Aa

Giá cát tăng “vô tội vạ”, nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ

Thứ Sáu, 20/10/2017 - 14:01

Nhà ở cho người nhập cư thu nhập thấp: Hầu hết dự án mới trên giấy; Giá cát tăng “vô tội vạ”, nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ; Nhiễu loạn với số liệu báo cáo thị trường bất động sản;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

 

Giá cát tăng “vô tội vạ”, nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ

Do việc quản lý khai thác cát đang bị siết chặt, giá cát trên địa bàn TP.HCM liên tục tăng từ tháng 4/2017 đến nay. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện giá cát có nơi tăng đột biến lên tới gần 730.000 đồng/m3 đối với cát bê tông, gần 550.000 đồng/m3 đối với cát xây tô và 350.000 đồng/m3 đối với cát san lấp (các giá này chưa bao gồm VAT).

Việc tăng giá cát đã ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng, nhiều chủ đầu tư đã xin rút hồ sơ thẩm định dự toán để điều chỉnh giá cát xây dựng, khiến thời gian chuẩn bị đầu tư, cũng như tiến độ dự án bị kéo dài.

Giá cát tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Gia Huy.

Giá cát tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Gia Huy.

Đối với các gói thầu trong giai đoạn đấu thầu, có thể xảy ra trường hợp các nhà thầu tham dự vượt giá dự toán gói thầu đã được phê duyệt, phải tổ chức đấu thầu lại, ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án.

“Không chỉ vậy, giá cát tăng còn gây khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp cát đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Hiện nay, các công trình xây dựng tại Thành phố sử dụng cát chủ yếu được khai thác, sản xuất từ các địa phương khác.

Thế nhưng, hầu hết các đơn vị cung cấp cát không cung cấp được các tài liệu quản lý chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và QCVN 16:2014/BXD do đều mua qua nhiều trung gian, doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại các địa phương chưa thực hiện chứng nhận hợp quy.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà ở cho người nhập cư thu nhập thấp: Hầu hết dự án mới trên giấy

Thị trường bất động sản TP.HCM trong những năm qua liên tục xác lập mặt bằng giá mới và hiện đang ở mức khá cao, khiến cho nhiều người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở.

Lượng dân nhập cư lớn, nhưng điều đáng nói ở đây là người nhập cư đa số là lao động phổ thông. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, chỉ 10 - 12% sinh viên tốt nghiệp ở lại TP.HCM, số lượng chuyên gia có trình độ cao từ các nơi về đây rất ít, trong khi đó, công nhân phổ thông chưa qua đào tạo chiếm đến 30%.

Những căn nhà tạm của người nhập cư. Ảnh: Lê Thắng.

Những căn nhà tạm của người nhập cư. Ảnh: Lê Thắng.

Thực tế, đa số người nhập cư, người thu nhập thấp làm trong lĩnh vực phi chính thức như thợ hồ, thợ mộc, cơ khí, buôn bán lẻ, dịch vụ ăn uống, hoặc làm công nhân..., thu nhập không ổn định, nên rất khó khăn trong việc sở hữu nhà.

Trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020, UBND TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 45.000 căn. Đây là tin vui cho nhiều người dân nghèo, người nhập cư. Tuy nhiên, năm 2017 chỉ có 1.654 căn hộ nhà ở xã hội được bán ra, người dân muốn mua phải rồng rắn xếp hàng, bốc thăm chờ may mắn.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiễu loạn với số liệu báo cáo thị trường bất động sản

Hiện tại, mỗi tháng có đến gần 10 báo cáo thị trường bất động sản được công khai trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, nổi bật nhất là báo cáo của các công ty đa quốc gia như CBRE, Savills, John Lang Lasalle Vietnam (JLL)…

Tuy nhiên, số liệu báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu không có sự đồng nhất, thậm chí là vênh nhau rất lớn. Đơn cử như tại báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 3/2017, ở mục căn hộ bán, cả 3 đơn vị trên đều có sự chênh lệch rất lớn về số liệu nguồn cung mới.

