Tôi có một tình yêu tha thiết với cây cối. Yêu từ những bông hoa mẫu đơn hay những tay bầu tay bí vườn nhà.. Đôi khi, có nghĩa với một nhánh cây trong vườn, với những nắng sớm mưa chiều đã gắn bó cùng mẹ cha mình, nuôi dưỡng và tưới tẩm sự vững chãi, lòng thiện lương ngay thẳng trong mình lớn lên mỗi ngày..
Với tôi, đường trở về nhà là một con đường đặc biệt nhất. Bây giờ, người ta có Apps Geo Tracker để theo dõi con đường mình đi, có google map và đủ loại phương tiện định vị với tìm đường, nhưng con người ta vẫn lạc lối. Lạc lối không đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn cả, là người ta không biết nương vào đâu để trở về. Con đường trở về để hiểu chính mình, để chân thành và được sống thật với bản thân, với những người thân bên mình mới là con đường quan trọng nhất.
Luật lệ như màn lưới sắt, giam hãm con người. Những ràng buộc, những định chế xã hội và sự giới hạn về cái thấy, cái biết, cái hiểu của con người khiến cho chúng ta tự giăng mắc những rắc rối và lại đi tìm cách để loay hoay 1 đời thoát ra khỏi chính những rắc rối ấy. Con người, rất dễ “đi lạc”. Họ lạc lối giữa những trần trụi, nhiễu nhương. Tham lam và ích kỷ khiến cho con người ta lạc vào sân khấu của cuộc đời để rồi thành vô cảm, tàn nhẫn. Những tính toán, hơn thua, những lấp liếm xảo biện, lộng giả thành chân..
Con người từ đó cũng lạc vào một cách nhìn khác, lối nghĩ khác và xa rời với bản tâm vốn hồn nhiên..
Không một ứng dụng khoa học công nghệ nào có thể chỉ ra cho con người khi lạc lối. Điểm định vị duy nhất chính là “Nhà”, nơi có mẹ, có cha, có anh chị em của mình từng ở đó và lớn khôn. Và khi ấy, ngọn đèn dẫn lối chính là yêu thương, là tình thân. Chỉ có con đường trở về nhà, là con đường mãi mãi mãi không dẫn người ta lạc lối.
Bởi vậy, một đời người mang theo rất nhiều điều “ngoài anh, ngoài em”, ngoài cái gọi là “tình yêu đôi lứa”.
Bên cạnh tình yêu lứa đôi, nghĩa của từ “Gia đình” rất khác. Đó là trách nhiệm của những người đã làm mẹ, làm cha. Tình yêu của với những gì “ngoài anh, ngoài em” sẽ trở thành bài học đầu đời cho con. Vì thế mà mẹ cha cần tạo dựng một nếp nhà an vui, yên ấm. Dù bên ngoài có bão tố nào, thì cũng nên dừng sau cánh cửa. Tổ ấm luôn cần một nghĩa là như cái tổ ấm áp lành yên cho con trẻ.
Tình thương của bố mẹ, cách hành xử của bố mẹ trước mỗi thử thách trong đời, sẽ chính là hệ quy chiếu cho con trẻ từ đó mà hình thành nhân cách. Không phải cứ là tôi đúng anh sai.. Phán xét hay quan điểm là ai đó đúng hay sai của chủ quan bản thân mình phụ thuộc vào nhận thức, góc nhìn của mỗi cá nhân..
Nhưng con người ấy, từ bối cảnh dù trước đó có vụng về, họ đã cố gắng hết sức với nội tâm trong lành, với sự cố gắng và chân thành nhất có thể, thì hẳn là họ đâu có sai? Có khi họ chưa sai thì cái tâm phán xét và sự hẹp lòng trong mình đã sai ngay từ đầu rồi. Thế nên, trong gia đình, kỵ nhất là chuyện vì bất hòa mà đẩy con trẻ vào trong rắc rối do chính mình tạo ra. Để con đứng về phía bố để nói lời hỗn hào với mẹ, hay đứng về phía mẹ để phán xét bố.. đều là chuyện đau lòng.
Đúng hay sai, có thể rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả việc đó, chính là yêu thương, là bình an cho con, là tình thân, là máu mủ ruột rà.. Cần yên, mới ấm. Đó là bầu không khí trong lành mà mỗi người làm cha, làm mẹ cần nhắc nhớ.
Định vị hiệu quả nhất mà chúng ta cần cho trái tim mình, là tình yêu thương. Mọi sai đúng hơn thua rồi sẽ đi qua, những mối quan hệ ngoài xã hội có thể rồi cũng sẽ chỉ gặp ta trên một chặng đường nhất định. Nhưng tình thân thì còn lại. Con cái là phần máu thịt nối dài, cũng là phần tình nghĩa nối dài của mẹ cha.
Gia đình là nơi mà người làm cha làm mẹ cần một trái tim bao dung hơn nhiều, rộng dài hơn nhiều và thấu hiểu hơn nhiều ngoài tình yêu đôi lứa. Bởi họ đang thắp lên cho ngọn hải đăng lớn dần cùng sự trưởng thành của con mình.
Một buổi chiều hè tôi rong ruổi miệt mài với những đoạn đường điền dã, về nhà chị gái và ăn một bữa cơm lành, uống ngụm nước ngọt lịm tình thân. Trong tôi tha thiết yêu nhớ đoạn đường quê..
Tôi hiểu, khoảng thời gian của mẹ cha không mất đi. Ngày tháng đi qua đã hóa thân thành một tôi hôm nay, thành các chị, các em tôi hôm nay biết quan tâm yêu thương lẫn nhau. Khoảng thời gian của mẹ cha được đổi bằng tuổi đời, bằng sự trải nghiệm, trưởng thành và tình yêu của chúng tôi.
Có một con đường về nhà, hương cau, hương bưởi ngập đầy. Trong bức tranh chiều là cảnh cha tôi lau dọn không gian thờ tự, mẹ tôi nhắc nhở mấy anh chị em không giành nhau.. Bức tranh có màu của sự thiêng liêng đầm ấm, còn có cả thanh âm của lành lẽ, những tiếng trẻ con cười đùa râm ran.. Nhà còn nghèo, khi đó, Thụy Ứng còn là am tranh bé xíu xiu, vậy mà tôi nhớ, tôi yêu tha thiết. Nhớ từng vạt sân vàng nắng, từng buổi chiều đi ngang sông nghe con nước mênh mang trong tiếng chuông chùa, những ngọn gió an nhiên mùi khói hương phảng phất trước nhà..
Hình ảnh đơn sơ khi còn gian khó, có lẽ mẹ không ngờ nó vẫn in đậm trong tâm trí tôi..
Nhờ phúc ấm tiên tổ mà mẹ cha còn đó cho tôi biết mình còn có nơi nương tựa. Bước sang nửa bên kia của cuộc đời, mái tóc - nếu có dài cũng đã quá nửa phần bạc trắng, mà tôi còn được trở về trên con đường làng thênh thang, dằn bụng chờ ăn bát cơm mẹ nấu, uống cốc nước mẹ đun..
Cây cối nơi am còn được một tay cha tưới tắm cho an nhiên xanh tốt, những trái bưởi trái mít, những khóm hoa con được chăm bón, lại được khi tiếng mõ tiếng chuông sớm hôm đều đặn..
Tôi thật biết mình còn nợ nhiều lắm những ân tình!
...
“Bao giờ cho tới mùa thu
Trái bòng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng Năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”
(Trích: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" – Nguyễn Duy).