Loạt doanh nghiệp vật liệu ôm tham vọng làm bất động sản
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân vào mảng bất động sản - lĩnh vực được đánh giá còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Đáng chú ý, từ vai trò nhà cung cấp vật liệu cho các dự án, một số doanh nghiệp bất ngờ lấn sân sang bất động sản.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã: GDA), theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên mới công bố, công ty này có kế hoạch lấn sân sang mảng địa ốc, nông nghiệp. Để triển khai kế hoạch này, Tôn Đông Á dự định sẽ góp vốn trực tiếp hoặc giao cho công ty con góp vốn đầu tư hoặc thành lập công ty mới.
Trước đó, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung.
Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung được biết đến là chủ đầu tư của dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị SBC miền Trung tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 5,5ha.
Một doanh nghiệp thép khác cũng lấn sân bất động sản là Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã: VGS). Cuối tháng 4 vừa qua, dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) do công ty này làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công giai đoạn 1 ngay sau khi được Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cấp giấy phép xây dựng. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án có thể mở bán vào cuối năm nay.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, hiện công ty đã đầu tư 704 tỷ đồng vào dự án Việt Đức Legend City. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng lô đất CC4 Khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với số vốn hơn 8,5 tỷ đồng.
Chưa hết, Ống thép Việt Đức còn đang nắm trong tay hàng loạt bất động sản tại khu vực phía Bắc như: 55.056m2 đất tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; 1.577m2 đất tại phường Khai Quang và phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc; 2.720m2 đất tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội; 330m2 tại khu biệt thự nhà vườn, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội; 270m2 tại BTS-C12A, Lô BT 101-Khu BT5, dự án đầu tư Khu đô thị mới Bắc An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội...
Còn Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (mã: ACG) cũng mới công bố thông tin sẽ tham gia liên danh nhà thầu do Công ty Cổ phần Thắng Lợi Homes làm đại diện để đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An.
Theo tìm hiểu, dự án trên có diện tích quy hoạch khoảng 13,2ha và tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9.300 tỷ đồng, được các cơ quan chức năng tỉnh Long An phát thông tin mời nhà đầu tư tham gia triển khai cách đây khoảng 1 tháng. Thời hạn hoạt động của dự án này là 50 năm. Chủ dự án phải hoàn thành trong 2 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư.
Ngoài ra còn phải kể đến hai ông lớn vật liệu xây dựng là Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) cũng đã lấn sân sang bất động sản từ lâu. Trong năm 2024, hai tập đoàn này cũng công bố những thông tin mới trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, hồi tháng 3, Hòa Phát đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Phú Yên về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án (dự án Cảng Bãi Gốc; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng.
Còn Hoa Sen cũng rục rịch trở lại đường đua bất động sản khi cuối tháng 5/2024, HĐQT thông qua nghị quyết về chủ trương chấp thuận cho Tập đoàn được ký kết hợp đồng phát triển dự án với các cá nhân là người có liên quan của công ty nhằm nắm bắt các lợi thế trong việc nghiên cứu, đầu tư, phát triển các dự án tiềm năng tại khu vực Đông Nam Bộ. Công ty đã thông qua chủ trương ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu, khảo sát và triển khai các phương án đầu tư phát triển trong các lĩnh vực như bất động sản, nghỉ dưỡng, lưu trú…
Kinh doanh ngành chính chưa "phất", doanh nghiệp đủ sức với lĩnh vực mới?
Động thái lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thị trường, góp phần đa dạng nguồn cung, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không có gì phải bàn nếu như tình hình kinh doanh cốt lõi của nhóm doanh nghiệp này không ảm đạm.
Vấn đề đặt ra rằng, liệu những doanh nghiệp lấn sân này có đủ sức với "sân chơi" mới không, khi lĩnh vực bất động sản là ngành cần dòng vốn lớn, còn tài chính doanh nghiệp lại chưa ổn định, hay đúng hơn là vẫn đang "thua lỗ"? Nhất là khi những "bài học" đi trước của các ông lớn còn đó, tiềm lực như Hòa Phát hay Hoa Sen cũng vẫn gặp không ít "trắc trở" với lĩnh vực bất động sản, thậm chí Hoa Sen đã phải giải thể một số công ty con bất động sản.
Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngày 15/6 vừa qua, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra rằng, tình hình tài chính của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn khó khăn. Tiêu thụ sản phẩm chậm trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng một số dây chuyền sản xuất sản phẩm. Việc này dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn.
Còn theo khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp trong ngành, một số khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang đối mặt bao gồm: Tình trạng hạn chế tài chính của người mua do kinh tế tăng trưởng chậm; biến động giá nguyên vật liệu, vật liệu xây dựng; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; bất cân xứng cung - cầu.
Thực tế, "soi" vào tình hình tài chính của một số doanh nghiệp cho thấy kết quả kinh doanh của ngành chính còn khá ảm đạm. Đơn cử như Ống thép Việt Đức VG PIPE, báo cáo tài chính cho thấy trong năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.556 tỷ đồng (giảm 10,9%), lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng (giảm 42%). Trong năm, công ty ghi nhận khoản lỗ từ liên doanh liên kết là 59,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33,4 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2023 có phần kém tích cực chủ yếu do thị trường bất động sản ảm đạm, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thép.
Bên cạnh đó, tổng nợ vay tại thời điểm cuối năm 2023 của Ống thép Việt Đức là 873 tỷ đồng (tăng 35,4% so với đầu năm), trong đó có 669 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 204 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Còn mới nhất, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 cho thấy doanh thu bán hàng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận chỉ nhích nhẹ hơn 3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn Công ty Cổ phần Gỗ An Cường trong năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.761 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước, theo đó lợi nhuận sau thuế giảm hơn 29%, ở mức 437 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, cho thấy tính đến hết ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Gỗ An Cường ghi nhận là 5.700 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 1.256 tỷ đồng, đa số là nguyên vật liệu và thành phẩm.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á tại thời điểm ngày 31/3/2024, quy mô tài sản của doanh nghiệp là 13.145,7 tỷ đồng, trong đó có 3.986 tỷ đồng là tiền mặt, tiền gửi (chiếm 30,3%) và 4.752 tỷ đồng hàng tồn kho (chiếm 36,1%). Tuy nhiên, số tài sản này hình thành chủ yếu từ nợ khi vốn chủ sở hữu là 3.688 tỷ đồng. Nợ phải trả đạt 9.457,7 tỷ đồng, trong đó, nợ vay là 6.549 tỷ đồng.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2024 mới công bố, Tôn Đông Á nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng. Theo đó, công ty đặt mục tiêu trong năm nay sẽ thu về 18.000 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ tăng lần lượt 3,8% và 6% so với năm 2023.
Giới chuyên gia cho hay, những doanh nghiệp ngoài ngành chọn tham gia sân chơi bất động sản có thể sẽ phải đối mặt khó khăn gấp bội, nếu như tài chính không vững và không có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Với doanh nghiệp vật liệu xây dựng, việc họ có thành công khi lấn sân bất động sản hay sẽ nhanh chóng tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi vẫn cần thời gian trả lời./.