Aa

Đôi điều về gốc tích các Vua Hùng qua Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả

Thứ Bảy, 27/06/2020 - 07:00

Ngọc phả chính là “chìa khóa” về nguồn cội, là cuốn Thiên thư giúp phân định được không gian, thời gian và con người Việt ở thời xa xưa nhất. Đây là một báu vật...

Thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc Việt có tồn tại hay không và tồn tại như thế nào? Đây là một câu hỏi của không ít con dân người Việt ngày nay còn đang loay hoay trước sự đa dạng và khó phân định của các lập luận từ nguồn tư liệu sử học khi nhìn về nguồn cội.

Văn hóa của người Việt là nền văn hóa được xây dựng từ lòng biết ơn và niềm thương kính với nguồn cội. Từ những hạt giống về lòng nhớ ơn tiền nhân được tạo dựng và tưới tẩm từ tấm bé trong gia đình, từ lòng yêu những nét đẹp văn hóa dân tộc, tôi rong ruổi trên khắp các nẻo đường của vùng Đồng bằng Bắc Bộ và quê hương Quảng Trị để nghiên cứu, tìm hiểu. Tìm để hiểu hơn về con đường mà tiền nhân đã từng đi qua để gây dựng nên một dân tộc Việt có diện mạo như hôm nay. Bên cạnh trang kinh là những tập tư liệu Hán Nôm tìm được từ những ngày điền dã khắp các vùng quê trong dân gian. 

Tôi càng tìm hiểu lại càng thêm trân trọng, thêm yêu và tự hào về những trang sử từ cội nguồn. Qua mỗi ghi chép của ông cha, kết hợp với hệ thống di tích hiện còn hoặc những di chỉ đã được khai quật, khảo cổ, cùng với các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội mà dân gian lưu truyền và tái hiện đến ngày nay, chúng ta càng có nhiều dấu chỉ để lại gần và làm sáng tỏ được những trang sử của dân tộc.

Gần đây, cuốn sách Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu khảo đã ra mắt bạn đọc. Đây là bản sưu tầm, dịch và phiên chú đầy đủ tư liệu phả ký lưu giữ tại Hùng Vương miếu ở thôn Vân Luông, xã Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Dân trí ra mắt đúng vào dịp giỗ tổ mùng 10 tháng 3 năm 2020.

Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh hiện đang thờ ai? Khi nói chuyện với các hướng dẫn viên ở đây thì chúng ta sẽ có thông tin về 3 khu đền Thượng, đền Hạ và đền Trung trong quần thể di tích, đều đặt 3 ngai vị là:

1. Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương

2. Ất Sơn Thánh vương

3. Viễn Sơn Thánh vương

Người hướng dẫn ở Đền Hùng giải thích với tôi rằng, đây là ba vị thần núi, tương ứng với 3 chòm núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc và núi Vặn ở vùng Việt Trì.

Đền Hùng nằm ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, còn lưu giữ được bản Hùng Vương Ngọc phả soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470) bởi Hàn lâm viện - Trực học sĩ Nguyễn Cố. Cuốn Ngọc phả này kể lại sự tích các vị Vua Hùng từ đầu cho tới khi Triệu Đà diệt An Dương Vương lập nước Nam Việt. Tuy nhiên, trong cuốn Ngọc phả của Hy Cương lại không hề đề cập đến các tên gọi Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn. Đây là lý do khiến các nhà nghiên cứu cho rằng, 3 ngai vị ở Đền Hùng là 3 vị thần núi địa phương. Từ đó, cả Ban quản lý Đền Hùng và những người dân cũng chỉ biết chung chung như vậy.

3 khu đền Thượng, đền Hạ và đền Trung trong quần thể di tích Đền Hùng. (Ảnh: viettri.gov.vn)

Nhưng nay, với phát hiện bản Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả lưu tại đền Vân Luông thì sự việc về 3 vị Vua Hùng được thờ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Phần thứ nhất trong bản Ngọc phả có tên Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả vĩnh truyền tự điển, trong đó ghi chép đầy đủ các tên gọi, ngày sinh, thời gian trị vì của các đời vua Hùng. Theo cuốn điển thờ này, Đột Ngột Cao Sơn là mỹ tự truy phong (tên thờ) của Hùng Quốc Vương 雄國王, người con trưởng trong trăm trai. Tương tự, Viễn Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương 雄㬢王 và Ất Sơn là thụy hiệu của Hùng Hi Vương 雄曦王, 2 vị vua Hùng kế tiếp Hùng Quốc Vương.

Như thế, Đền Hùng ở Phú Thọ thực chất là thờ 3 vị vua Hùng đầu tiên của thời đại Hùng Vương, là những vị Vua Hùng được ghi chép trong điển thờ quốc gia (Ngọc phả). Không thể có chuyện quốc tổ người Việt lại là 3 vị thần núi.

