Thực tế, qua giám sát của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu Quốc gia tại các tỉnh miền núi, đặc biệt vùng khó khăn, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó thực hiện. Đơn cử tại tỉnh Gia Lai, để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào, tỉnh đã thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Mặc dù, đến nay, tỉnh Gia Lai đã xây được 89 ngôi nhà và hỗ trợ đất sản xuất 6 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Gia Lai đặt mục tiêu năm 2023 sẽ giải quyết khoảng 50% số hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Gia Lai cho biết trong quá trình triển khai thực tế, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ thuộc diện thụ hưởng có đất ở nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó phân bổ nguồn vốn thực hiện. Đối với việc hỗ trợ đất sản xuất, nhiều địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho hộ nghèo nên không thực hiện giải ngân được vốn đã giao.
Nhận định đây không phải là khó khăn riêng với tỉnh Gia Lai mà rất nhiều địa phương miền núi khó khăn trong cả nước, dù đây là chính sách luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng triển khai đã nhiều năm vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, để thực hiện hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc bởi đây là chính sách Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, nhưng quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong quá trình nghiên cứu, Luật Đất đai sửa đổi đã tính toán xây dựng chính sách ở cả 4 khía cạnh là: Nguồn lực; Quỹ đất; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; Trách nhiệm của Người sử dụng đất.
Ban soạn thảo đã chỉnh sửa quy định tại Điều 17 theo hướng toàn diện hơn thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho ĐBDTTS không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, Điều 17 gần như đã sửa toàn bộ, đồng thời sửa bổ sung 3 khoản Điều 13 và với 3 khoản Điều 12 các hành vi cấm chuyển đổi loại đất này. Theo đó có 3 hành vi nghiên cấm. Một là hành nghiêm cấm hành vi của cơ quan, người tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đối với quỹ đất đã xác định đó là quỹ đất dành cho phục vụ cho chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số mà giao cho các không đúng đối tượng. Thứ hai, nghiêm cấm người có đất được Nhà nước thực hiện ược giao đất cho thuê lần hai rồi mà vẫn tiếp tục chuyển nhượng. Thứ ba, nghiêm cấm các đối tượng không phải là người đồng bào dân tộc, không phải là đối tượng nhận chuyển nhượng đối với quỹ đất này mà lại nhận chuyển nhượng từ nhóm khác. Theo đó, đã quy định xử phạt theo Nghị định xử lý vi phạm hành chính tại Điều 81, tạo sự răn đe, đảm bảo thực thi quỹ đất hiệu quả.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, đối với việc đảm bảo quỹ đất cho đồng bào, với câu hỏi đại biểu đặt ra là lấy quỹ đất từ đâu? Tại Điều 79, ban soạn thảo đã thiết kế thêm một cái khoản, đó là trong các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh công cộng, thì có thêm khoản “Vì mục đích đảm bảo quỹ đất cho thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào”. Ở Điều 118, về quản lý đất nông, lâm trường, Ban soạn thảo cũng đã rà soát và chỉnh sửa quy định theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động chỉ đạo, rà soát và dành một cái quỹ đất cho đồng bào và trong kế hoạch sử dụng đất, Trách nhiệm Ủy ban nhân dân xã là tổng hợp đối với các trường hợp thiếu đất sản xuất; Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất này và cuối cùng là trách nhiệm của Nhà nước là chuẩn bị nguồn lực. Đó là tiền để tạo ra quỹ đất, thông qua việc thu hồi của những người có đất. Ngoài ra, để tạo quỹ đất cho đồng bào, Chính phủ thể ban hành thêm khung chính sách để giải quyết vấn đề này.
Về kiến nghị việc quy định đảm bảo quỹ đất đến đúng đối tượng người cần đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, cùng Ủy ban Kinh tế nghiên cứu quy định cụ thể theo khu vực, để đảm bảo tính ổn định lâu dài của chính sách này.