Aa

Dự án khách sạn 5 sao 12 Trần Phú: Vì sao các hộ dân chưa đồng thuận?

Thứ Năm, 31/05/2018 - 13:38

Dự án khách sạn 5 sao 12 Trần Phú: Vì sao các hộ dân chưa đồng thuận?; Hà Nội cảnh báo thảm họa cháy nổ, đổ sập chung cư; Dự án Saigon Pearl giai đoạn 3: Chủ đầu tư bị tố mới ký đặt cọc nhưng đã thu tiền mua nhà; Đất nền còn “cửa” đầu tư nhưng nên hạn chế dùng “đòn bẩy”;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Dự án khách sạn 5 sao 12 Trần Phú: Vì sao các hộ dân chưa đồng thuận?

Ông Hoàng Phú Lưỡng, trú tại ngõ 56 Trần Phú (số 12 Trần Phú cũ), cho rằng khu đất mà các hộ dân nguyên là các thầy cô giáo và các cán bộ nhà trường trước đây được phân không thuộc khuôn viên của nhà trường mà là một khu tập thể độc lập ở bên cạnh trường, có lối đi riêng, sinh hoạt riêng chứ không sinh hoạt chung với khu đất của nhà trường.

“Mảnh đất chúng tôi ở từ năm 1955 cho đến thời điểm vừa rồi là năm 2018. Trong suốt thời gian đó không hề có kiện tụng, tranh chấp và chúng tôi vẫn được quyết định sửa chữa nhà, được đăng ký hộ khẩu và sinh hoạt như mọi người dân bình thường. Đất chúng tôi ở là đất hợp pháp”, ông Lưỡng nhấn mạnh.

Dự án khách sạn 5 sao ở 12 Trần Phú đã khởi công nhưng nhiều hộ dân vẫn đang khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cao hơn về việc bồi thường đất (Ảnh: Vũ Hải).

Dự án khách sạn 5 sao ở 12 Trần Phú đã khởi công nhưng nhiều hộ dân vẫn đang khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cao hơn về việc bồi thường đất (Ảnh: Vũ Hải).

Vì vậy, ông Lưỡng cho rằng theo qui định của Luật đất đai năm 1993 và 2013 đất ở của các hộ là hợp pháp nên việc thu hồi đất của các hộ dân là trái với pháp luật, trái với qui định của Luật Đất đai.

“Giả sử các hộ dân có là lấn chiếm như UBND quận xác định thì họ cũng vẫn phải được đối xử công bằng như những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng hiện nay địa phương thu hồi đất nhưng lại không bồi thường về đất mà chỉ là hỗ trợ di dời khiến cho các hộ dân không được hưởng quyền lợi hợp pháp”, ông Lưỡng bức xúc.

Về thủ tục, trình tự thu hồi đất, ông Lưỡng cho rằng, quyết định thu hồi đất đáng lẽ phải thông báo trước cho các hộ dân 180 ngày, nhưng ở đây thông báo hôm trước,  (chiều 23.4 các hộ nhận thông báo) thì sáng 24.4 là cho người đến cưỡng chế. Trong khi các cựu giáo chức sống tại đây toàn là những người đã già, ốm yếu, thậm chí có thầy nằm ốm liệt hai chục năm nay, có cô hiện đang bị ung thư...

Xem chi tiết tại đây.

Đất nền còn “cửa” đầu tư nhưng nên hạn chế dùng “đòn bẩy”

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, TP.HCM hiện nay có khoảng 13 triệu dân thì có 2 - 3 triệu người là dân ngoại tỉnh đến TP.HCM sinh sống và làm việc nên có nhu cầu lớn về nhà ở.

Hơn nữa, sự cố cháy nổ ở một số chung cư xảy ra gần đây cũng là yếu tố thúc đẩy sự dịch chuyển đầu tư sang nhà gắn liền với đất. Đồng thời, tích lũy của người dân nhiều hơn và nhà đất đang trở thành một loại hình “của để dành” đáng giá, bên cạnh vàng và tiết kiệm ngân hàng.

“Để hình thành một đơn vị nhà ở, giá đất chiếm từ 40-60% và như vậy nếu giải quyết được chi phí đất thì sẽ có sản phẩm hợp túi tiền cho người dân. Với cú huých hạ tầng mạnh mẽ tại TP.HCM giai đoạn 2015-2017, việc tăng giá đất là diễn biến gần như tất yếu”, ông Khương nói.

