Aa

Đòi quyền lợi bảo lãnh, không dễ như quảng cáo

Thứ Tư, 17/10/2018 - 14:01

Đòi quyền lợi bảo lãnh, không dễ như quảng cáo; Dự án "treo" giữa lòng Hà Nội: 22 năm mòn mỏi chờ... chính quyền; Cách mạng 4.0: Đã đến lúc bất động sản chuyển mình; Những biệt thự ổ chuột, "cởi trần" giá hàng chục tỷ giữa Thủ đô;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Đòi quyền lợi bảo lãnh, không dễ như quảng cáo

Cho đến nay, nhiều khách hàng vẫn tin rằng, nếu dự án được bảo lãnh sản phẩm hình thành trong tương lai bởi ngân hàng thương mại, thì trong trường hợp chủ đầu tư không thể bàn giao nhà đúng tiến độ, các khách hàng có thể dễ dàng thực hiện hủy hợp đồng mua bán, trả lại căn hộ và nhận lại tiền, cộng với các khoản phạt lãi suất, phạt theo quy định của hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ việc liên quan đến đòi quyền lợi bảo lãnh ngân hàng lại không hề dễ như vậy.

Theo khảo sát của phóng viên, với nhiều dự án trên thị trường, thông thường các chủ đầu tư đều truyền thông về việc dự án được bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, các tài liệu, hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thu thập được lại cho thấy, đó chỉ là cam kết cấp bảo lãnh.

Thực ra, có thể hiểu đó như một công văn trả lời từ phía ngân hàng với chủ đầu tư, cho biết sự đồng ý về mặt chủ trương về việc sẽ cấp bảo lãnh cho dự án (chứ chưa phải chứng thư bảo lãnh như cách mà chủ đầu tư vẫn quảng cáo).

Nhiều khách hàng lâm vào thế khó khi bị ngân hàng và chủ đầu tư quay lưng.Ảnh: Shutterstock

Nhiều khách hàng lâm vào thế khó khi bị ngân hàng và chủ đầu tư quay lưng.Ảnh: Shutterstock

Căn cứ theo mẫu thư bảo lãnh trong bán nhà ở hình thành trong tương lai, do một ngân hàng thương mại phát hành riêng cho chủ đầu tư mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thu thập được, thì bao gồm hàng loạt điều kiện nhiêu khê, như người mua nhà phải làm xác nhận bảo lãnh mới sau mỗi đợt đóng tiền tiến độ cho chủ đầu tư; bên mua phải gửi yêu cầu trả tiền bảo lãnh về trụ sở ngân hàng trước 16 giờ 00 phút của ngày kết thúc thời hạn bảo lãnh...

Đồng thời, kèm theo các tài liệu bao gồm: Bản gốc thông báo xác nhận bảo lãnh do ngân hàng đã phát hành cho bên mua, biên bản thỏa thuận giữa bên mua và chủ đầu tư về việc hủy hợp đồng mua bán.

Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, căn cứ vào các điều kiện do phía ngân hàng đưa ra như trên có thể thấy, các khách hàng sẽ rất khó khăn, thậm chí gần như không thể đòi được tiền bảo lãnh từ phía ngân hàng.

“Việc ngân hàng quy định phải có biên bản thỏa thuận giữa bên mua và chủ đầu tư về việc hủy hợp đồng mua bán đã trói tay, trói chân khách hàng. Bởi trên thực tế, các chủ đầu tư sẽ không đời nào chịu ký vào biên bản và sẽ gây khó dễ bằng mọi cách”, luật sư Bách nhấn mạnh.

Minh chứng cho nhận định trên là việc mới đây, một dự án tại quận Hà Đông bị ngân hàng bảo lãnh và cấp tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo. Trong đó, một đối tác lớn của ngân hàng và chủ đầu tư (là một sàn phân phối bất động sản) đã mua lại phần lớn các căn hộ của dự án để phân phối. Sau khi dự án quá thời hạn bàn giao căn hộ, phía sàn giao dịch đã gửi yêu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán, nhưng không được chủ đầu tư đồng ý. Do đó, sàn này gặp khó trong việc đòi quyền lợi bảo lãnh từ phía ngân hàng.

Xem chi tiết tại đây.

Cách mạng 4.0: Đã đến lúc bất động sản chuyển mình

Với những tiến bộ về công nghệ trên nền tảng IoT, AI và Big Data, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được kỳ vọng sẽ tác động sâu rộng đến thị trường bất động sản đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng và quản lý.

Nhận định về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến ngành bất động sản, ông Daniel Levine, chuyên gia dự báo xu hướng cho rằng: “Những điểm thú vị của tương lai ngành bất động sản 5 - 10 năm tới là gì? Có thể các bạn đã nghe về việc xây dựng các tòa nhà bằng cách in 3D, nhiều quốc gia đã áp dụng được công nghệ này trong xây dựng. Và công nghệ này sẽ sớm trở thành một phần trong thị trường bất động sản”.

