Ấn Độ, tôi đã đến nhiều lần, đã chứng kiến cảnh dân Ấn hỏa thiêu người thân trên bờ sông Hằng.
Ở Việt Nam, chúng tôi dự không biết bao nhiêu lần đưa tang đi hỏa thiêu.
Đời người, giữa vũ trụ bao la, sống và chết, cũng chỉ như một tia chớp lóe lên rồi vụt tắt, chìm nghỉm giữa không gian vô cùng.
Một ánh lửa đầu tiên được thắp lên nơi lò thiêu, một lò lửa rực sáng, chậm lắm là vài giờ đồng hồ, tất cả thành ra tro bụi. Một ánh lửa (thức ấm) đầu tiên của sự sống, khởi sinh, sự tiếp diễn tồn tại có bao lâu giữa thế gian, rồi cũng vùi tắt im lìm giữa vô thường.
Tôi vẫn ấn tượng cảnh người dân Ấn đưa người thân đã mất đi hỏa thiêu, nó trần trụi đến gần như lạnh lùng. Họ xem đó là việc hằng ngày chứng kiến, không vật vã tiếc thương kêu gào...
Hai chữ tạm bợ, vô thường, cát bụi... thật đúng với hình ảnh tôi từng chứng kiến cảnh đưa người đi thiêu ở Ấn. Họ đến bên bờ sông, đặt lên giàn hỏa, là những thanh gỗ được chồng lên nhau, thành đống, họ cầu nguyện tiếp rồi châm lửa.
Tôi đọc thấy được ở nơi dân tộc Ấn qua nhiều chuyến đến đất nước họ, họ quan niệm "sống, là để hoàn thiện". Ngày nay, tôi gặp ở một số người dân mình: "sống là để hưởng thụ".
Quan niệm sống là để hoàn thiện, nên họ thấy rằng chiều dài sự sống được trải qua nhiều đời kiếp để họ tiếp tục hoàn thiện. Được sinh ra và làm người hôm nay, chỉ là một giai đoạn, trong chiều dài của chuỗi tiến hóa, thăng hoa, hòa vào Đại ngã Brama, vào vũ trụ. Họ xem con người mình là 1 tiểu vũ trụ. Sống để hoàn thiện, có nghĩa sống là để hòa nhập vào đại vũ trụ kia.
Muốn hoàn thiện, bạn phải tiến hóa, thăng hoa đi về phía hướng thượng.
Và họ chia ra đời người có 3 giai đoạn rõ ràng. Giai đoạn đầu đời lo việc học hành. Giai đoạn hai là có con, lo cho gia đình, tương tác với xã hội. Giai đoạn thứ ba bước qua tuổi 50 là dành thời gian cho tôn giáo, cho sự tĩnh tâm cầu nguyện, tạo vốn cho kiếp sau trên chiều dài thăng hoa, hướng thượng.
Tôn giáo và đức tin cùng sự cầu nguyện nơi tộc Ấn quan trọng với họ là vì vậy. Ngay khi bước qua tuổi 50 họ đã dần rũ bỏ các ràng buộc và ham muốn để dọn lòng, tập trung nhiều hơn thời gian cho cầu nguyện, chuẩn bị cho việc tái sinh tốt lành ở kiếp sau.
Vì quan niệm sống là để hoàn thiện, nên họ không lao mình vào việc hưởng thụ. Họ không tích lũy của cải theo hướng bất lương cướp đoạt.
Nhờ quan niệm sống là để hoàn thiện, nên họ luôn gắng sống tốt hơn mỗi ngày, nhất là tình thương đồng loại và muôn loài, tôi thấy, hiện hữu rất lớn nơi người dân Ấn.
Nói thế, cái ác, cái sự bất thiện, không phải không có nơi dân tộc này. Nhưng nó có, có chăng, nặng đến đâu nữa, thì cái chuyện hối lỗi, động lòng trắc ẩn, phục thiện cũng rất lớn nơi tâm họ, giúp họ dễ quay về nẻo thiện.
Có những thứ, như ta thấy ở việc tang lễ hỏa thiêu của họ, nó đơn giản đến trần trụi, không phải vì vô tâm, mà vì họ thấy được chiều dài sự sống, cái cần nơi sự sống là yêu thương và đức tin.
Còn dân tộc ta, tôi thấy, có một bộ phận những người quan niệm sống là để hưởng thụ. Khi đến gặp và hiểu như thế về người dân Ấn, tôi chạnh lòng nhìn lại quan niệm ở ta.
Về sau này, tôi ngại ngùng khi giao tiếp với những người có quan niệm đó bởi lòng trắc ẩn thường khó tồn tại lâu bền trong họ. Họ sẽ dễ làm ác và khó phục thiện.
Tôi đang ở Vương quốc Lào, tôi cũng thấy được điều thiện lành do ảnh hưởng xứ Ấn còn đọng lại người dân tộc này. Người Lào, nếu bạn đã đến đây, bạn cảm được ngay là họ lành, rất lành.
Ở xứ ta, lòng tin vào con người, vào kiếp sống này để tận dụng cho việc hoàn thiện, hướng thượng thăng hoa đã mất đi phần nào. Điều gì đang hàng ngày diễn ra khắp mọi hang cùng ngõ hẻm? Vì sao như vậy?
Ngọn lửa rồi cũng sẽ thiêu rụi tất cả. Ta còn lại gì nơi này giữa lòng mình trơ trọi trái tim tàn lụi, thử hỏi đã mấy lúc thở đồng nhịp với đồng loại cùng yêu thương động lòng trắc ẩn chưa?
Trong đám lửa tàn kia, ta là ai?