Giá bất động sản tăng vượt kỳ vọng
Những chuyển động trái chiều của thị trường bất động sản trong guồng quay bất định của nền kinh tế là một điểm đáng chú ý. Ngay từ quý III/2020, thị trường địa ốc đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, quý III vừa qua ghi nhận 36.884 giao dịch địa ốc thành công. Còn theo dữ liệu của nhóm phân tích FiinPro, lượng tiền người mua nhà trả trước cuối quý III/2020 tại nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua.
Hiện tượng đáng chú ý nhất trên thị trường địa ốc, đó chính là bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. 12 tháng qua, TP.HCM, Hà Nội cùng các vệ tinh của hai đô thị này chứng kiến hiện tượng tăng giá nhà đất xuyên mùa dịch.
Tại một hội thảo gần đây, lấy dẫn chứng về sự tăng giá của sản phẩm địa ốc, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC kể, từ sau tháng Ngâu, toàn bộ 2.500 sản phẩm tại dự án ở Hạ Long (Quảng Ninh) của doanh nghiệp này không chỉ bán hết mà còn tăng giá gấp rưỡi. Thông thường với số lượng này có khi phải mất 4 - 5 năm hàng tồn kho mới được thanh khoản toàn bộ. Trong khi đó, tốc độ bán hàng của một số dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hoá) và Quy Nhơn (Bình Định) đều đạt kết quả bất ngờ. Vị lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, chính ông và doanh nghiệp không tưởng tượng được khả năng thanh khoản tốt như vậy của thị trường. Với tốc độ bán hàng vượt ngoài kỳ vọng, theo ông Quyết, tâm lý chung của nhà đầu tư và thị trường là thời kỳ xấu nhất đã đi qua và 2021 sẽ là một năm rực rỡ.
Ở góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường địa ốc, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã cho rằng, giá bất động sản vẫn tăng khá cao, bất chấp biến động của nền kinh tế. Chuyên gia này còn đưa ra dự báo, thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group nhận định: "Giá nhà là cuộc kết hôn giữa cung và cầu. Cầu lên thì giá tăng, mà cung lên thì giá giảm. Trong những năm tới, hàng bất động sản sẽ không ra ồ ạt nên mặt bằng chung là sẽ đi lên".
Giá bất động sản Việt Nam vẫn thấp so với khu vực
Các chuyên gia cho rằng, nghịch lý trái chiều của giá bất động sản trước bối cảnh Covid-19 là điều hoàn toàn tất yếu khi sự lệch pha cung - cầu bị kéo dãn. Ảnh hưởng của sự tắc nghẽn pháp lý khiến cung bất động sản giảm mạnh trong khi cầu về nhà ở chưa dừng tốc độ gia tăng. Thực tế, giá địa ốc tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với mức giá bất động sản của các nước trên thế giới.
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Hong Kong, Singapore là 2 quốc gia được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm, tuy nhiên mức giá mua bất động sản rất lớn. Nếu ở Singapore, nhà đầu tư phải bỏ ra 3 triệu USD để mua một căn hộ thì ở Việt Nam có thể mua vài căn. Ông Hưởng cho rằng, mức thuế ở Việt Nam còn khiêm tốn đang là lợi thế. Đây là lý do thời gian qua và đặc biệt trong tương lai, nhà đầu tư ngoại sẽ đổ vào Việt Nam mua bất động sản rất nhiều.
Với kinh nghiệm của đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng trích từ báo cáo của đơn vị và khẳng định, mặt bằng giá ở Việt Nam thấp hơn so với khu vực. Trong khi giá nhà tại Hà Nội là 2.000 USD/m2, Singopre lên đến 26.000 - 27.000 USD/m2.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá Việt Nam còn thấp, trung bình 35%, trong khi nhiều nước ở khu vực đạt tới 70 - 80%. Riêng Hà Nội là 49%, thấp hơn mức 54% của 10 năm trước do mở rộng lộ giới hành chính.
Tốc độ đô thị hoá thấp khiến thị trường còn nhiều tiềm năng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp bán hàng tốt thông qua hình thức online với người nước ngoài. Ông Quốc Anh dự báo, giá thị trường tiếp tục tăng trong tương lai. Theo thống kê, từ 2002 - 2020, giá bất động sản Hà Nội tăng 33 lần, TP.HCM tăng 16 lần.
Giới chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, giá bất động sản Việt Nam sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Đây là quy luật tất yếu của thị trường. Hiện tượng này không phản ánh dấu hiệu của khủng hoảng hay bong bóng của nền kinh tế./.