Ngọc phả Hùng Vương bàn rằng: Xưa Tiền Hoàng đế Thánh tổ Cõi lớn trời Nam, Hùng Vương Sơn Nguyên, đã gây dựng cơ đồ, thủy tổ Việt Nam, mở nước Cổ Việt Hùng Thị, mười tám đời thánh vương ngự trị Cõi lớn trời Nam, mở mang hùng đồ nước Việt, nước biếc một dòng, bắt đầu vận vua sáng đế thánh. Núi xanh vạn dặm, lập nền đô thành điện báu, mở vật giúp người, thống trị mười lăm bộ, giữ thế mạnh trước phiên thần, nối tiếp phát huy cõi đất lớn thành Viêm Hồng, do vua trị nước hơn ba ngàn năm, mãi giúp cho dòng giống vững như bàn đá. Hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh, truyền trăm đời đế vương ngự ở Việt thành, muôn năm thánh điện núi Hùng, đất tổ trời Nam, gốc nước cơ đồ, vạn xuân tôn kính, ngàn xưa chảy mãi.

Nhưng, tại sao 18 đời Vua Hùng lại kéo dài hơn 2.600 năm? Tuổi thọ trung bình mỗi đời vua Hùng vậy có quá lạ không. Theo đúng nguyên bản của Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả vĩnh truyền tự điển, 18 đời Hùng Vương không phải là 18 vị vua. Mỗi một đời Hùng Vương là một triều đại kéo dài. Mỗi triều đại mang cùng một tên hiệu có thể có một hoặc nhiều vị vua. Ngọc phả gọi là 18 chi như sau:

Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ

1. Kinh Dương Vương - chi Càn

2. Hùng Hiền Vương - chi Khảm

3. Hùng Quốc Vương - chi Cấn

4. Hùng Hy Vương - chi Chấn

5. Hùng Hi Vương - chi Tốn

6. Hùng Diệp Vương - chi Ly

7. Hùng Huy Vương - chi Khôn

8. Hùng Ninh Vương - chi Đoài

9. Hùng Chiêu Vương - chi Giáp

10. Hùng Uy Vương - chi Ất

11. Hùng Trinh Vương - chi Bính

12. Hùng Võ Vương - chi Đinh

13. Hùng Việt Vương - chi Mậu

14. Hùng Định Vương - chi Kỷ

15. Hùng Triều Vương - chi Canh

16. Hùng Tạo Vương - chi Tân

17. Hùng Nghị Vương - chi Nhâm

18. Hùng Duệ Vương - chi Quý

Ngọc phả Hùng Vương ghi rõ: Từ đầu tính nước họ Hùng 18 nhánh truyền ấn phù quốc gia, 180 đời đế vương lên ngôi, nhất thống núi sông, xe sách trị nước, kiến dựng 120 điện thành… Cộng các năm trị vì, 18 đời thánh vương di truyền, thánh tử thần tôn, triều đại đế vương, hưởng ngôi cộng là 2.655 năm, thọ 8.618 năm, sinh 986 chi hoàng tôn công chúa, sinh cháu chắt cộng là 14.370 người, trị ở nước Nam, đầu núi góc biển, vạn thế trường tồn, mãi mãi không ngừng.

Như vậy, thời đại Hùng Vương có tới 180 vị đế vương, kéo dài 2.655 năm. Tính ra, trung bình mỗi vị Vua Hùng trị vì khoảng 15 năm, thọ khoảng 48 tuổi. Đây là những con số hoàn toàn rất thực tế.

Còn nhiều điều nữa được ẩn chứa qua từng trang Ngọc phả.

Nhiều người, trong đó có cả những học giả và nhà nghiên cứu cho rằng Ngọc phả là hoang đường. Sở dĩ có sự đánh giá như vậy là bởi chính chúng ta đọc tự điển của cha ông với một thái độ thờ ơ, nghi ngờ. Chúng ta chưa có một thái độ đúng đắn để đi sâu, tìm hiểu di sản của tổ tiên để lại có ý nghĩa gì; không muốn biết thông điệp của cha ông gửi gắm qua từng trang sách quý. Như những trang Ngọc phả, bao đời nay vẫn được các thế hệ ông cha truyền dạy phải lưu giữ, trân trọng. Đó chính là cuốn Ngọc phả được thờ như một quốc bảo linh thiêng của dân tộc.

Ngọc phả chính là “chìa khóa” về nguồn cội, là cuốn Thiên thư giúp phân định được không gian, thời gian và con người Việt ở thời xa xưa nhất. Đây là một báu vật đúng như nó được ghi:

Cho nên quốc triều mới tiến hành soạn sách Nam Thiên bảo lục, để mãi ban cho hậu thế, con cháu dòng dõi lưu truyền muôn đời. Chỉ truyền cho người hiền, không truyền cho người thiếu phép tắc. Sự tích này không thể đem cho người ngoài.

Xin thành tâm thắp một nén hương dâng lên Cửu trùng thiên điện ở núi Hùng, đọc lại những dòng Ngọc phả về thời kỳ dựng nước, ngâm lên câu đối trên chính điện đền Trung:

Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ

Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.

Nghĩa là:

Sách trời định phân, chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt duy có tổ

Núi tỏa linh thiêng, cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top