Giá đất Đà Nẵng “sốt” hầm hập, người dân vác từng bao tiền đi mua đất
“Nóng” nhất và được khách hàng, cò đất quan tâm hiện nay là khu Tây Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trung bình đất khu vực này tăng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/lô, tùy vị trí, đường và dự án.
Cụ thể, khu A Golden Hills trước Tết giao dịch khoảng 2,5 - 2,7 tỷ đồng/lô 125m2 thì nay tăng lên mức 3,3 - 3,7 tỷ đồng. Cá biệt, các lô biệt thự 187m đường 7,5m có giá khoảng 5 tỷ đồng.
Cách đó không xa, khu Nam Nguyễn Tất Thành, Hòa Liên 5, Dragon City, Hòa Hiệp 3, Homeland Centre park, Hòa Hiệp mở rộng... giá đất cũng đang tăng hằng ngày và hiện trung bình khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2.
Những ngày qua, đất nền khu vực quanh Khu du lịch (KDL) Xuân Thiều cũng “nóng” không kém.
Trước Tết, giá đất khu vực này được chào mức 29 - 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện đã được nâng lên 40 triệu đồng/m2, mức tăng khủng khiếp.
Tại phía Nam thành phố, đất nền khu vực Điện Ngọc những ngày qua cũng đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.
Tại các dự án Sentosa Riverside, Seaview, Khu đô thị số 6, số 7, 7B... cảnh người xem đất, khảo sát giá, đặt cọc giao dịch sôi nổi. Trước Tết, giá giao dịch các dự án khu vực này trung bình 15 - 18 triệu đồng/m2 nhưng hiện đã lên mức 22 - 27 triệu đồng/m2 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Khu vực biển Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng tăng mạnh. Qua khảo sát, giá đất nền tại đây tăng khoảng 10 triệu đồng/m2, giao động 35 - 50 triệu đồng/m2, tùy tuyến đường.
Ngoài các khu vực trên thì đất nền các khu Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân mở rộng, Sinh thái Hòa Xuân... cũng “sốt” hầm hập.
Xem chi tiết tại đây.
Nản với giao thông Hà Nội, khách thuê văn phòng "tháo chạy" khỏi trung tâm
Mới đây, Savills vừa công bố ấn phẩm “Tech Cities” (Thành phố Công nghệ) lần thứ 3, xếp hạng 30 Thành phố Công nghệ hàng đầu thế giới.
Đơn vị này cho biết, yếu tố “mức độ thuận tiện trong di chuyển” lần đầu tiên được xét đến trong bảng xếp hạng Thành phố Công nghệ.
Theo Savills, với tốc độ đô thị hóa toàn cầu ngày càng tăng, mức độ hiệu quả của hệ thống giao thông trong thành phố đang ngày càng trở nên quan trọng. Ngay cả khi một thành phố có nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, nhưng nếu cơ sở hạ tầng giao thông gây mất nhiều thời gian và chi phí cho nhân viên khi đến nơi làm việc thì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các công ty công nghệ và thành công chung của thành phố.
30 thành phố Công nghệ của Savills nằm trong số những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó có các thành phố phát triển bậc nhất như New York, San Francisco, London, Bắc Kinh, Thượng Hải…
Dù không nằm trong bảng xếp hạng này đơn vị vẫn đưa ra đánh giá về Việt Nam. Để hình dung được “mức độ thuận tiện trong di chuyển” tại 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM, theo Savills có thể ghi nhận rằng Việt Nam còn cách top 30 thành phố công nghệ trên thế giới khá xa.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, hiện Việt Nam còn đang thiếu 2 trong số 3 tiêu chí đánh giá mức độ thuận tiện trong di chuyển: dịch vụ giao thông chia sẻ & hệ thống tàu điện. Trong khi đó, xét trên tiêu chí cuối cùng – cơ sở hạ tầng đô thị, Hà Nội và TPHCM còn nhiều điểm có thể cải thiện.
Xem chi tiết tại đây.
Tìm chiến lược phát triển đô thị tối ưu
Ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberview, TP. Cyberiaya, bang Selangor (Malaysia) nêu quan điểm: “Con người phải là hạt nhân của các mối quan tâm trong chiến lược phát triển thành phố thông minh, thúc đẩy cộng đồng thông minh. Chúng ta thường quan tâm nhiều về công nghệ chứ chưa tương tác nhiều với cộng đồng. Cần phải trao đổi với cộng đồng nhiều hơn để hiểu về những thách thức.
