Tôi trở về am quê sau thời gian dài rong ruổi khắp mọi nẻo đường đời. Lạ thay, trên con đường trở về, lần nào tôi cũng cảm được cái an tĩnh, bình lặng mà thân thương. Cảm giác nghe mùi gió đưa hương của những gốc rạ sau ngày gặt, mùi khói, mùi nhang như phả vào lòng những thảo thơm của quê hương. Người con lưu lạc đang còn được trở về, nơi có mẹ, có cha, có am Thụy Ứng trang nghiêm hiền hòa cùng thôn xóm.
Những con đường đá lóc xóc, những khu nghĩa địa cát trắng xói mòn, những cây hoang dại hai bên con đường nhiều chục năm nay vẫn vậy. Vẫn còn đó ánh nắng chói chang trải trên từng bia mộ, vẫn còn đó những cát trắng lăn lăn phận đời rát bỏng, những xót xa trơ trọi được đặt đời mình bên nhau mà đau đáu... Quê là thân thuộc, là thơm thảo, yêu thương, là lành yên và nghĩa tình vấn vít. Nhưng nơi quê tôi, cũng còn là những tang thương chưa nguôi ngoai. Mỗi lần trở về là mỗi lần lại dậy lên niềm thương xót. Tôi hiểu, nỗi đau còn chưa hóa đất hóa cây, nỗi đau một thời nghèo khó và đạn bom cày xéo mảnh đất này tưởng không còn phút hồi sinh.
Giữa làng quê còn rải rác chứng tích hoang tàn, còn am Thụy Ứng thì lại trầm mặc yên bình. Như một phép lạ trỗi sinh từ nơi hầm tránh bom xưa. Nhờ nhiệt huyết, nhờ tâm lành và những sự độ trì màu nhiệm, Thụy Ứng cùng cha tôi, nay là sư cụ Minh Thông đã trải qua những cơn bão của đạn bom, che chở và bảo hộ biết bao kiếp người ngày ấy.
Thụy Ứng nay đã trở mình. Cây cối tươi xanh và chim chóc về làm tổ, chúng ríu ran mỗi trưa mỗi chiều trên mỗi ngọn sung hay những tán Bồ Đề. Nơi ngõ vào, tôi đặt một tượng Bụt ngồi an nhiên cạnh chú trâu thong thả nằm dưới bóng cây. Chỉ với một ý niệm, Bụt không xa với cuộc sống nơi làng quê nghèo. Tự tánh phiền não sẽ đoạn lìa khi con người có thể bỏ những gánh nặng đời xuống mà ngồi chơi bên nhau, mỉm cười cùng nhau và hiểu nhau.
Bên đòng sông Vĩnh Định, chiều chiều bọn nhỏ đi học về là có tiếng mõ lời kinh, có bóng sư cụ thấp thoáng tưới cây nhặt cỏ, có tiếng chuông thoảng ngân giữa những nắng cháy vừa dịu đi... Tiếng chuông ngân vang qua những ngọn cau già, chim chóc gọi nhau về sau một ngày rong ruổi dưới nền trời thăm thẳm. Tôi về, gặp mẹ đang cặm cụi nhặt mấy nhánh củi khô, những trái ớt tươi đang được mẹ đem phơi nắng. Tay bầu tay bí vấn vít, cây cối xanh tươi, sân nhà bóng nắng đan bóng cây rợp mát. Mùa hè, hoa lộc vừng, hoa hồng, hoa từ dung đều cùng khoe sắc rực rỡ trong nắng. Nắng thơm mùi hoa nên ngọt lành như mật. Thụy Ứng như nở một nụ cười trong gió chiều khe khẽ mơn man.
Tôi nhẹ lòng. Như bao bụi bặm từ cuộc đời ngoài kia được trút bỏ cùng chiếc áo ngoài và những giọt mồ hôi sau chuyến đi dài. Luôn là một cảm giác khi tôi được trở về nhà, có mẹ, có cha, có lầu chuông, có Quan Âm cùng bình tịnh thủy, tôi như vừa được chạm vào những giọt nước cam lồ mát rượi lòng. Phiền não, bụi bặm đều hóa sinh thành những thảo thơm, gần gụi và yêu thương.
Trở về, thường sau bữa sáng với bánh mướt ngon nhất thế gian, tôi sẽ đi thắp hương nơi ban thờ Bụt, nơi nhà Tổ. Đây là giây phút thiêng liêng đã thành nếp, như tiếng thưa “con đã về” mà tôi thường ríu ran từ tấm bé với mẹ cha.
