Aa

Doanh nhân Việt Nam - Non cao cũng có đường trèo

Thứ Tư, 12/10/2022 - 09:30

Doanh nhân Việt Nam thời nào cũng yêu nước. Dù khúc quanh lịch sử nào thì khí chất và truyền thống “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt Nam luôn tỏa sáng.

Sắp đến ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Tôi nhớ mấy người bạn, ở các mức độ khác nhau, họ đang là doanh nhân, có thể đang là “chủ” của tổng công ty, công ty cổ phần (Nhà nước đang chi phối sở hữu), có thể là những CEO hoàn toàn tư nhân.

Tôi có một người em, em kết nghĩa đang là chủ tịch một công ty cơ khí. Ở chị có hai điểm về “xuất xứ” đáng để tâm. Thứ nhất, chị vốn là một cô gái “thủ thư”, tốt nghiệp Khoa Thư viện của Đại học Văn hóa. Thứ hai, chị bước vào thương trường từ một câu hỏi của người bạn Nhật, khi đang sống ở Nhật Bản. 

Từ chỗ sản xuất các hộp đựng linh kiện, theo đặt hàng của các đối tác Nhật, chị bước vào lĩnh vực sản xuất các chi tiết máy công nghiệp trong chuỗi giá trị của của các thương hiệu như Toshiba, Nokia, Canon... Có lần, chị viết trên trang cá nhân “Nghề chọn người hay người chọn nghề?”. Tùy theo quán chiếu của người trả lời, riêng tôi, ngoài lý do này khác, còn có cái duyên. 

Đối với cô em này, tôi cho rằng, chị trở thành doanh nhân do “cái duyên” trời mách bảo. Tất nhiên, nói “nghề chọn” chị cũng chẳng sai. 

“Thương trường là chiến trường”. (Ảnh minh họa: Internet)

“Thương trường là chiến trường”, câu nói này ai cũng đã được nghe, đến mức thành “quen quen”. Ý nói, thương trường khốc liệt đấy, khốc liệt vì cạnh tranh. Do vậy, người “trụ” lại được, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thị phần, doanh thu, lợi nhuận ngày càng lớn, trở thành triệu phú, tỷ phú... Trong nhiều nguyên nhân, chắc chắn phải có tài năng kinh doanh. Kinh doanh không chỉ là một lĩnh vực, mà là một nghề của “tích hợp”, thành công hay thất bại có nhiều yếu tố, nhưng hẳn nhiên phải có nghệ thuật.

Là người Việt Nam, ít nhất ai cũng thuộc vài câu ca dao thành ngữ. Tôi nhớ, người bạn vong niên là tiến sỹ kinh tế Chu Quang Thứ đã từng viết cuốn sách “Ngẫu hứng trong kinh tế”, xuất bản năm 2003. Làm kinh tế thì không thể bằng cảm xúc, ngẫu hứng. Chỉ là ông phân tích kinh tế hiện đại bằng ca dao, tục ngữ cha ông để lại. Trong những câu ca dao ông dùng có câu “Buôn có bạn, bán có phường”.

“Buôn” tức là buôn bán. “Buôn có bạn” hàm nghĩa trong kinh doanh, bạn cần liên kết, liên hệ được với những người khác nhau để cùng tạo ra liên minh buôn bán, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nhau. Từ kinh doanh của nền kinh tế “mặt phố” đã cần liên kết cơ mà. Ví như phố bán sắt vụn là rặt sắt vụn, phố bán vòng bi là chuyên vòng bi... Tên các phố cổ Hà Nội cũng xuất xứ từ chỗ ngồi bán hàng của dân Kẻ chợ ngày mới hình thành đô thị Hà Nội. Trong thời đại chuyển đổi số, chuỗi giá trị toàn cầu càng phải liên kết. Hai năm 2020 - 2021, cả thế giới đã phải nhìn nhận lại nhiều điều bởi Covid-19. Covid-19 đến gây ra thảm họa chết chóc toàn cầu nhưng đồng thời, đã thức tỉnh con người về trách nhiệm với môi trường sống, rằng “trái đất chỉ một”, rằng con người sống (cả làm ăn) phải liên kết.