“Chúng tôi thường xuyên tập huấn cho người dân thông qua các chương trình giáo dục, các cuộc triển lãm. Điều này được thực hiện cả với những công dân nhập cư”, ông Richard Ker cho biết thêm.
Việc đặt người dân ở vị trí trung tâm còn được thể hiện ở việc họ thường xuyên được tham vấn ý kiến về các vấn đề phát triển của đô thị. Kinh nghiệm thành công của các quốc gia đi trước cũng thể hiện rõ điều này: người dân tham gia ngày một sâu, rộng vào các chủ đề phát triển đô thị và không gian sống.
Ngài Pereric Högberg cho biết, ở Thụy Điển, với những công trình lớn, việc xem xét quy hoạch mất nhiều thời gian và phải chịu sự giám sát ngặt nghèo, đảm bảo tất cả người dân, những đối tượng chịu tác động của công trình được tham vấn một cách đầy đủ. Còn với các công trình nhỏ, kể cả việc xây dựng hay cải tạo một ngôi nhà thì người dân trong vùng sẽ được tham vấn. Thụy Điển có những cán bộ công chức ăn lương nhà nước để làm việc này và họ sẽ kiểm tra kiểm soát cẩn thận, không có tham nhũng, được thực hiện một cách nghiêm túc.
Theo ông Ekramul Hoque, Thị trưởng TP. Mymensingh (Bangladesh), để làm được điều này, người dân cần được đào tạo, được tham gia nhiều hơn vào công tác quy hoạch.
“Tôi cho rằng, cần phải tham vấn người dân nhiều hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, vì bản thân quy hoạch và thực tế vẫn có khoảng cách. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ xây dựng được tầm nhìn và quy hoạch tốt hơn. Tôi cũng đồng tình rằng, điều quan trọng là yếu tố con người”, ông Ekramul Hoque nhấn mạnh.
Xem thêm tại đây.
Sốt đất Vân Đồn, xuất hiện đơn tố giác "cò đất" lừa đảo khách hàng, tỉnh Quảng Ninh nói gì?
Tại cuộc thông tin báo chí thường kỳ diễn ra chiều 12/3 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Đồn, ông Châu Thành Hưng khẳng định: thông tin về vụ việc “cò đất” lừa đảo chiếm tiền cọc của khách hàng ở dự án đô thị Phương Đông, huyện Vân Đồn, là không chính xác.
Trước đó, ngày 17/2/2019, chủ một dự án bất động sản tại Vân Đồn là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông (Công ty Phương Đông) có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc xuất hiện một nhóm đối tượng giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ đặt vấn đề với người dân có nhu cầu mua đất tại dự án Phương Đông để lừa đảo chiếm dụng tài sản.
Nhóm này yêu cầu những người có nhu cầu mua đất tại dự án Phương Đông phải đặt cọc một khoản tiền. Tuy nhiên, khi đã nhận xong tiền đặt cọc, số đối tượng này đã tắt máy không liên lạc được.
Chủ dự án Phương Đông nhấn mạnh, nhóm lừa đảo này làm ảnh hưởng đến uy tín của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo cấp cao.
Thông tin này ngay sau đó được một số cơ quan truyền thông đăng tải nội dung, UBND huyện Vân Đồn giao cho Công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh. Phía Công an huyện Vân Đồn khẳng định không có hiện tượng lừa đảo như chủ dự án đô thị Phương Đông đã "tố."
Phía Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh cho hay sẽ nghiên cứu vụ việc để có hướng xử lý theo đúng pháp luật.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh, nhiều đơn vị đang thực hiện các giải pháp để ngăn ngừa và cảnh báo tình trạng mua đi bán lại, mua bán trao tay, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm của tỉnh (đặc biệt là tại Vân Đôn) làm ảnh hưởng lớn tới giá đất thị trường, đền bù, GPMB, khó xác định giá trị thật của đất đai, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, khó khăn trong quản lý đất đai. Qua đó nhằm tăng cường quản lý đất đai tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh.
Xem thêm tại đây.
Lùi thời gian trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14, Dự án sửa đổi Luật Đất đai này thuộc Chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8). Tuy nhiên, trong tờ trình vừa gửi lên Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị rút dự án luật này ra khỏi Chương trình năm 2019.
Chính phủ cho biết, hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Luật Đất đai năm 2013 dù mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 nhưng từ cuối năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi. Đây là một trong số những dự án nhận được sự quan tâm của người dân và giới chuyên môn.
Xem thêm tại đây.