Aa

Tiếp tục bổ sung nhiều chính sách đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 13/08/2023 - 06:07

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất tiếp tục bổ sung điều khoản, khẳng định sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với chính sách đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 11/8, tại buổi làm việc giữa Thường trực Uỷ ban Kinh tế với Hội đồng dân tộc và Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số nội dung liên quan đến chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được đưa ra thảo luận. Ban soạn thảo cho biết, so với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, hiện Dự thảo mới nhất đã có những bổ sung cơ bản đối với chính sách đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp tục thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong chính sách đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo cuộc sống, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung:

Có chính sách giao đất, cho thuê đất lần đầu cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn xã khu vực II hoặc xã khu vực III theo tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để đảm bảo ổn định cuộc sống theo quy định sau: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất; giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất theo quy định, nhưng không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất đối với trường hợp không có đất ở, nhà ở trên địa bàn sinh sống; giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

Đồng thời, tại Điều 49 (quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện), bổ sung cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này phải tuân thủ các quy định: Không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất; được thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng chính sách xã hội; cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất ở theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 17 của Luật này được tặng cho người thuộc hàng thừa kế, để thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Trường hợp người sử dụng diện tích đất này đến nơi khác sinh sống, Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; tiếp tục giao đất đã thu hồi cho đồng bào dân tộc thiểu số khác theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

Cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, không phải là đất ở theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 17 của Luật này mà không còn nhu cầu sử dụng thì quyền sử dụng đất đó được để lại cho các thành viên trong gia đình. Nếu những thành viên này không có nhu cầu sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số khác theo chính sách quy định tại Điều 17 của Luật này.

Như vậy, theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Dự thảo đã quy định rõ về chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống.

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu. Chỉnh sửa quy định tại Điều 49 về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện.

Cơ bản đồng tình với quy định được chỉnh sửa tại Điều 17 và Điều 49 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), song, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ đề xuất cân nhắc thêm một số yếu tố:

Thứ nhất, cân nhắc quy định về giao đất phi nông nghiệp tại điểm c khoản 2 Điều 17. Quy định này sẽ làm phức tạp hóa vấn đề. Vì Luật phải tiếp tục cụ thể hóa trường hợp nào thì giao đất, trường hợp nào thì cho thuê.

Mặt khác, việc cho thuê cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, điều này cũng không khác nhiều so với việc giao đất được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Theo đó, chỉ nên quy định cho thuê đất phi nông nghiệp mà không nên quy định hình thức giao đất.

Thứ hai, đề nghị nên bỏ khung chính sách, vì khi đã quy định chặt chẽ các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 12 và Điều 49 rồi thì nên phân cấp việc này cho chính quyền địa phương (cấp xã và cấp huyện) thực hiện.

Thứ ba, điểm a khoản 1 Điều 49 quy định: Cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất ở theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 của Luật này chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất đến nơi khác sinh sống thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất bị thu hồi. Để bảo đảm đầy đủ và chặt chẽ, Luật cần quy định bổ sung trường hợp này đồng bào sẽ được giao đất tại nơi ở mới tương tự như giao đất lần 2 tại khoản 3 Điều 17 của Luật.

Đề xuất bổ sung quy định bắt buộc tư vấn pháp luật miễn phí cho nhóm dân tộc thiểu số ít người, khó khăn

Liên quan đến Điều 124, về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, đại biểu góp ý, chính sách cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức (khoản 2 Điều 17), cần quy định rõ không phải thông qua đấu giá thuê đất tại Điều 124.

Một số đại biểu cho ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Đây là nội dung được tiếp thu trong dự thảo Luật chỉnh lý tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, dự thảo Luật lần này đưa vào quy định tại khoản 2, Điều 124 (giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án quy định tại Điều 79, trong đó có khoản 5 Điều 79 là thực hiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số).

Theo Hội đồng Dân tộc, quy định như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau, do đó đề nghị giữ nguyên nội dung này như dự thảo đã chỉnh lý tại Kỳ họp thứ 5 (bổ sung vào Điều 124 thêm 01 khoản có nội dung “Giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định tại Điều 17 của Luật này”).

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, Luật Đất đai 2013 chưa có quy định về việc cung cấp kiến thức pháp luật, tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số khi thực hiện các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ, cá nhân; Luật Trợ giúp pháp lý (năm 2017) đã quy định đối tượng người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí, nhưng không cụ thể về lĩnh vực đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Do đó, cần bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về việc thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí như một yêu cầu bắt buộc trong các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhất là khi chuyển nhượng, thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai đối với một số dân tộc thiểu số thuộc nhóm ít người, còn gặp khó khăn hay khó khăn đặc thù do không biết tiếng Việt, không hiểu biết pháp luật, người sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top