Theo đánh giá từ Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn Savills Việt Nam, việc giá đất tăng hiện nay được hội tụ bởi nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô khi nền kinh tế bước vào chu kỳ phát triển mới, xuất phát từ cả nhu cầu để ở và nhu cầu đầu tư ngày càng tăng của người dân. Điểm tích cực là nhu cầu nhà ở của người dân được đa dạng hóa và tính thanh khoản cao. Mặt tiêu cực là dù không hẳn là cơn sốt ảo, nhưng mặt bằng giá tăng lên sẽ hạn chế sự lựa chọn cho người mua với khả năng tài chính hạn chế.

Cụ thể, tính đến thời điểm quý I/2018, tại các quận thuộc TP.HCM có quy hoạch tốt, giá bán đất nền tăng 5 - 15% theo quý và 15 - 25% theo năm. Mức tăng này được nhận định nằm trong ngưỡng an toàn, song song với sự phát triển của thị trường nói chung.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường căn hộ, dự án tốt vẫn hút khách

Cuối tuần qua, Công ty Phú Đông Group đã chính thức giới thiệu ra thị trường Dự án Khu căn hộ cao cấp Phú Đông Premier tại phía Đông Bắc Sài Gòn. Phú Đông Premier có tổng diện tích đất hơn 5.000 m2, bao gồm 2 block 35 tầng với tổng số 657 căn hộ có diện tích từ 63,38 - 144,73 m2, với từ 2 - 3 mặt thoáng, đây là dự án do Phú Đông Group phát triển hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, có nhu cầu ở thực.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chính thức công bố ra thị trường Dự án căn hộ Saigon Riverside (quận 7, TP.HCM). Dự án tọa lạc tại vị trí khá đắc địa trên đường Đào Trí, quận 7, TP.HCM, bao gồm 5 block với gần 3.580 căn hộ. Đây là dự án căn đầu tiên của Hưng Thịnh tung ra thị trường trong năm 2018 với tổng vốn đầu tư của dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Chủ đầu tư Mapletree vừa khởi công dự án cao cấp One Verandah tại quận 2.

Chủ đầu tư Mapletree vừa khởi công dự án cao cấp One Verandah tại quận 2.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng đã khai trương Khu nhà mẫu dự án căn hộ cao cấp La Cosmo Residences. Dự án tọa lạc ngay giao lộ Hoàng Văn Thụ - Út Tịch, khu vực tiếp giáp các quận Tân Bình, Phú Nhuận và quận 3.

Với tổng số 500 căn hộ cao cấp, La Cosmo là dự án tiên phong áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Điển hình là việc tối ưu hóa các giải pháp thông gió, chiếu sáng tự nhiên cho khu vực đậu xe; vhiếu sáng tự nhiên tầng hầm; giải pháp đón ánh sáng và gió tự nhiên vào căn hộ; sử dụng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước; đèn sân vườn năng lượng mặt trời; đèn LED chiếu sáng; vật liệu không nung…

Tương tự, Công ty Bất động sản Danh Khôi Việt cũng vừa công bố ra thị trường Dự án Southgate Tower tại quận 7, TP.HCM. Southgate Tower lấy cảm hứng thiết kế từ châu Âu, tối ưu không gian sống. Dấu ấn đặc biệt của Southgate Tower là sự an toàn từ trong thiết kế đến chất lượng công trình.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp sơn “rối” vì hàng giả hoành hành

Là một nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, anh Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xây dựng Tấn Tài cho biết, thị trường sơn hiện nay rất phức tạp, nếu không tinh ý và không phải lấy hàng từ mối quen thì chính thợ thi công cũng rất dễ lấy phải hàng kém chất lượng.

Theo anh Tấn, phương thức để “chế” được một thùng sơn rất đa dạng. Ví dụ như “thùng thật sơn giả” là một tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh sơn hiện nay. Rất nhiều hãng sơn như Jotun; Galaxy; Dulux; Everest; Mykolor… đều chống hàng giả bằng cách làm ra những chiếc thùng sơn đặc biệt giúp khác hàng phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Nắm bắt được yếu tố này, những người buôn bán không có uy tín sẽ mua lại những thùng sơn của các đơn vị xây dựng rồi chiết loại sơn “rẻ tiền” vào.

Thị trường sơn đang vàng thau lẫn lộn.

Thị trường sơn đang vàng thau lẫn lộn.

Cũng với thủ thuật “thùng thật sơn giả”, nhiều chủ cửa hàng có thể mua hóa chất ở các chợ chuyên bán hóa chất về để tự pha chế thành sơn, sau đó đóng vào thùng rồi bán cho người tiêu dùng.

