Kinh doanh bấp bênh, lãi mỏng và dòng tiền âm
Hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Tập đoàn Everland (mã: EVG) được biết đến là doanh nghiệp có tiếng trong 3 lĩnh vực: Bất động sản, Xây dựng, Thương mại - Dịch vụ. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực chủ đạo với hàng loạt dự án, công trình được triển khai trên cả nước. Tại ĐHCĐ thường niên 2024, Everland đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 51,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với thực hiện năm 2023.
Bên cạnh đó, Everland sẽ tăng tốc thi công dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn và triển khai thêm một số dự án: Tổ hợp thương mại, dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (quý II/2024), Tổ hợp du lịch văn hóa di sản Lý Sơn (quý III/2024), Tổ hợp Đô thị - Du lịch Flower World Sa Đéc (triển khai Phân khu 1 trong quý III/2024). Đồng thời, Tập đoàn cũng tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm triển khai các dự án mới tại Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai,...
Việc ráo riết chuẩn bị triển khai các dự án lớn của Everland đã nhận được không ít sự chú ý của giới đầu tư, tiềm lực của doanh nghiệp này, vì lẽ đó cũng được quan tâm nhiều hơn.
Theo báo cáo tài chính ghi nhận từ năm 2018 đến nay cho thấy, mặc dù có vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh những năm qua của Everland lại không mấy ấn tượng với lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng mỗi năm dù doanh thu tạo ra hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2018, Tập đoàn Everland ghi nhận lợi nhuận kỷ lục nhưng con số cũng chỉ ở mức 27,1 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu là hơn 668 tỷ đồng. Sang năm 2019, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này giảm xuống còn 18,2 tỷ đồng và nhích nhẹ lên 19,4 tỷ đồng vào năm 2020. Đáng chú ý, năm 2020 Everland đạt doanh thu kỷ lục với 768 tỷ đồng tức là biên lãi ròng của tập đoàn chỉ vỏn vẹn 2,5%.
Vào năm 2021 HĐQT Everland đã thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 1.102 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 2.152 tỷ đồng. Thế nhưng điểm trừ của Everland trong năm 2021 là dòng tiền kinh doanh âm 340 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (857 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư cũng âm 65 tỷ đồng do tăng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Bước sang năm 2022, doanh thu thuần của Everland đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, là doanh thu lớn nhất lịch sử. Nhờ đó, lợi nhuận gộp đạt 38 tỷ đồng, tăng 7%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp đạt 2,9%, giảm nhẹ so với mức 3,6% của năm trước.
Với thêm 7,5 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 63%, Everland có lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 34 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Đây là năm có lợi nhuận cao thứ 2 từ trước đến nay của Everland (chỉ kém năm 2018 khoảng 100 triệu đồng).
Mặc dù vậy, đây vẫn là mức lợi nhuận sau thuế rất thấp so với kỳ vọng của Everland khi năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78,2 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt mục tiêu doanh thu 6,4% nhưng chỉ hoàn thành 34,5% mục tiêu lợi nhuận.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Everland đạt 2.826 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, do vốn chủ sở hữu tăng mạnh (tăng 66%, đạt 2.598 tỷ đồng). Nhờ đà tăng của vốn chủ, các chỉ số phản ánh chất lượng tài sản của Everland đã được cải thiện phần nào so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh năm 2022 của Everland âm 190 tỷ đồng (năm âm thứ 2 liên tiếp), do tăng các khoản phải thu, giảm các khoản phải trả. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư cũng âm 989 tỷ đồng.
Năm 2023, Everland ghi nhận doanh thu đạt 1.090 tỷ đồng, giảm gần 15% so với năm 2022, chủ yếu do doanh thu bán hàng dự án sụt giảm. Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của Everland âm 449 tỷ đồng và dòng tiền đầu tư chỉ còn âm 49 tỷ đồng.
Còn mới nhất, tại ngày 31/3/2024, nợ phải trả của Everland đạt 1.205 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, đáng kể là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 301 tỷ đồng, tăng 47%; nợ vay đạt 628 tỷ đồng, tăng 5%.
Vốn chủ sở hữu 3 tháng đầu năm đã tăng thêm 10 tỷ đồng đạt 2.639 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,45 lần. Hàng tồn kho cũng tăng 15%, đạt 1.049 tỷ đồng và chiếm 27,3% tổng tài sản.