Mỗi lần được thắp lên nén hương thơm, có một nén hương từ tâm khởi lên khiến cho tôi luôn cảm nhận được một cảm giác bồi hồi, như thể mình đang lắng và đang nghe được lời tiên tổ, lời ông bà dặn dò về nẻo thiện. Rũ bỏ mọi tạp niệm và bụi bặm trên khắp nẻo đường đời để huân dưỡng tâm trung dung trước mỗi một thử thách, mỗi một cơn bão lòng của mình hoặc của người mình yêu thương.
Chắp tay trước tiên tổ, về lại bé mọn bên nếp nhà xưa, nghe tiếng chuông vang để huân rèn lòng khiêm hạ. Hiểu mình còn được chở che bởi bóng mẹ, dáng cha. Tôi hiểu mình còn được an lành đến thế, hạnh phúc đến thế là nhờ phúc ấm ông bà. Thầm tri tạ nguyện cầu cho mẹ cha sức khỏe, an vui để mỗi đận trở về, tôi lại như chú bé 10 tuổi ngày nào nhớ từng vạt áo mùi hương tóc mẹ, được thầm chạy ra trước ngõ chùa mà ngóng về hướng quê nhà, nơi ở đó, mẹ đang đợi đứa con đợt tới về đúng mùa ngô, mùa lúa.
Trở về, chắp tay trước Phật, trước tiên tổ huyết thống ngàn đời để biết nghĩ đến những trái tim người thương bên tôi trong cơn đau khổ. Biết nghiêng mình xuống mà khơi lên lòng kiên nhẫn, bao dung và cần mẫn, tận tụy để tròn được phận mình.
Hiểu rằng mình là mắt xích trong những buộc ràng, hiểu rằng mình đang dự vào con đường đời nhiều thử thách gian truân. Có vất vả, có xót xa, có những vơi đầy trách móc và vụng về. Hiểu để sám hối trước các anh linh, trước Phật đài vì đã từng lơ là, vì cái sự huân tập nỗ lực chưa được hết mình trong việc sống để trở thành con người biết tu thân đúng nghĩa.
Mỗi lần được trở về, quỳ trước Phật để nguyện cùng tam thiên thế giới sẽ một đời gắng bớt đi những điều sai quấy, dẹp bỏ tâm hành vị kỷ, rời xa thị phi và không dự phần vào những hơn thua thế tục. Với người hơn thì kính, với người kém thì nhường, với người hiền thì thương, với người ngay thì quý. Giữ cho mình nương theo trung đạo mà không sân giận, không mê đắm theo ảo ảnh ở đời.
Chắp tay trước tiên tổ, tôi cũng nguyện lòng mình biết bỏ tâm ngã mạn. Biết một chút thì cái sự huân tập đức hạnh phải dày lên chứ không vì cái biết mà như con gà trống vội gáy vang trời chẳng chịu lắng nghe ai.
Tôi trở về Am trong một ngày đầu Hạ. Nắng gay gắt rát bỏng mà lắng lòng thương mẹ, thương cha. Trở về, như được gột rửa, được tiếp thêm sức mạnh và thấy lại được chính mình, để rồi lại bước tiếp trong hành trình muôn nẻo mà tôi đã đặt chân trên đó..
Hành trình nào cũng vậy, huân tập và luyện tâm là điều vô cùng gian khó. Tôi tự hiểu mình còn nhỏ bé trước đạo hạnh thường hằng như một chú bé 10 tuổi mới chập chững bước vào cửa chùa, mới được Thầy tổ nắm tay dắt đi thọ giới... mà lòng thì đau đáu hình ảnh quê nhà, áo mẹ cơm cha.
Xin chắp tay nguyện với lòng mình và trước Phật, trước tổ tiên rằng dù trên nẻo đường nào và để đi xa đến đâu, hoặc là thậm chí có đôi khi đi lạc đi vòng. Dẫu là chú bé 10 tuổi hay 50 tuổi, tôi biết mình chỉ có thể tự mình khiêm hạ. Chân có kiễng cũng không thể 1 tay với lên tận trời xanh... Nhưng ngồi yên lắng, dưới tán Bồ Đề, để cho chú trâu của tâm hành lăng xăng trong mình cũng được thong thả nghỉ ngơi, thì tôi sẽ đoạn lìa được phiền não. Ít nhất, là ở khoảnh khắc thôi.
Đời người, một hơi thở là sang kiếp khác. Như là khoảnh khắc tôi được trở về, được thấy bóng mẹ, nghe tiếng cha, được quỳ trước Tổ tiên và Phật để thắp nén nhang thơm... Khoảnh khắc như vậy, đôi khi là đủ cho một kiếp người biết sống an vui!