Thời chiến tranh phá hoại, gia đình tôi có bốn người, ba mẹ và hai anh em tôi, rất hay phải lênh đênh trên hai cái xe đạp sơ tán theo cơ quan mẹ. Hai cái xe ấy là cả gia tài của nhà tôi: Bốn cái ba lô quần áo, xoong nồi của cải chằng vào nhau treo hai bên cái đèo hàng, hai anh em tôi ngồi trên ấy, chân ngắn tí teo mà phải dạng choàng lên hai cái ba lô nên rất mỏi, ba mẹ tôi mỗi người một xe kĩu kịt đạp. Ngoài những thứ hết sức thiết thân trên ấy, còn hai thứ nữa luôn có mặt, là cái bu gà và mấy gốc dọc mùng.
Đến nơi sơ tán, nhà dân hoặc nhà tập thể tranh tre nứa lá của cơ quan làm trước đấy, thì một trong những việc quan trọng của mẹ tôi là kiếm chỗ có nước để trồng mấy gốc dọc mùng ấy xuống, ba thì loay hoay làm chuồng gà.
Dọc mùng nhà tôi hay trồng suốt những ngày ấy là loại màu đỏ, chính xác là tím đỏ. Phải nói thế vì sau này tôi thấy có loại dọc mùng trắng. Gặp nơi đất tốt, sẵn ẩm, có cây cao ngang đầu tôi, chúng tôi chơi đánh trận giả toàn chui vào đấy trốn.
Dọc mùng là thức ăn của gia đình tôi suốt thời bom đạn. Bình thường thì xào, nấu canh suông, có khách ngả con gà thì nó được xào với lòng, nấu canh với xương gà, vân vân...
Cùng họ với nó có khoai nước, khoai ngứa, ráy, vân vân... Nó có hai đặc tính khác các loại kia, một là dai, dai mới vò được, và hai là, đã vò rồi thì không ngứa nữa.
Dọc mùng cắt vào, tước vỏ rồi thái lát nghiêng, xong cho muối hạt vào và cứ thế vò, cho nó thật kiệt đi thì rửa nước sạch rồi lại vắt kiệt đi là dùng được.
Mẹ tôi có biệt tài chế biến ra các món ăn từ dọc mùng. Ngoài nấu canh với chân, đầu gà (vịt), xào với lòng... khi nhà có khách, thì ngày thường bà nấu mẻ, nấu với hến, xào tóp mỡ... Tóm lại, nó là thứ thức ăn thời trân của nhà tôi thời ấy. Hôm nào đến kỳ đào củ để trồng mới thì có món chè thần thánh bên cạnh rổ củ luộc, hoặc nướng... Ăn đến phát... kinh.
Khi về quê nội sau năm 75 thì không thấy cây dọc mùng nữa, nhưng lại có một cây họ với nó, là chóp môn.
Nó là cây khoai nước ngoài Bắc, không ngứa lắm. Nói thêm, ngay cả khoai ngứa mẹ tôi cũng xử lý thành những món ăn ngon lành, mà một trong những nguyên tắc, là khi nấu không được... nhúng đũa vào. Nếu nhúng đũa, lập tức nó ngứa đến... tụt lưỡi, đến rách họng, còn không nhúng, nó ngứa... lăn tăn, ăn xong cả tiếng vẫn... dìu dịu ngứa. Thời đói khổ, có mà ăn là tốt rồi, ngứa lăn tăn là muỗi. Cái vòi non của nó ấy, nơi gọi nõn, nơi gọi dãi, tức là cái mầm rất dài của nó quấn những cái nõn non chưa thành lá, mẹ tôi chế biến thế nào mà ăn rất ngon, dù ngay khi chưa làm gì, cầm vào tay là nó đã ngứa đến phát cuồng rồi.
Thì trở lại, ở Huế có món chóp môn.
Ở vùng nông thôn Thừa Thiên Huế có mấy món mà bà con hay muối để dùng dần, một là măng vòi, tức là những cái tay tre ấy, lấy cái phần non đầu cành của nó, muối chua. Thứ hai là cây môn, trồng ngàn ngạt, cũng để lấy cọng muối, củ luộc ăn. Và thứ ba nữa là cây chột nưa, cái cây nổi tiếng nhờ... thơ Tố Hữu: "Ăn đi vài con cá/Dăm bảy cái chột nưa/ Có ai biết ai ngờ"...
Những thứ muối chua này, nấu canh thì tuyệt vời. Trưa nắng, mớ cá đồng, hoặc mấy con cá biển, nước sôi lên, thả chóp môn muối vào, thả cá vào, mắm muối nữa. Ớt bột chưng, đúng ớt Huế ấy, đổ vào. Xong béng. Chua và ngọt. Cơm và mồ hôi. Hổn hển và xuýt xoa... Huế thời... đói.
Nhưng giờ về quê, một trong những món tôi đòi ăn là... trạch (quê tôi gọi là cá zét), hoặc cá trê, kho chóp môn muối. Thế mà khó kiếm nhé, là chóp môn muối ấy. Chợ không phải lúc nào cũng có bán cái món một thời ăn tê lưỡi (vì lăn tăn ngứa) này, cũng ít nhà muối. Cô em dâu nể anh phóng xe đi khắp xóm xin, thế mà bữa có bữa không. Tôi nói thật, gạo quê, ăn với chóp môn muối chua kho trạch, nó tốn cơm kinh khủng.
Mà nó, dọc mùng, chóp môn ấy, té ra hoàn toàn không phải chỉ là món ăn của thời đói khổ, thay rau và thay... cơm. Ra Hà Nội, nhan nhản các quán treo biển rất đậm: Bún dọc mùng, miến dọc mùng (hình như chưa có... phở dọc mùng?). Mỗi bát được bà chủ nhúm cho vài lát dọc mùng, ăn hết xin thêm còn bị nguýt. Cái quán gì bún chửi cũng chỉ là bún với lưỡi, chân giò với dọc mùng thôi, thế mà phát khổ phát sở vào ăn để vừa ăn vừa nghe... chửi. Lại nhớ thời sau 75 mấy tháng, đô thị phía Bắc cũng nhan nhản các biển: Chè có đá, trà có đá... Đá là thứ "di thực" từ phía Nam ra, phía Bắc không xài đá, nên đá mới được quảng cáo như... đặc sản Sài Gòn.
Tôi sau này học mẹ, đi đâu cũng vác theo mấy thứ xứ Bắc: Mẻ, dọc mùng, mắm tôm đen... dù toàn ở thành phố. Nhà tôi ở bây giờ, trước có miếng đất trống, thả mấy gốc dọc mùng, mùa mưa tốt um lên. Thi thoảng làm bữa, xào lòng gà, nấu canh cá. Hôm nào có bạn nhậu, làm bữa miến vịt, có hẳn một rổ ụ dọc mùng, chứ không phải lắc rắc vài sợi như quán bún chửi Hà Nội, phải "cập nhật" cách ăn cho bạn nhậu, chứ trong này, dọc mùng toàn cho... lợn. Bạn tôi vừa ăn vừa khen, té ra lợn lâu nay sướng thật, mình còn thấy ngon thế thì lợn thấy ngon đến như thế nào? Vấn đề là mấy năm nay miếng đất ấy bị bê tông, một cái nhà hai tầng làm ở đấy, có một con đường bê tông. Chiều nay, sau mấy cơn mưa đầu mùa, ơ kìa, ở kẽ nứt của tảng bê tông, mấy cây dọc mùng nhô lên. Té ra, nó có một sức sống khủng khiếp thật...