“Không có một cái ta riêng biệt mà chỉ có một dòng tương tục như hình ảnh một dòng sông. Mình phải nhìn mình như dòng sông, mình là sự tiếp nối của tổ tiên, cha mẹ, ông bà mà không phải là một cái ngã riêng. Mình là tổ tiên, là ông bà, là cha mẹ…
Phải ước mong bồi đắp và chuyển hóa, bồi đắp những tích cực và chuyển hóa, thanh lọc những yếu tố đang còn tiêu cực trong dòng tương tục đó”. (Thích Nhất Hạnh)
Thấy được bản thân mình là sự tiếp nối trong trùng trùng duyên khởi để biết chấp nhận chính mình chính là một điều màu nhiệm. Một sự quán chiếu đầy thấu cảm và sự kính, niềm thương của bản thân mình với tổ tiên, với chính mình và với người.
Người khác cũng sẽ như mình. Họ là một mắt xích trong sự tiếp nối từ ngàn đời tiên tổ. Không có một cái ta riêng biệt. Nếu hiểu như vậy, mình sẽ thấy đáng thương biết chừng nào khi tâm người không ngừng tạo tác. Sân si và u mê không ngừng thêu dệt nên những ảo tưởng và hoạch định để vây bủa, tù đày thân tâm họ. Chỉ có biết thương mình trọn vẹn, mới có thể hiểu, thấu cảm và thương người một cách rộng dài và sâu lắng.
Chỉ khi biết dịu dàng với chính bản thân mình, tử tế với chính mình, biết chấp nhận chính mình và biết chăm sóc tâm mình được an lành thì mình mới có thể hiến tặng cho người bên cạnh sự an hòa, lành lẽ và hạnh phúc.
Vô thường chính là điều thường duy nhất trong cuộc sống này. Phải biết vô thường là thường mà giữ tâm trung dung trước mỗi phong ba được mất ở đời. Mọi thứ sẽ luôn đổi thay và có giai đoạn của nó.
Bạn có bao giờ nghĩ, một ngày nào đó, cuộc sống sẽ sắp xếp một vài bất ngờ và bạn không thể tính toán cuộc đời theo ý của mình không?
Có một ngày, rồi bạn sẽ không thể dùng bất kỳ một kịch bản nào, không thể âm mưu; không thể khôn hơn thiên hạ; không thể xảo trá; không thể thao túng người khác; không thể đóng vai thiên thần bị hại; không thể đóng vai bồ tát; không thể lợi dụng; không thể chăm sóc cho người mình thương; không thể quan tâm; không còn tiếng nói; không còn có được lòng tin của bất kỳ ai; không còn niềm tin nơi chính bản thân mình... Bạn đã có sự chuẩn bị cho ngày này chưa?
Sự trung thực với chính mình và thái độ biết tự thân phản tỉnh, biết cầu thị chính là sợi chỉ xanh kỳ diệu kết nối mối quan hệ giữa người với người trở nên bền chặt. Người ta dùng sự chân thành và lòng khiêm hạ để dung hòa và biết nhìn trước, ngó sau. Khó khăn nhất không phải là cuộc chiến giữa người thiện với người ác, giữa cái xấu với cái tốt. Khó khăn nhất chính là sự đấu tranh giữa lý trí và linh hồn của mỗi người.
Lắng nghe được tiếng nói từ trái tim có sự thấu cảm, có bình an mới là bài học khó nhất mà mỗi người đều cần phải học. Khó khăn không phải ở nơi những xấp tiền, những của cải vật chất hay những nhà cao, xe xịn.
Nếu ngày mai, ngay cả một hơi thở cũng không thể làm chủ thì kịch bản hôm nay của bạn sẽ là gì? Điều gì bạn sẽ làm cho được? Lời nào bạn nhất định cần nói ra? Thứ gì bạn cần mua thêm? Bàn tay nào bạn cần thêm một lần xiết chặt?
Nhân quả ở trên đời không phải là được mất thắng thua. Nhân quả chính là cái tâm dính mắc vào những thứ mà bản ngã tự cột chặt nó vào. Đó là hận thù, là tham lam, là ảo tưởng, là sự ích kỷ...
Yêu bản thân, chấp nhận bản thân mình vô điều kiện. Điều đó có nghĩa là hiểu mình chỉ là một nhân duyên có mặt trong dòng tiếp nối vô cùng. Mình chấp nhận mà không cố thúc đẩy mình phải thay đổi, không phán xét trói buộc rằng mình sai rồi, mình vô lý quá, mình chẳng hiểu chuyện và chẳng cư xử tốt gì cả.
Thực ra, bạn có quyền sai, có quyền buồn giận, có quyền ngồi xuống hoặc vấp ngã khi cần thiết. Chỉ cần bạn từ bi với chính mình, bạn chấp nhận mình và học cách thương được mình rồi, bạn xứng đáng được yêu thương. Lúc ấy, đương nhiên, bạn cũng sẽ biết thương người bên mình một cách trong sáng, hồn nhiên.
Bạn không là nạn nhân, cũng không phải là quan tòa để phán xét. Bạn không phải là một biểu trưng hoàn hảo hay một điều gì đó thô kệch.
Vô thường là thường. Tâm vô thường cũng là thường. Cứ trải nghiệm; cứ chân thành; cứ hờn giận; cứ buồn; cứ vui và trải nghiệm từng chặng đường cuộc sống một cách an nhiên, lành lẽ nhất.
Chúc bạn luôn bình an!