Aa

Dự án khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm: Sau 20 năm không triển khai, giờ ra sao?

Nam Khánh
Nam Khánh hosoreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 04/09/2021 - 06:10

Hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng Dự án khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chỉ là bãi đất hoang khiến dư luận bức xúc.

Lời toà soạn: 

Mặc dù đã được Nhà nước giao đất để triển khai dự án, nhưng không ít chủ đầu tư vẫn không thể thực hiện theo đúng lộ trình cam kết dẫn đến tình trạng các dự án bị "treo" cả thập kỷ. Điều này gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân xung quanh dự án.

Đáng chú ý, một số chủ đầu tư đã lợi dụng sự "ưu ái" của chính quyền dành cho mình để trục lợi cá nhân, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Làm sao để giải quyết dứt điểm tình trạng này đang là vấn đề trăn trở của các đơn vị chức năng. Bởi lẽ, không phải dự án nào cũng có thể thu hồi hoặc bàn giao lại đất tại đây cho các hộ dân sử dụng.

Trên tinh thần khảo sát và nghiên cứu các dự án chậm tiến độ hàng thập kỷ, đồng thời giúp độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, Reatimes xin trân trọng giới thiệu bài viết: "Dự án khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm: Sau 20 năm không triển khai, giờ ra sao?".

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Không triển khai dự án nhưng lại đem sổ đất thế chấp ngân hàng

Dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm có khu đất rộng hơn 11ha tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Sơn (viết tắt là Công ty Trung Sơn) làm chủ đầu tư, có nguồn gốc đất là của Công ty Liên hiệp Dầu thực vật Đồng Nai. Giai đoạn 1987 - 1988, công ty này giao đất cho nhiều người dân địa phương canh tác sản xuất. Năm 2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty Trung Sơn làm dự án với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, Nhà nước cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm.

Ngày 15/7/2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định 6561/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án. Đến ngày 10/5/2005, tỉnh có quyết định điều chỉnh thay đổi từ hình thức cho thuê sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà khi đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho Công ty Trung Sơn được miễn tiền sử dụng đất (theo Quyết định 1466/QĐ-CT ngày 10/5/2005 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

hồ tràm
Bên trong dự án khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm chậm triển khai hơn 20 năm

Mới đây, bà Hà Thị Hoà - một người dân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có đơn tố cáo gửi lãnh đạo tỉnh này và các cơ quan báo chí phản ánh việc tỉnh đã giao đất ưu đãi cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng từ năm 2003 đến nay dự án bỏ hoang, gây lãng phí và thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Bà Hòa yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ những dấu hiệu sai phạm của dự án, cá nhân có liên quan nhằm đem lại một xã hội công bằng, nghiêm túc tuân thủ pháp luật tại địa phương. Nhiều lá đơn của bà gửi đi mấy năm qua vẫn "rơi vào im lặng".

Theo bà Hòa, thay vì triển khai dự án, Công ty Trung Sơn đã thế chấp toàn bộ dự án tại ngân hàng để bảo lãnh cho một công ty khác vay tiền dùng vào việc khác thay vì vay vốn để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng. “Có thể thấy, trong hai năm từ 2003 đến 2005, dự án không triển khai gì nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng lại thực hiện việc chuyển hình thức từ cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất sang hình thức giao đất và ưu đãi không thu tiền sử dụng đất. Điều này tạo điều kiện cho Công ty Trung Sơn mang giấy tờ đất đi bảo lãnh cho một công ty khác. Như vậy Nhà nước thất thu ngân sách khi ưu đãi đầu tư sai đối tượng, Công ty Trung Sơn hưởng lợi bằng việc dùng tài sản Nhà nước giao đất không thu tiền để bảo lãnh cho công ty khác vay tiền ngân hàng”, bà Hoà bức xúc. 

Không chỉ bà Hoà, một người dân khác là bà Nguyễn Thị Hảo (cư trú tại tổ 2, khu phố Kim Hải, TP. Bà Rịa) cũng đã có đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo Công ty Trung Sơn chiếm đất của gia đình bà và cho biết công ty này không có năng lực thực hiện dự án khi để dự án “treo” hơn 20 năm không thực hiện, gây thiệt hại về kinh tế, gây bất ổn về trật tự xã hội, xâm hại lợi ích gia đình bà cũng như gây lãng phí nghiêm trọng và thất thoát, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. 