Thị trường bất động sản thiếu số liệu đáng tin cậy (Ảnh minh họa).

Thị trường bất động sản thiếu số liệu đáng tin cậy (Ảnh minh họa).

Cụ thể, báo cáo của Savills nói rằng, trong quý 3/2017, TP.HCM có 13 dự án mở bán mới và 16 dự án hiện hữu cung cấp cho thị trường 11.000 căn hộ mới, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn báo cáo của CBRE lại cho thấy, chỉ 7.651 căn được mở bán trong quý 3/2017 từ 21 dự án, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch giữa 2 báo cáo lên đến 20 dự án với 3.399 căn. Trong khi đó, JLL đưa ra con số là 11.744 căn, hơn Savills 744 căn và hơn CBRE 4.093 căn.

Đáng chú ý, sự khác biệt về số liệu cũng xuất hiện tại mục biệt thự, nhà liền kề. Theo số liệu trong báo cáo của Savills, trong quý 3/2017, thị trường TP.HCM chỉ có 750 căn được mở bán mới, đến từ 6 dự án, trong đó có 5 dự án mới, 1 dự án hiện hữu. Thế nhưng, JLL lại đưa ra con số gần gấp đôi so với Savills là có 1.389 sản phẩm chào bán mới. Số căn biệt thự, nhà liền kề chênh lệch giữa 2 báo cáo lên tới 639 căn.

Về số lượng căn hộ được tiêu thụ, nếu như JLL cho biết trong quý 3/2017 có đến 12.919 căn được giao dịch, thì số liệu của Savills là 11.500 căn, còn của CBRE chỉ 7.207 căn. Như vậy, cùng phân khúc căn hộ tại TP.HCM nhưng đã có 3 số liệu giao dịch thành công hoàn toàn khác nhau.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sở dĩ có sự chênh số liệu giữa các đơn vị là do báo cáo thị trường của các doanh nghiệp đều xuất phát từ lợi ích kinh doanh trực tiếp của họ. Tất cả các đơn vị tổ chức báo cáo thị trường đều có mục đích lợi nhuận, chứ không bao giờ chỉ là sự nghiên cứu khách quan.

Xem chi tiết tại đây.

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phải nhằm vào tầng lớp trung lưu"

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế... Xu hướng đầu tư vào phân khúc này phải nhằm vào tầng lớp trung lưu đang phát triển rất nhanh.

"Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là một loại hình kinh doanh tương đối lâu dài, hiệu quả mang tính dài hạn. Cho nên, phân khúc này chỉ dành cho những tập đoàn nào có trường vốn và dòng tiền tương đối ổn định, có thể lấy những dòng tiền này để mà bù sự đắp thiếu hụt của những dòng tiền khác. Những doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính yếu lại dồn hết vào một dự án kéo dài độ 3-5 năm chưa thể thu hồi được vốn sẽ gặp phải những khó khăn và rất dễ thất bại. Những doanh nghiệp có những dự án đã thành công, thu được dòng tiền rồi để triển khai tiếp những dự án mới thì mới trụ vững trong cuộc đua này.

Biệt thự trong dự án Premier Village Phu Quoc Resort.

Biệt thự trong dự án Premier Village Phu Quoc Resort.

Đối với những doanh nghiệp ngoài ngành hoặc nhỏ bé mà nhảy vào những dự án nghỉ dưỡng lớn chắc chắn sẽ gặp phải những rủi ro rất lớn.

Tôi lấy ví dụ như, nếu xét về địa thế, miền Bắc chỉ có thể du lịch, nghỉ dưỡng được khoảng 6 tháng. Trong khi đó, miền Trung, miền Nam có thể nhiều hơn nhưng cũng không thể là 12/12 tháng. Do đó, khả năng thu hồi vốn là khó, nhất là đầu tư ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, quy mô của dự án rất quan trọng. Nếu chỉ làm một khách sạn ở khu vực nào đông khách đôi khi lại tốt, chứ tham lam làm dự án khoảng dăm ba chục héc ta thì dễ thất bại, nhất là khi không có sự hỗ trợ tài chính từ các đại gia, tập đoàn lớn", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản Nha Trang: Phân khúc nào chiếm lĩnh thị trường cuối năm 2017?