Ngoài ra, Everland còn "góp mặt" trong danh sách nợ thuế của Cục thuế Hà Nội. Tính đến kỳ báo cáo tháng 2/2024, Everland đang nợ số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Như vậy, với tiềm lực tài chính có thể nói khá "khiêm tốn" và với việc doanh nghiệp đang đầu tư hàng loạt dự án với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu Tập đoàn Everland có đủ sức triển khai các dự án này? Và việc đầu tư các dự án cùng lúc như vậy có quá sức đối với Tập đoàn Everland hay không?
Bởi thực tế, thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư, nhưng nhà đầu tư triển khai chậm hoặc không triển khai do "đói vốn", không đủ năng lực tài chính… khiến dự án rơi vào tình trạng đắp chiếu dài ngày, đặc biệt là trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang bị "tắc" như hiện nay thì nguy cơ này càng rất dễ xảy ra…
Cổ phiếu EVG vào diện kiểm soát
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có thêm không ít cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, khiến nhà đầu tư lo ngại. Trong đó, Everland với mã EVG cũng bị liệt vào danh sách cổ phiếu có "vấn đề".
Cụ thể, vào 4/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định về việc đưa cổ phiếu của Everland (mã: EVG) vào diện cảnh báo kể từ ngày 24/04/2023 với lý do báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.
Vào đầu tháng 4/2024, theo quyết định của HOSE, cổ phiếu EVG bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát vì tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán hai năm liên tiếp (năm 2022, năm 2023), thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, đối với cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát có nghĩa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Về cơ bản cổ phiếu nằm trong diện này nếu mua vào sẽ có rủi ro cao. Đối với những mã chứng khoán đang nằm trong diện này, tốt nhất nên chờ thêm 1 thời gian nữa để xem xét tình hình như thế nào cũng như đợi thêm các quyết định từ cơ quan quản lý của Nhà nước. Và bên cạnh đó còn xét thêm nhiều khía cạnh khác xem những cổ phiếu bị đưa vào diện này với lý do nào, có những lý do có thể chấp nhận được còn một số lý do liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không nên chọn.
"Nhiều doanh nghiệp đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh khả quan, sau đó đưa ra báo cáo tài chính tự lập với con số tích cực, nhà đầu tư dựa trên cơ sở đó để quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, một số cổ đông hiện hữu quyết định nắm giữ cổ phiếu vì thấy kết quả hoạt động của doanh nghiệp đang tốt.
Nhưng sau kiểm toán, lợi nhuận "bốc hơi" do hạch toán không đúng khoản mục, chưa đủ cơ sở ghi nhận… Mặc dù doanh nghiệp đã giải trình vì sao lại có sự chênh lệch số liệu trong báo báo tài chính tự lập so với báo cáo sau khi được kiểm toán. Tuy nhiên với các nhà đầu tư, việc giải thích này cũng không giúp lấy lại những tổn thất của họ do đã dựa trên những thông tin không chính xác mà doanh nghiệp cung cấp để đưa ra quyết định giao dịch", vị chuyên gia cho hay.
Cổ phiếu EVG trên sàn HOSE chốt phiên 21/6 tăng trần lên 7.140 đồng/CP. Tính theo giá điều chỉnh, EVG có thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá, trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020 còn ở giá thấp hơn 2.000 đồng/CP, trước khi tăng rất mạnh từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, với biên độ tăng cả chục lần, với đỉnh là 16.000 đồng/CP rồi sau đó lại tụt dốc loanh quanh mốc 3.000 - 5.000 đồng/CP.
Như vậy, với những diễn biến hiện tại về dòng tiền kinh doanh, cổ phiếu EVG có thể rơi vào hố "không an toàn" cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nếu kết quả kinh doanh không có sự tăng trưởng tương xứng với tốc độ tăng vốn, lợi ích của cổ đông công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Xa hơn, tham vọng lớn với loạt dự án đã và đang sắp triển khai của Everland có nguy cơ bị đổ bể, mặc dù doanh nghiệp này cũng đang tích cực vay nợ từ các tổ chức tín dụng cũng như kế hoạch chuyển nhượng cổ phần.