Dự án Bình Quới - Thanh Đa, đường trở lại còn xa
Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, Thành phố giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, dự án này giậm chân tại chỗ, nên đến năm 2010, Thành phố quyết định thu hồi, sau đó giao cho 1 tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.
Tưởng chừng như dự án sẽ được hồi sinh, nhưng nó tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) được UBND Thành phố chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư trên chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, tới năm 2016 dự án này lại rơi vào cảnh không hướng đi, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, do chủ đầu tư này đưa 3 câu hỏi mà phía UBND TP.HCM không trả lời được, đó là tổng mức bồi thường cho dự án này là bao nhiêu, thời gian bàn giao dự án cho doanh nghiệp, vấn đề giải phóng mặt bằng thực hiện trong bao lâu và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ gì?
"Vì không trả lời được những câu hỏi trên, nên nhà đầu tư ngoại đã rút khỏi dự án, sau đó Bitexco xin tiếp tục thực hiện, nhưng tới nay vẫn chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định thực hiện mời thầu lại để sớm có lối thoát cho dự án này phát triển”, ông Hoan nói.
Như vậy, sau 26 năm nằm trên giấy, qua nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước, Dự án Bình Quới - Thanh Đa lại trở lại vạch xuất phát ban đầu là tìm nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Dự án Bình Quới - Thanh Đa trước đây được liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC phối hợp triển khai trên chủ chương được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho triển khai. Sau đó, Emaar Properties PJSC rút vì dự án quá chậm trong việc giải phóng mặt bằng, bởi thủ tục quá lâu và nhiều bất cập.
Xem chi tiết tại đây.
Dự án “rùa bò” chơi sang, vung trăm triệu để dọn cỏ
Thông tin từ một số khách hàng góp vốn dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên (CBCNV) tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết họ mới được Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (Tranimexco) gửi giấy mời họp vào ngày 14/11 tới. Nội dung cuộc họp là “nghe báo cáo tiến độ, kế hoạch triển khai dự án Khu nhà ở CBCNV”.
Đại diện nhóm khách hàng cho biết, trước đó Tranimexco cũng đã gửi giấy mời họp, nhưng định tổ chức họp thành 8 buổi, mỗi buổi khoảng 20 người. Tuy nhiên, khách hàng góp vốn không đồng ý với phương án này, nên Tranimexco đã phải chuyển sang tổ chức họp với toàn bộ khách hàng. Lần họp gần đây giữa Tranimexco với khách hàng là vào tháng 7/2017.
Cũng theo vị đại diện này, những người góp vốn đã bàn bạc và thống nhất một số nội dung sẽ yêu cầu, cũng như mong muốn Tranimexco làm rõ và đáp ứng.
Một là, về pháp lý của dự án, Tranimexco phải thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đúng như những lời hứa hẹn. Tôn trọng hợp đồng góp vốn giữa CBCNV và Tranimexco. Hồ sơ dự án phải minh bạch.
Hai là, về tiến độ thực hiện dự án, Tranimexco cần nhanh chóng tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Thời gian thực hiện tối đa trong khoảng 6 tháng kể từ khi bắt đầu thực hiện, để bà con sớm nhận được nền nhà. Việc chọn đơn vị thi công xây dựng cơ sở hạ tầng dự án, phải được đấu thầu công khai, chọn ra nhà thầu có giá hợp lý nhất và đáp ứng được chất lượng thi công.
Khách hàng cho rằng, cần xem lại việc Tranimexco đưa ra đề xuất huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án là 11.182.000 đồng/m2. Bởi nếu căn cứ Quyết định số 1161/QĐ-BXD, thì đây là quy định về suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, chứ không phải giá xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ba là, khoản tiền đền bù cho dự án đường vành đai 2 chạy qua dự án, phải trả cho những khách hàng góp vốn. Bởi lẽ, do dự án đường vành đai 2 này được lập sau dự án khu dân cư CBCNV, nên diện tích mỗi nền nhà của những khách hàng góp vốn đều bị giảm hàng chục m2. Còn Tranimexco chỉ là công ty đại diện cho khách hàng góp vốn, nên không có quyền nhận và chi tiêu khoản tiền đền bù này.
Xem chi tiết tại đây.
“Thủ đô resort” Bình Thuận: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Trước năm 2007, nhận lời kêu gọi của UBND tỉnh Bình Thuận về đầu tư du lịch, nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội... đã đến và đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển Kê Gà.
