Hồi mới lên Tây Nguyên làm việc (chữ này đúng hơn chữ công tác), mỗi khi xuống làng, có một việc là cực hình với cánh cán bộ trẻ chúng tôi, nhất là nữ.
Ấy là mỗi sáng giải quyết... đầu ra.
Thường là rủ nhau đi, mấy đứa, mỗi đứa một cái gậy, không phải để thay giấy đâu, mà là đuổi... lợn. Lợn ở làng dữ hơn chó, và háu ăn món này hơn chó. Cứ sáng thấy người lẻn vào rừng là chúng lẳng lặng đi theo. Những con lợn nửa nhà nửa rừng gầy giơ xương nên răng càng có vẻ nhọn.
Thường là ngồi vòng tròn, quay lưng vào nhau, roi cứ quất đen đét xuống đất để dọa. Nó trở thành cực hình là thế, chứ không còn là một trong... tứ khoái nữa.
Làng nào mà có mấy cái cây lòa xòa ở rìa làng là khoái nhất, leo lên đấy, nhìn xuống, xem lợn... tranh nhau.
Nước ta một thời, quả là, lơ đãng món này thật, trong khi luôn xếp nó vào tứ khoái, dù đứng cuối cùng.
Hôm rồi có một bạn trẻ hỏi tôi, rất nghiêm túc, chú ơi, sao lại nhất quận công nhì ỉa đồng. Tôi giải thích, quận công là gì biết rồi đúng không, còn ị đồng là bởi, một thời các cụ nhà ta rất coi thường cái món toilet, nên nó rất tạm bợ và mất vệ sinh, vậy nên trăng thanh gió mát, ra giữa đồng mà ngồi, thì chỉ sướng sau có... quận công thôi. Còn giờ, có ai ra đấy nữa đâu, toilet xổm là đã không thèm ngồi rồi.
Nhớ hồi ngồi nói chuyện với hai ông nhà văn siêu về nông thôn Việt là ông Nguyễn Hữu Nhàn và Trần Đức Tiến ở Nhà sáng tác Vũng Tàu, chỉ xung quanh chuyện... chùi đít ở nông thôn. Rồi cũng một lần đọc cái tớt của thị Mượt thuộc tổ ngàn lai nghe thị giảng về cách... vê tay rửa đít. Rồi mới hôm qua đọc cái tợt của bác Nguyễn Đông Thức về chuyện nước Mỹ hiện đại cái gì cũng nhất thế giới, trừ cái toilet không có vòi xịt, chỉ dùng giấy. Tôi đã từng, rất nhiều lần phải bặm môi lao xe về nhà như... chó đuổi chỉ vì cái nơi mình đang hiện diện (cơ quan chẳng hạn, họp ở đâu đó chẳng hạn, cà phê chẳng hạn) mà toilet không có vòi xịt...
Nhỏ, tôi nhớ, mỗi lần ị xong là chổng mông, cô mẫu giáo lấy cái gáo dội nước rồi lấy ngón chân cái... rửa, hị hị, sạch phết.
Lớn chút, sơ tán, thấy bà con ị xong toàn... chịn. Cứ ôm đít xà guầng thấy cái gì khả dĩ thì chịn vào. Bí quá thì chịn xuống cỏ. Ôi giời, đít nó có bằng đâu mà chịn xuống cỏ hả giời.
Có người dùng lá mua, với cái lá gì có lông to hơn chút, hụhụ, thấy đít nhiều đứa bằng tuổi tôi thời ấy cứ... xanh lè. Nhiều nhà đi làm về là vác theo tảng đất cày, để bên cạnh cái hố xí che bằng lá chuối xung quanh, giữa là cái lỗ, gác cây tre lên. Hố xí đấy ạ. Nhìn xuống thì cả tuần không dám ăn cơm nên chỉ tả cái cục đất cày kia thôi. Ị xong bẻ một miếng, thay giấy, he he.
Vài nhà văn minh hơn thì treo cái quần rách như tổ đỉa và cứng như mo nang lủng lẳng trong ấy. Cha mẹ ơi, bố ai dám dùng chung như thế. Nhưng bà con vẫn dùng ạ, mần chi nhau.
Đá cũng có tác dụng thay giấy chùi. Ị xong dùng đá quẹt, xong lại cất đấy, đến lúc tắm, dùng nó kỳ, he he, ổn phết.
4 cái cột tre để buộc những tàu chuối có tác dụng... che hố xí cũng là nơi lý tưởng để chịn. Lớp sau đè lớp trước, cứ là trơn lì vàng óng có cả lem nhem đen, he he...
Nhớ hồi ký túc xá Đại học Tổng hợp Huế đại náo vì... sữa bột. Đang yên đang lành mỗi đứa sinh viên được nửa cân sữa bột, sau nghe nói LIên Xô viện trợ cho chăn nuôi, ta phát cho sinh viên. Được coi ngang... lợn là oai rồi còn đòi gì nữa. Sữa phát buổi chiều, từ nửa đêm về sáng đến hết ngày hôm sau cái nhà vệ sinh tập thể của trường là nơi hàng trăm sinh viên nam nữ đứng hai chân kẹp một, mặt tím bầm méo xẹo, tay lăm lăm giáo trình từ Ban Zắc đến tích phân, từ Odise đến Cấu trúc đại dương... Chưa kể lợi dụng tối trời, xung quanh đấy đã là cái toilet lộ thiên kinh hoàng rồi.
Hồi tôi làm nhà, tuyên bố, cái gì có thể lạc hậu, nhưng bồn cầu phải xịn. Nhà lần trước là Toto, rất xịn. Nhà này Inax nhưng phải một khối liền. Định chơi loại có vòi rửa tự động luôn, có nước ấm luôn, nhưng tình hình là, nước ta loại này khi ấy chưa thông dụng.
Ậy, nước ta nhé, cái quan trọng lại thành tiểu tiết và ngược lại, nhà tôi, toilet cứ phải là số một đã. Ngay cả viết ra thế này, sẽ có không ít người bảo nhà thơ quái gì lại đi bàn về... đi ị, he he. Nó mà không ra hồn đố ai có thể tự nhiên được đấy, lại chả bứt rứt khó chịu, thậm chí là... cấp cứu.
Nên ước ao của dân phố cổ Hà Nội là có cái toilet cho nó ra toilet mà bao năm có người vẫn chưa thực hiện được.
Và té ra nó hết sức quan trọng, với từng cá nhân và cả xã hội, dù có người cố tránh không nói, không viết đến nó...
Nhưng mà đấy là mới nói đến ở nhà riêng thôi, ngoài phố, nếu lỡ cần, vẫn là một cực hình, bởi nhà vệ sinh công cộng rất ít, hoặc có thì cũng rất khó tìm. Tây ba lô giờ cũng truyền tai nhau cách xử lý khi đi ở phố Việt Nam rồi, hoặc tạt vào siêu thị (nếu may mắn ở gần đấy), hoặc vào quán cà phê, kêu một ly... trà đá, xử lý xong thì đi...