chi tiết tại đây.

Đầu cơ “thổi” giá đất Bắc Vân Phong tăng vọt

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa (đặc biệt là Sài Gòn và Hà Nội) đã tìm đến Bắc Vân Phong tìm mua đất, cùng với sự hoạt động sôi nổi của giới "cò đất" địa phương đã khiến khu vực này những tháng gần đây xảy ra tình trạng "sốt đất" ở Vạn Ninh.

Các loại đất đều được thu mua với giá cao, từ đất ven biển, đất thổ cư đến đất nông nghiệp. Người dân ở thôn Điệp Sơn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cho biết ở đây thời điểm trước khi Vạn Ninh được đề xuất là khu trung tâm kinh tế của Bắc Vân Phong giá đất chỉ vào khoảng vài trăm triệu đồng mỗi m2, thì nay lên cả triệu đồng mỗi m2. Nhiều lô đất có diện tích khoảng 1.000m2 trước đây không ai ngó ngàng đến thì nay đã được sang nhượng với giá 1-2 tỷ đồng.

So với những tháng trước đây, giá đất ở Vạn Ninh được chào giá cao gấp 2-5 lần. Trước đây nhiều người muốn bán đất để vào bờ vì nghề biển khó khăn nhưng gần đây rất nhiều người từ nơi khác lại ra đảo mua đất với giá cao, mua xong để đấy mà không thấy xây dựng hay trồng trọt gì.

Trả lời trên báo điện tử VOV, một người dân địa phương tên Đào Thị Long cho hay "đất ngày xưa không có người mua, nếu bán thì phải bán với giá rất rẻ. Một héc-ta đất ven biển chỉ bán giá 150 triệu đồng, nhưng bây giờ lại là tiền tỷ mà vẫn có nhiều người mua, không cần trả giá nhiều".

Trước thực trạng "cò đất" lợi dụng chính sách "thổi" giá đất tăng bất thường, tình trạng chuyển quyền sử dụng đất diễn ra phức tạp, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải ban hành Chỉ thị về về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh.

Xem chi tiết tại đây.

Tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản đầu năm

Trên thị trường, nhiều dự án nhà ở đã được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện bàn giao và mở bán cùng với các chính sách khuyến mãi hấp dẫn.

Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản đánh giá, những dự án căn hộ mở bán thời điểm cuối năm âm lịch có điểm chung là đều sở hữu vị trí thuận lợi, diện tích đa dạng, chủ đầu tư đưa ra các phương thức thanh toán linh hoạt. Tuy nhiên, đa số các dự án vẫn tập trung ở phân khúc trung và cao cấp, không có dự án nhà giá rẻ.

Cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng cũng điểm danh một số dự án đạt được lượng giao dịch lớn trong những ngày đầu năm 2018. Trong đó, quận Hà Đông có các dự án Season Avenua; Romance Plaza; quận Bắc Từ Liêm có dự án An Bình City hay dự án Sunshine Riverside thuộc quận Tây Hồ...

Tương tự, tại thị trường TP.HCM ghi nhận tháng 1/2018 có khoảng 1.900 giao dịch thành công, tương đương mức tăng 8,6% so với tháng 12/2017.

Xem chi tiết tại đây.

Phía sau niềm vui thưởng tết “khủng” của môi giới địa ốc

Bán được hơn 2.000 sản phẩm năm qua, tăng gấp 2 lần so với 2016, chủ tịch HĐQT một công ty môi giới có trụ sở tại quận 10, TP.HCM tiết lộ, mức thưởng cuối năm “đậm” nhất cho nhân viên xuất sắc là 1 ô tô 7 chỗ cùng tiền mặt và phiếu tích lũy an sinh để mua nhà, tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty môi giới địa ốc có trụ sở tại quận 3, TP.HCM cho biết, với những cá nhân xuất sắc, thưởng Tết năm nay có thể gấp đôi năm ngoái, đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng.

Một loạt đơn vị môi giới khác đều đã “úp mở” về con số hoặc cách chia thưởng. Từ khoản lương trả bù nhờ vượt doanh số, đến khoản thưởng 3% hoa hồng dựa trên tổng doanh số mang về, hay thưởng đậm cho trưởng nhóm sale xuất sắc… Cộng lại, một số cá nhân xuất sắc nhất thừa sức rinh về bạc tỷ.

Nhưng những tin vui lương thưởng đó dường như chỉ là mặt phải của tấm huy chương, cũng như quá ít so với con số 300.000 môi giới mà ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thống kê khi trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản.

Thực tế, hoạt động môi giới, người môi giới còn quá nhiều nỗi lo!

Xem chi tiết tại đây.

Bắt đầu “soi” cổ phần hóa tại nhiều “ông lớn”

Theo Văn phòng Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016", sau khi giám sát tại một số bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát số 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh -  Trưởng đoàn giám sát vừa có các cuộc làm việc với một số doanh nghiệp nhà nước như: Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…

Thực tế triển khai cổ phần hóa (CPH) thời gian qua cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực như: nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp; cải thiện hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp nhà nước hậu CPH thông qua gia tăng tính minh bạch cũng như chất lượng quản trị; tăng số lượng cũng như chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán; gắn CPH với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán…, cũng đang bộc lộ không ít khiếm khuyến, hạn chế.

Trong đó một trong những mối quan ngại lớn là tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, nhất là về đất đai; lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau” trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần… Sự vào cuộc của Quốc hội đang mang lại kỳ vọng nhiều mối nghi ngờ về sai phạm trong quá trình triển khai CPH các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có cả các công ty con sẽ được làm rõ.

Trong một diễn biến có liên quan, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tranh tra và công khai hàng loạt vi phạm về CPH tại nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước (thời gian xảy ra những sai phạm này nằm trong khoảng thời gian đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành giám sát).

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top