Tuy nhiên, đến năm 2007, chủ đầu tư các dự án resort khu vực Kê Gà bỗng nhận được thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu họ dừng triển khai xây dựng dự án các khu du lịch tại đây để thu hồi đất xây dựng cảng Kê Gà.
Để tiến hành xây dựng cảng, UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần mời các chủ đầu tư lên làm việc để tính toán việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 12 dự án nằm trong vùng phải dừng hoạt động. Nhưng qua nhiều lần dự kiến khởi công cảng Kê Gà vẫn nằm trên giấy, không tiến hành như hứa hẹn ban đầu của chủ đầu tư.
Tháng 2/2013, nhận thấy dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng lại và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại cho nhà đầu tư du lịch. Một năm sau, Chính phủ có quyết định chính thức dừng hẳn, xóa bỏ quy hoạch cảng Kê Gà. Từ một vùng biển được kỳ vọng là một trong những điểm sáng du lịch của tỉnh, bỗng chốc trở thành hoang tàn, xuống cấp trầm trọng.
Được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2008, dự án Khu phức hợp lấn biển Phú Hải do Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Regina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư có vị trí cửa ngõ "thủ đô resort", thuộc phường Phú Hài - TP. Phan Thiết.
Với tổng diện tích lên đến 442 ha, từng được xem là dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch có quy mô lớn đầu tiên ở Bình Thuận, gồm 2 khu chức năng thiết kế nhiều hạng mục: Khu biệt thự, căn hộ, dịch vụ thương mại, sân golf, với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD... Thế nhưng cho đến nay, dự án Khu phức hợp lấn biển Phú Hải vẫn nằm trong danh sách các dự án chưa triển khai xây dựng trên địa bàn TP. Phan Thiết do vướng quy hoạch, đang chuyển mục đích sử dụng đất.
Xem chi tiết tại đây.
Bất động sản cao cấp trung tâm dẫn đầu về lợi suất cho thuê
Theo số liệu từ Savills Việt Nam, Hà Nội và Tp.HCM đang dẫn đầu về lợi suất cho thuê bất động sản. Tại Hà Nội, mức lợi suất cho thuê đạt 7,4% còn TP.HCM là 5,8%, chỉ số này cao hơn cả một số thành phố khác tại châu Á như Jakarta (5,2%), Kuala Lumpur (4,8%), Manila (4,3%), Bang Kok (4,0%), Singapore (3,7%).
Theo số liệu từ báo cáo quý 3/2018 của Savills Việt Nam, thị trường nhà ở tại Tp.HCM vẫn là phân khúc nhận được sự quan tâm của số đông. Trong đó, sự sôi động trở lại của phân khúc cao cấp và siêu cao cấp được hỗ trợ bởi nhiều lợi thế như tích lũy người dân tăng cao, chính sách mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam cũng như nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã tạo ra nhiều ưu thế lẫn niềm tin với các NĐT.
Ngoài ra, nội tại thị trường cao cấp cũng đang sở hữu những triển vọng phát triển. Số người siêu giàu tại Việt Nam dự kiến trong vòng 10 năm tới có thể lên gấp 3 lần, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mức sống của người Việt đang ngày một nâng cao và tiêu chuẩn sống được nâng tầm cũng là lí do khiến nhu cầu về ở cao cấp tăng lên.
Trong đó, tại Q.1 TP.HCM được xem là khu vực có mức giá thuê căn hộ cao cấp, hạng sang ngang ngửa với các đô thị hàng đầu trong khu vực, dao động từ 1.500-3.000 USD/tháng và cung hiện vẫn chưa đáp ứng đủ cầu.
Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, giá cho thuê trung bình của căn hộ hạng A tại Q.1 là 1.500-2.000USD/tháng với căn 1 phòng ngủ và 2.5000-3.000USD/tháng với căn 2 phòng ngủ. Tuy nhiên, thực tế mặc dù giá cao nhưng những người có nhu cầu không dễ dàng tìm được căn hộ để thuê. Công suất cho thuê phòng căn hộ cao cấp luôn tốt, đạt từ 99-100%.
Xem chi tiết tại đây.
Hà Nội lý giải 7 năm cải tạo không xong chung cư cũ trên "đất vàng"
Chiều 12/11, UBND quận Đống Đa cùng nhà đầu tư là Công ty CP Bất động sản Vinaconex tổ chức buổi cung cấp thông tin các cơ quan báo chí về quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 tại số 93 Láng Hạ.
