Đời người, chắc chắn ai ai cũng đều phải lâm vào những cuộc “chiến tranh” chồng vợ. Nhẹ thì là những cuộc cãi vã vặt vãnh cơm bữa kiểu như dư vị không có nó thì nhạt miệng. Nặng là những cuộc chiến nảy lửa một mất một còn với cái kết thúc khó thể khác là tan đàn sẻ nghé. Nhưng cho dù là cuộc “chiến tranh” nặng hay nhẹ theo các cách kể trên tôi nghĩ đó vẫn là những cái kết hợp lý hợp tình. Sợ nhất là sự chịu đựng của những người trong cuộc để duy trì một cuộc hôn nhân “chết” đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đi nhiều và chịu khó mò mẫm sống, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu thiên diễm tình với nhiều kiểu mà nếu không mục sở thị thì dù là nhà văn giầu trí tưởng tượng cũng khó hình dung ra nổi. Một anh nông dân nghèo rớt ra Hà Nội học đại học gặp chị bạn cùng lớp con nhà khá giả, quyền thế. Một sự quyền thế tử tế chứ không phải loại người quyền lực xô bồ hiện tại.
Ban đầu là sự giúp đỡ kiểu thông thường của mọi người nói chung với những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Dần dà là sự chia sẻ riêng tư cảm tính rồi tiến đến tình yêu thực sự lúc nào chẳng hay. Chị yêu anh thật lòng và ra sức bù đắp trong tối đa điều kiện của bản thân và gia đình.
Ngày họ ra trường là một đám cưới long trọng và ấm áp. Ai biết anh chị cũng đều tin vào cuộc hôn nhân hạnh phúc có nền tảng là tình yêu này. Anh chị được gia đình cho một căn hộ. Bản thân anh được gia đình vợ bố trí cho một công việc là điều mơ ước của tất cả mọi sinh viên mới ra trường. Cứ thế thời gian trôi đi cái gia đình ấy sống bình lặng trong viên mãn hạnh phúc. Hai đứa con một trai, một gái, ngoan giỏi, trưởng thành. Anh thăng tiến rất cao. Căn hộ ngày nào được thay thế bằng một biệt thự bề thế. Ai nhìn vào cũng đều tấm tắc về một mẫu gia đình thành đạt này. Cho đến một ngày, khi chị đã ở tuổi lục tuần và anh cũng nhận quyết định hưu thì bất ngờ chị đâm đơn ra tòa ly dị chồng.
Tất cả mọi người sửng sốt. Đến tận lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ về sự “hạnh phúc bình lặng” của gia đình chị lâu nay. Anh là người tốt, rất tốt, có chí tiến thủ, yêu thương vợ con, không trai gái ngoài luồng thế nhưng hạnh phúc lại không đến được với chị bởi tính gia trưởng cổ hủ của chồng. Chị kể về sự chi tiêu chặt chẽ, kế hoạch hóa những dự định kinh tế hay chính trị phải đạt bằng được của người bạn đời. Anh khuôn khổ vợ con vào trong cái hom gọi là gia đình. Và chiến tranh liên miên xảy ra với vợ chồng chị. Hỏi tại sao không ly hôn lúc trẻ, giờ già rồi mọi sự đã an bài ly dị làm gì. Chị trả lời ngay không hề lưỡng lự dù chỉ một ngày tự do cũng là ý nghĩa với cuộc đời chị bây giờ. Lý do không thể ly hôn là vì chị chịu áp lực từ gia đình và chị thương bố mẹ mình đã tin nhầm người. Bởi vậy phải khi các cụ đã quy tiên chị mới có thể làm cái việc gọi là giành lại ý nghĩa sống cho mình. Cái đó, tôi cũng gọi là hạnh phúc.
Cuộc sống muôn hình vạn dạng. Tôi biết một tổng biên tập báo lấy người vợ là con nhà tư sản Hà Nội. Hai người ngược tính nhau và suốt cuộc hôn nhân đằng đẵng là một cuộc chiến tranh và kết quả là sự chịu đựng mệt mỏi về nhau. Ông là người lãng tử coi nhẹ vật chất, trong khi bà vợ lại đòi hỏi ở ông nhiều thứ. Họ đã khẩu chiến với nhau rất nhiều. Bà thường ca thán, rằng bà lấy ông chẳng được gì cả, chỉ là sự nghèo khó, nheo nhóc, thiệt thòi không được bằng người ta. Vị tổng biên tập báo ấy hỏi lại, tại sao bà không hỏi tôi lấy bà, tôi được gì trong khi bà lấy tôi được một tấm chồng.
Cuối đời mỗi lần đến thăm ông ở tầng một căn hộ tập thể 6 tầng, lần nào tôi cũng thấy ông im lặng ngồi bất động đúng một chỗ, ôm con mèo và nhìn ra cửa. Tôi thương ông đến quắt ruột khi hình dung trong căn hộ thiếu sáng ngòm ngòm như một ngôi hầm mộ, ông đang phải ngồi chịu đựng tấn bi kịch của đời mình. Khi bà vợ hỏi chính câu hỏi ông đã nói ra thì ông chậm rãi buông từng từ: Tôi được sự phiền muộn.
Những người đàn ông, phụ nữ sáng suốt xin hãy đừng nhận sự phiền muộn đó mãi mãi!