Một “chiêu” nữa đang được sử dụng rộng dãi hiện nay để “móc túi” người tiêu dùng là người bán sẽ mua sơn thật chất lượng cao, sau đó rút bớt khoảng 10 – 15% khối lượng bên trong sang 1 thùng mới. Như vậy, từ 7 - 9 thùng ban đầu đã có ngay 1 thùng sơn nữa.

“Sản xuất sơn giả dạng này thì không cần có kỹ thuật hay kiến thức, lại nhanh chóng, dễ dàng làm hàng loạt. Cách làm sơn giả này rất an toàn, hầu như không bị cơ quan chức năng bắt, vì mỗi lần chỉ khui vài thùng, việc này diễn ra rất nhanh và dù bắt quả tang cũng không thể khép họ vào tội khui thùng sơn được”, nhà thầu này cho biết thêm.

Xem chi tiết tại đây.

Dự án Saigon Pearl giai đoạn 3: Chủ đầu tư bị tố mới ký đặt cọc nhưng đã thu tiền mua nhà

Được biết, dự án Saigon Pearl được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Vietnam Land SSG theo Quyết định 4879/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ - văn phòng thuộc dự án Khu dân cư phức hợp sông Sài Gòn - giai đoạn 3 tại số 92 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM trên diện tích 4.161 m2.

Tuy nhiên, ngay từ khi chưa được UBND Thành phố có quyết định công nhận chủ đầu tư, Land SSG đã tổ chức giao dịch, nhận giữ chỗ với các khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Đ.Q.Đ - một khách mua nhà tại dự án này cho biết, tháng 11/2016, ông đã ký kết “Thỏa thuận đăng ký giữ chỗ” với Công ty TNHH Vietnam Land SSG để đặt cọc mua căn hộ tại tầng 7, Tòa nhà Opal thuộc dự án Saigon Pearl.

Ông Đ phải đặt cọc giữ chỗ với số tiền 200 triệu đồng để chờ Land SSG thông báo ký kết Hợp đồng đặt cọc với điều khoản: “Tiền giữ chỗ” sẽ bị mất và thuộc về bên bán nhà mà không cần có bất cứ thông báo nào (bằng lời nói hoặc bằng văn bản) từ Công ty Land SSG nếu ông Đ không thanh toán đợt thứ nhất của “Tiền đặt cọc” và không ký kết “Hợp đồng đặt cọc” hay “Hợp đồng mua bán căn hộ” cho dù vì bất cứ lý do gì.

Theo thỏa thuận đó, ngày 5/1/2017, ông Đ và Công ty Land SSG đã ký “Hợp đồng đặt cọc mua căn hộ” với giá bán căn hộ là 3,445 tỷ đồng. Tiền cọc được xác định là khoản tiền do khách hàng chuyển cho Công ty Land SSG để đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ các bên được quy định tại điều 3 của “Hợp đồng đặt cọc mua căn hộ” và phụ lục 2 của hợp đồng.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội cảnh báo thảm họa cháy nổ, đổ sập chung cư

Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Thành phố Hà Nội", trong đó cảnh báo 10 nguy cơ rủi ro trở thành thảm họa và trong đó có việc cháy nổ, sập đổ các chung cư cũ, chung cư cao tầng.

Cụ thể, theo Thành phố Hà Nội, các rủi ro cháy nổ, đổ sụp công trình được xác định có thể trở thành thảm họa của Hà Nội.

Đối với các chung cư cũ, rủi ro dẫn đến thảm họa khi xảy ra hiện tượng cháy, đổ sụp hàng loạt nhà chung cư.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Nếu động đất với cường độ 4 – 5 richter có thể gây sụp đổ hàng loạt các chung cư cũ. Hiện có khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4 – 5 tầng.

Đối với các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng, rủi ro thành thảm họa khi cháy toàn bộ hoặc đổ sụp. Nguyên nhân đổ sụp có thể do động đất cường độ lớn, khoảng 7 richter đối với các chung cư không được thiết kế chống động đất; hoặc do sai quy trình thiết kế, xây dựng.

Bên cạnh đó, cháy khu dân cư nếu không dập tắt kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các khu vực này tồn tại đan xen nhiều kiến trúc xây dựng khác nhau và quy hoạch xây dựng không đồng bộ; nhà dân xen kẽ với các khu dịch vụ thương mại nên số lượng, chủng loại chất cháy rất đa dạng, trong đó có nhiều chất dễ cháy như gas, bông, vải sợi, nilon, giấy, hóa chất...

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top