Đây là dự án nằm tại vị trí "đất vàng" và chậm tiến độ hơn 7 năm nay khiến gần 120 hộ dân mòn mỏi chờ đợi nhà tái định cư mà chưa rõ ngày về.
Theo thông tin, khu tập thể cũ 93 Láng Hạ có diện tích 5.159m2, cao 5 tầng. Vào tháng 5/2011, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Bất động sản An Thịnh để thực hiện Dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 tại số 93 Láng Hạ với tiến độ thực hiện từ năm 2011 - 2015.
Đến cuối năm 2015, Tổng công ty CP Vinaconex đã mua cổ phần Công ty CP bất động sản An Thịnh, rồi đổi tên thành Công ty Cổ phần bất động sản Vinaconex và trở thành chủ đầu tư của dự án này và đưa ra tiến độ mới là 2016-2019.
Mặc dù trở thành chủ đầu tư mới của dự án gần 3 năm nay nhưng đến nay dự án vẫn bỏ hoang đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, làm xấu bộ mặt mỹ quan đô thị.
Xem chi tiết tại đây.
Chung cư Gelexia Reverside: Khách hàng thiệt đủ đường khi nhận bàn giao căn hộ
Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở quận Hoàng Mai (Gelexia Reverside) do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam, đơn vị trực thuộc tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc trên diện tích 37.000m2 bao gồm 4 tòa nhà cao từ 31- 33 tầng, với quy mô gần 2.000 căn hộ đang trong giai đoạn bàn giao và giao dịch mua bán rầm rộ.
Theo phản ánh, mặc dù rất nhiều hộ dân đã nhận nhà và chuyển vào ở từ đầu tháng 10/2018 nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hết các hạng mục. Điều này dẫn đến một thực trạng, diện mạo tòa nhà nhếch nhác, mất vệ sinh và chất lượng dịch vụ không đảm bảo.
“Chúng tôi đã nộp đầy đủ 2% phí bảo trì theo quy định và phí quản lý vận hành (cho cả năm) nhưng hiện nay, tình trạng vệ sinh tại các khu vực chung như đường nội bộ, hành lang, thang máy, sảnh, hệ thống thoát nước thải… của các tòa nhà vẫn rất ngổn ngang, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là với trẻ em và người già”, cư dân tại tòa nhà CT1 bức xúc.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại dự án chung cư Gelexia Reverside, hệ thống đường nội bộ trong khuôn viên chung cư đang trở thành nơi tập kết rác thải xây dựng. Tại sảnh, các tầng trong tòa nhà và thang máy vẫn trong tình trạng nhếch nhác, bụi bẩn và ngổn ngang. Nắp bể nước không được cố định che chắn, để lộ ra “hố tử thần” luôn rình rập cư dân tại đây và càng nguy hiểm hơn đối với trẻ em…
Bên cạnh việc mất vệ sinh tại các tòa nhà, nhiều hộ dân còn tỏ rõ sự bất bình khi phát hiện căn hộ của mình bị thiếu hụt diện tích so với hợp đồng, dẫn đến thiệt thòi cho cư dân. Đã có những thông tin khách hàng vì bức xúc do thiếu diện tích quá nhiều nên đã xem xét đến khả năng từ chối nhận nhà.
Trao đổi với phóng viên, anh T., chủ một căn hộ tại tòa CT1, chung cư Gelexia Reverside cho biết: “Diện tích theo hợp đồng mua bán căn hộ của gia đình tôi là 76,16m2, nhưng diện tích trên thực tế chỉ có 73,24m2, bị thiếu hụt 2,92m2. Nhẩm tính đơn giản, chúng tôi bị thiệt mất hơn 60 triệu đồng”.
Cư dân Gelexia Reverside cho biết, trong hợp đồng mua bán có thể hiện phương án giải quyết đối với phần chêch lệch diện tích căn hộ. Theo đó, nếu thiếu hụt dưới 2% thì giá trị HĐMB không thay đổi còn nếu thiếu hơn 2% diện tích thì chủ đầu tư phải đối trừ cho khách hàng. Tuy nhiên, trong hợp đồng lại không thể hiện rõ ràng thời điểm đối trừ giá trị phần diện tích chênh lệch nếu vượt quá 2%. Trên thực tế, rất nhiều căn hộ tại Gelexia Reverside bị thiếu diện tích lớn hơn 2% và cho đến nay, dù đã ký hợp đồng và bàn giao căn hộ cho khách hàng nhưng chủ đầu tư vẫn không đề cập đến việc đối trừ giá trị phần diện tích bị thiếu.
Xem chi tiết tại đây.