Tại Việt Nam, thời gian qua, không ít các hội thảo, tọa đàm, chuyên đề được tổ chức bàn luận về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang làm tác động đến thị trường bất động sản ra sao. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thực sự đặt chân vào lĩnh vực bất động sản khi không ít doanh nghiệp bắt đầu rót vốn đầu tư cho các dự án thông minh của mình. Sự chuyển mình và thích ứng để không bị tụt hậu trong cuộc đua số là phương châm mà một số doanh nghiệp bất động sản đặt lên là hàng đầu.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, bất động sản thông minh đang là một sản phẩm rất mới trên thị trường, khởi đầu đã tạo được sự thu hút và quan tâm của các nhà đầu tư, song, có trở thành một sản phẩm có sức hút cao và bền vững như kỳ vọng hay không, câu trả lời còn ở phía trước. Không ít mơ tưởng hướng tới một không gian sống thông minh, tiện ích mà nơi đó, máy móc trở thành một phần quan trọng của cuộc sống con người, kể cả trong lĩnh vực bán hàng bất động sản.

Song nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thực sự là cú huých làm thay đổi toàn bộ cục diện của thị trường bất động sản hay không? Liệu rằng sự xuất hiện của con người có trở nên mờ nhạt trong vai trò then chốt điều khiển thị trường bất động sản không?

Bản thân nước Mỹ là một đất nước có sự phát triển về khoa học tiên tiến, nhưng chính quốc gia này cũng đang loay hoay giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ cách mạng 4.0. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động, có những phạm trù đạo đức, lý trí và nghề nghiệp, nếu để máy móc thay thế sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn.

Xem chi tiết tại đây.

Ông Dũng "Lò Vôi" chi 2.300 tỷ đồng xây dựng khu dân cư tại Bình Dương

Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, tỉnh Bình Dương đã có quyết định chấp thuận chủ trương cho công ty đầu tư Dự án Khu nhà ở Đại Nam. Dự án toạ lạc tại phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, với diện tích đất hơn 100 ha. Quy mô dự án gồm 3.309 căn nhà, có khả năng phục vụ hơn 20.000 cư dân. Trước đó, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư Đại Nam cũng đã được thông qua.

Cụ thể, ngoài diện tích đất xây dựng nhà ở liền kề, biệt thự, công trình công cộng, dịch vụ đô thị, chủ đầu tư còn dành hơn 15 ha để xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án này là 2.312 tỷ đồng, trong đó Công ty Đại Nam đầu tư 989 tỷ đồng, còn 1.322 tỷ từ nguồn vốn doanh thu ứng trước.

Xem chi tiết tại đây.

Những biệt thự ổ chuột, "cởi trần" giá hàng chục tỷ giữa Thủ đô

Không khó để bắt gặp tình trạng nhiều biệt thự, liền kề xây dựng dở dang, luôn trong tình trạng như người “cởi trần” ở các khu đô thị tại Hà Nội hiện nay, bất cứ ai ngang qua cũng đều bị ám ảnh khi nhà tọa lạc giữa phố ngàn tỷ cho thuê nhếch nhác…

Những cảnh tượng này khá phổ biến ở khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội)

Những cảnh tượng này khá phổ biến ở khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội)

Xem chi tiết tại đây.

Khánh Hoà: Ra quân kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản

UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Xây dựng phải chủ động theo dõi, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản trên toàn địa bàn.

Ngoài giải pháp trên, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân, người dân được biết; cho phép chấm dứt hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra tình hình kinh doanh dịch vụ bất động sản trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản nhưng thực tế không hoạt động, hoạt động nhưng không đủ điều kiện, địa chỉ hoạt động không đúng với địa chỉ đăng ký.

Xem chi tiết tại đây.

Lượng vốn kỷ lục được rót vào công nghệ đô thị

Đối với đại đa số dân chúng, thành phố chính là nhà. Tỷ lệ dân thành thị trung bình trên thế giới là 55%, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tại Việt Nam, dự báo đến năm 2050, dân số tập trung tại đô thị sẽ tăng lên đến 70%.

Công nghệ cũng đang định hình lại bất động sản đô thị, từ ngành xây dựng “ConTech” cho đến các ứng dụng ăn uống. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta thiết kế và vận hành bất động sản, giúp giảm chi phí xây dựng và tối ưu hóa bãi đỗ xe.

Các giải pháp di động là lĩnh vực thu hút đầu tư nóng nhất, chiếm 61% tổng lượng đầu tư công nghệ đô thị. Những ứng dụng gọi xe như Uber và Lyft; ứng dụng chia sẻ xe đạp và xe điện; và các ứng dụng chuyển phát sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị, giảm sức ép đỗ xe và giải phóng không gian của các khu vực công cộng. Công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục có những tác động đáng kể khi xe không người lái được phổ biến rộng rãi.