Lịch sử phát triển kinh tế thị trường đã qua giai đoạn “cá lớn nuốt cá bé”, đến giai đoạn “chuyển nhượng thương hiệu” và nay là “chia đều giá trị”. Ngay với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đã có thời kinh doanh “chụp giật”, “chèn ép”... làm hại nhau ngay cả trên thị trường quốc tế; nay đã và đang học bài liên kết và coi trọng các giá trị văn hóa trong kinh doanh, thiết lập “hệ sinh thái” của từng tập đoàn, doanh nghiệp.

Trong thời đại chuyển đổi số, chuỗi giá trị toàn cầu cần phải liên kết và coi trọng các giá trị văn hóa trong kinh doanh. (Ảnh minh họa: Internet)

Năm 2022, cả nước kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh người doanh nhân, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cùng đất nước. Cũng cần nhắc lại, theo Quyết định số 990/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ngày 20/09/2004, ngày 13/10 hằng năm được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến rất nhiều thành tựu cho Tổ quốc.

Cũng nên nhắc lại, ngày 13/10/1945, ngay sau khi “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư gửi giới Công Thương Việt Nam”. Thư có nội dung: “Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.

Xin nhớ rằng, đó là thời điểm cách mạng Việt Nam còn “trứng nước”, có chính quyền mới rồi nhưng đầy “thù trong giặc ngoài”, hơn lúc nào kết phải đoàn kết toàn dân tộc, huy động nhân tài vật lực xây dựng và bảo vệ chính quyền. Trước đó, vào ngày 04/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ Vàng” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó, thương nhân và tư sản đóng vai trò chủ chốt.

Tập đoàn Vingroup tài trợ hàng chục tỷ đồng cho các dự án nghiên cứu ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. (Nguồn: Internet)

Doanh nhân Việt Nam thời đại nào cũng yêu nước. Đáng tiếc, đó cũng là quá trình nhận thức. Đất nước từng trải qua thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp. Biết bao hỷ, nộ, ái, ố đã xảy ra. Ngay cả cách gọi dân gian, một thời thương nhân, tư sản bị miệt thị là “con buôn”; dẫu trong lịch sử Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã từng dạy: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”.

Hai năm chống chọi với Covid-19, năm 2022 là biến động bất ngờ địa chính trị thế giới, càng chứng minh “phi nông bất ổn”, an ninh lương thực được đặt ra càng quan trọng. Chúng ta đang làm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, kêu gọi đầu tư PPP và thực tế cho thấy “phi công bất phú”. Chúng ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế, tìm kiếm thị trường và xác lập thương hiệu của hàng hóa Việt Nam. Bởi suy cho cùng “thương hiệu hàng hóa” góp phần làm nên “thương hiệu quốc gia”. “Phi trí bất hưng” thì càng rõ, giáo dục từ lâu được xác định là quốc sách hàng đầu. Trong cả bốn lĩnh vực “công - nông - thương - trí” đã và đang có mặt những doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã được quốc tế, trong nước vinh danh. 

Hiện nay, đất nước có đội ngũ doanh nhân khắp các lĩnh vực: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác; kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết Đại hội 13 xác định doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của nền kinh tế; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Xác định được vị thế của từng loại hình đối với kinh tế đất nước, hẳn nhiên đó là quá trình làm mới chính mình, nắm bắt thực tiễn, chứ không hề đơn giản.

Doanh nhân Việt Nam thời nào cũng yêu nước. Dù khúc quanh lịch sử nào thì khí chất và truyền thống “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt Nam luôn tỏa sáng. Hai năm đất nước chống chọi với Covid-19, doanh nhân Việt Nam vừa đóng góp cho sự phát triển đất nước, vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch. Dù phải đối mặt với “năm nắng - mười mưa”, nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, như nhận định ấm áp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Thư gửi Doanh nhân Việt Nam vào Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2021.

Sun Group chung tay xây dựng bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng. (Nguồn: Internet)

Sau đại dịch Covid-19, đất nước bước vào thực hiện “Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Và nay thì sao? Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7 - 7,5%. Làm nên điều “thần kỳ” này có nhiều nguyên nhân. Nhưng chính doanh nhân Việt Nam đã góp phần thay đổi về mặt cấu trúc nền kinh tế, chủ động chuyển đổi số... với khát vọng Việt Nam hùng cường.

“Non cao cũng có đường trèo. Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”, (ca dao), doanh nhân Việt Nam luôn tự tin, sáng tạo. Không có lý do gì không tôn vinh họ, chúc đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng đông đảo, phát huy vai trò của các chủ thể, trong đó tự phát triển của mỗi doanh nhân, vì một Việt Nam phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top