Hơn 11ha đất nhưng chỉ đóng 7,6 tỷ đồng tiền sử dụng đất 

Do dự án không triển khai, nên đến năm 2014, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư về dự án. Sau 2 năm kể từ ngày bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, ngày 28/6/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục có Kết luận thanh tra số 1431 xác định vi phạm của Công ty Trung Sơn là “chậm đưa đất vào sử dụng và gia hạn sử dụng đất - theo Điều 64 Luật Đất đai 2013” và nêu rõ: Hết thời gian gia hạn nếu công ty không tiến hành triển khai dự án theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, thì sẽ tiến hành lập thủ tục thu hồi đất theo quy định pháp luật". 

Ngày 16/1/2017, UBND huyện Xuyên Mộc cũng có văn bản số 248 đề xuất thu hồi dự án vì dự án chậm, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, công ty mang hồ sơ đi thế chấp ngân hàng vay tiền để sử dụng mục đích khác. 

Trước các kiến nghị trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy về việc chủ đầu tư kiến nghị giãn tiến độ dự án. 

Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát pháp lý dự án thì Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc - Châu Đức có Thông báo nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp số 1282 đối với diện tích hơn 11ha đất được giao cho Công ty Trung Sơn, với nghĩa vụ tài chính là 7,6 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, 7 tháng sau khi UBND huyện Xuyên Mộc có đề xuất thu hồi dự án thì đến ngày 18/8/2017, Công ty Trung Sơn bất ngờ thực hiện thủ tục xóa thế chấp vay tiền tại ngân hàng, trong khi trước đó vào năm 2014 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. 

“Trong khi dự án bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, chủ đầu tư vẫn cầm cố vay ngân hàng. Như vậy, trong việc này chủ đầu tư có chăng đang trục lợi quyền sử dụng đất được giao trong suốt 12 năm để lấy vốn làm việc khác mà không đầu tư xây dựng dự án. Không những vậy, đến nay dự án cũng không hề triển khai, khu đất vẫn là bãi đất hoang hóa hơn 20 năm.

Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi tại dự án này, dựa vào cơ sở nào để tính số tiền sử dụng đất 7,6 tỷ đồng với diện tích hơn 11ha đất, trong khi giá đất giao dịch tại khu vực này năm 2019 đã là 7 - 8 triệu đồng/m2. Việc tính tiền sử dụng đất như trên đang gây thất thoát ngân sách Nhà nước không? Hiện nay tôi được biết dự án đã được bán cho một doanh nghiệp ở TP.HCM, Công ty Trung Sơn thu lợi hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ đóng thuế cho Nhà nước 7,6 tỷ đồng, trong khi dự án chưa xây dựng bất kỳ hạng mục nào”, bà Hòa bức xúc. 

hồ tràm
Dự án treo hơn 20 năm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Theo luật sư Trần Thu, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại mục 5 Điều II Quyết định số 6561 ngày 15/7/2003 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai công tác đầu tư và xây dựng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch đã cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê, đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt.

Điều 64 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng, nếu không sẽ bị thu hồi để đấu thầu, đấu giá, giao đất cho chủ đầu tư khác có năng lực triển khai dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí đất đai. 

GS. Đặng Hùng Võ từng chia sẻ với báo giới về vấn đề thu hồi các dự án chậm tiến độ. Ông nhận định, khó thu hồi thì chỉ có thể giải thích bằng lý do là lợi ích chung gì ở đây mà lợi ích đã được trao đổi rồi. Cũng có thể ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng Nhà nước cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Cần cương quyết thu hồi lúc này mới có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đây.

Ngoài ra, GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ, một giải pháp để tránh tình trạng dự án "treo" như hiện nay là Nhà nước cần xem xét việc đánh thuế với mức cao nhất có thể đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Như vậy, Nhà nước vừa không lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm tính toán hiệu quả trong việc sử dụng khu đất vừa thu hồi từ doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top