Co-living và co-working cũng là một mảng ăn tiền lớn, đứng top ba thu hút đầu tư sau dịch vụ ăn uống. "Không gian và thói quen làm việc đang thay đổi", Goel cho biết. “Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp không nhất thiết phải tập trung toàn bộ nhân viên vào cùng một văn phòng, đặc biệt là ở các thành phố nổi tiếng kẹt xe.”

Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam cho biết “Không có nơi nào tốt hơn để chứng kiến sức nóng về nhu cầu văn phòng của các công ty công nghệ và co-working như tại Việt Nam. Đất nước đang bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng với các thị trường khác trong khu vực, nhờ vào tầng lớp doanh nhân trẻ, năng động, am hiểu về công nghệ cao. Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đáng kể nhu cầu từ các công ty công nghệ và co-working trong ba năm qua và dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm năm tới”.

Lĩnh vực xây dựng là "miếng bánh" béo bở tiếp theo. Điển hình như ứng dụng đám mây đang góp phần tăng hiệu suất làm việc của đội xây dựng, tối ưu hóa nguồn nhân sự và tăng tiến độ dự án. Công nghệ mới giúp cải thiện tính minh bạch và đồng bộ hóa dữ liệu, đây là hai yếu tố quan trọng nhất khi mà ngành xây dựng đang vật lộn với chi phí gia tăng. Công nghệ làm giảm sức ép cho các thành phố đại công trường, ví dụ như Oklahoma, nơi có mật độ dự án xây dựng dự kiến sẽ tăng 17% vào năm 2018.

Xem chi tiết tại đây.

Dự án "treo" giữa lòng Hà Nội: 22 năm mòn mỏi chờ... chính quyền

Hơn 20 năm nay, 300 hộ dân sống giữa khu đất được coi là “kim cương” của Thủ đô: Kim Liên-La Thành (nối tiếp với con đường đắt nhất hành tinh - Xã Đàn) đang phải sống tạm trên chính mảnh đất của mình.

Theo bà Đoàn Thị Ngọc, địa chỉ số 66 Xã Đàn, từ lúc Thành phố có quyết định quy hoạch dự án các con cô mới được mấy tuổi, giờ đã gần 30 tuổi nhưng vẫn phải ngủ chung phòng với bố mẹ vì nhà không có chỗ kê nổi cái giường. Cùng với đó, cô con gái út chuẩn bị kết hôn nhưng do gia đình chồng quê xa nên vợ chồng con gái cũng đành phải thuê nhà để ở mặc dù đất rộng.

“Chúng tôi từng nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng để mong được giải quyết dứt điểm hoặc các hộ dân được phép xây nhà… nhưng câu trả lời vẫn là không được phép vì trong diện quy hoạch. Chúng tôi chờ đợi quy hoạch như vậy đã hơn 20 năm rồi”, bà Ngọc nói.

Ông Nguyễn Thiện Hải và đại gia đình sống trong căn nhà chật chội lợp mái tôn.

Ông Nguyễn Thiện Hải và đại gia đình sống trong căn nhà chật chội lợp mái tôn.

Được biết, nhà bà Ngọc có diện tích đất rộng 85m với gần 10m mặt đường, nhưng không chỉ chỗ ở chật, xuống cấp mà công việc buôn bán cũng chẳng “ăn thua” nên đời sống vô cùng khó khăn.

Gần kề nhà bà Ngọc là bà Hà Thị Kim Lan, 60 tuổi. Bà Lan cho biết, nhà bà có diện tích 60m2 nhưng từ năm 1997 đến nay gia đình bà cùng các hộ lân cận đều không được cấp phép xây dựng hoặc mua, bán, sang tên đổi chủ.

“Gia đình nhà tôi ở đây là tứ đại đồng đường luôn rồi, mẹ tôi là bà Vũ Thị Xuân, năm nay gần 90 tuổi, tôi năm nay 60 tuổi, cùng các con, cháu nữa. Như vậy là 4 đời cùng đang sinh sống trong ngôi nhà cũ, xuống cấp mấy chục năm nay. Giờ bản thân tôi đã có tuổi mà nhà cửa cũ nát, đồ dùng tiện nghi đều thiếu thốn do không thể lắp đặt thêm. Giữa Thủ đô nhưng chất lượng cuộc sống thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã hội hiện nay” - bà Lan nói.

Mặc dù những hộ dân đang sinh sống ở trung tâm thành phố với những m2 đất được sánh ngang với kim cương, nhưng lại đang có cuộc sống hết sức khó khăn.

“Các gia đình đều mong muốn phường, quận, thành phố cho phép chúng tôi được xây dựng để có thể giải quyết những vướng mắc trên và đảm bảo cuộc sống mưu sinh như những gia đình khác”, bà Ngọc tha thiết đề nghị.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top