Theo Báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý III/2017 được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố mới đây, trong quý III, phân khúc đất nền tại Nha Trang đạt khoảng 1.000 giao dịch, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây thành phố (cuối đường Lê Hồng Phong), nơi đang được phát triển hàng loạt khu đô thị mới. Giá đất nền hiện dao động trong khoảng 15 – 20 triệu/m2, tăng hơn 30% so với trước đây.

Tuy vậy, số lượng đất nền tại Nha Trang hiện nay không nhiều do số lượng dự án đủ điều kiện chuẩn khá ít. Dự kiến khi khu dự án trọng điểm đường Phong Châu đi vào hoạt động vào tháng 11/2017 và dự án kết nối hạ tầng Cao Bá Quát đi vào hoạt động vào 30/11 tới thì thị trường mới có thêm nhiều sản phẩm đất nền hợp lý như: Gói 1,6,8 Khu đô thị Mỹ Gia (80 ha, 2500 nền), Khu đô thị Phúc Khánh 1, 2 (60 ha, dự kiến 1200 nền ), Khu đô thị Đất Lành Vĩnh Thái (50 ha, 1500 nền), Khu đô thị Hòn 1 Vĩnh Thái (25 ha, 700 nền)…

“Điều này minh chứng cho sản phẩm đất nền giá trị vừa và nhỏ có pháp lý và hạ tầng chuẩn có mức giá từ 6 – 12 triệu/100m2 sẽ là giao dịch chủ đạo chiếm lĩnh thị trường trong những tháng còn lại của năm 2017, thậm chí vẫn là xu hướng đầu tư ưa thích trong năm 2018”, báo cáo của Hội Môi giới nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

BIDV rao bán chung cư nghìn tỷ ở TP.HCM để siết nợ

Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với tổng giá trị tạm tính đến ngày 31/7 là 1.091 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp kèm theo khoản nợ là dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Dự án bao gồm một nền đất có diện tích 174,5 m2 cùng một nền đất đã được cấp quyền sử dụng hơn 41.242 m2 và tài sản gắn liền với đất là 2 khối chung cư với 712 căn hộ.

Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên ký hợp đồng mua bán với khách hàng từ năm 2008 từng dính nhiều lùm xùm liên quan đến việc bàn giao chậm tiến độ. Chủ đầu tư cũng từng tự ý làm công văn xin chuyển đổi mục đích công trình sang bệnh viện mà không xin ý kiến cư dân.

Tuy nhiên, sau đó do cư dân phản đối nên việc chuyển đổi không được thực hiện. Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam để thế chấp 653 căn hộ cho ngân hàng và đã được giải ngân nhằm triển khai lĩnh vực y tế, trong đó hàng trăm căn đã được bán cho khách hàng từ trước đó.

Từ năm 2012, ngân hàng nhiều lần xuống dán thông báo, niêm phong căn hộ để siết nợ. Đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thiện và đi vào sử dụng. Tuy nhiên, việc BIDV rao bán tài sản này cũng đặt vấn đề, số tiền hàng trăm khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư sẽ được giải quyết ra sao. 

Bên cạnh dự án 584 Tân Kiên, công ty 584 còn là chủ đầu tư của hàng loạt dự án như khu căn hộ cao cấp Sacomreal 584 – Building, chung cư căn hộ cao tầng 584 – Điện Biên Phủ, khu căn hộ cao tầng Trịnh Đình Trọng – 584 Lilama SHB Plaza... Những dự án này cũng từng dính không ít bê bối liên quan đến tiến độ khiến lãnh đạo TP HCM từng đưa ra chỉ đạo tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới của đơn vị này, cho đến khi giải quyết xong tồn tại của các dự án cũ do Công ty 584 làm chủ đầu tư.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top