Tạo thêm sức ép trong giai đoạn khó chồng khó
Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 08), từ 1/10/2023, các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30% thay vì 34% như hiện nay.
Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022.
Theo các ngân hàng, hiện nay dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do lo ngại biến động của lãi suất, tỷ giá trong dài hạn. Vì vậy, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thường phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng, song 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn. Riêng lĩnh vực bất động sản, có tới 94% dư nợ tín dụng là cho vay trung, dài hạn. Do đó, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như quy định tại Thông tư 08 được cho là cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ với Reatimes, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cũng cho rằng, quy định này là cần thiết về lâu dài để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại dường như chưa phù hợp để áp dụng.
Theo ông Ngọc, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống còn 30% không làm khó các ngân hàng trong việc thực hiện, bởi quy định này đã được đưa ra từ lâu nên các tổ chức tín dụng có thời gian để chuẩn bị, cơ cấu lại các nguồn vốn. Thậm chí, từ cuối năm 2022, nhiều ngân hàng đã xử lý được tỷ lệ này về mức dưới 30%. Đâu đó, chỉ còn vài ngân hàng trên mức 32%.
Dẫn số liệu cụ thể được Ngân hàng Nhà nước công bố, ông Ngọc cho biết, tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là 34% (áp dụng từ 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023). Theo đó, tỷ lệ này ở mức 24,97% với nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 33,66% ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Dù không gây khó khăn cho các ngân hàng khi thực hiện, song ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh quy định này tại Thông tư 08 vẫn sẽ tạo ra nhiều sức ép về việc giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ.
“Hiện nay, các ngân hàng đang phải chịu áp lực về việc giảm lãi suất cho vay để đẩy được vốn ra nền kinh tế, nhưng với quy định này, các ngân hàng có thể sẽ khó đẩy được vốn tín dụng ra bên ngoài, khó có thể tăng trưởng tín dụng như định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, các ngân hàng muốn cho vay vốn trung và dài hạn nhiều thì bắt buộc phải huy động vốn trung và dài hạn, như này thì chi phí vốn sẽ tăng (COF). Chưa kể, biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại (NIM) cũng sẽ bị thu hẹp”, ông Ngọc nhận định.
Phân tích thêm về tác động của việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% đối với các doanh nghiệp, ông Đỗ Bảo Ngọc bày tỏ lo lắng quy định sẽ giới hạn khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn trong dài hạn, tiêu biểu như các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
“Tôi rất băn khoăn khi trong bối cảnh cả nước đang cố gắng hỗ trợ nền kinh tế hồi phục theo hướng nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất cho vay nhưng lại áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”, ông Ngọc nói.
Đánh giá về tác động của Thông tư 08 trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán KBSV cũng cho rằng, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng.
Đồng thời, quy định này cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng.
Nên lùi lộ trình áp dụng
Để hài hòa chính sách, vừa đảm bảo lành mạnh hóa hoạt động tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa không tạo ra những khó khăn trước mắt cho các ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đề xuất hoãn thi hành quy định của Thông tư 08 thêm 6 tháng.
Theo ông Ngọc, nền kinh tế đang ở trạng thái yếu nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng GDP thấp, hấp thụ của nền kinh tế kém, thất nghiệp cao… Trong giai đoạn khó chồng khó như vậy, các chính sách cần được điều hành linh hoạt, thay vì cứng nhắc. “Đặc biệt, không thể cứ hỗ trợ 3 phần, lại hạn chế 2 phần”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại cho rằng, mốc thời gian áp dụng quy định tỷ lệ 30% theo lộ trình của Thông tư 08 nên dời lại ít nhất 01 năm. Bởi việc tiếp cận vốn dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó, đặc biệt là việc tiếp cận vốn của các quỹ đầu tư vào thị trường địa ốc.
Hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất một quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Quy mô vốn của đơn vị này chỉ khoảng 50 tỷ đồng, khá thấp so với tiêu chuẩn chung. Do đó, cần phát triển thêm các quỹ nội địa đủ sức cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài.
“Thông thường một dự án bất động sản sẽ mất ít nhất 3 - 5 năm mới có thể đi vào mở bán và bắt đầu có tiền bán hàng thu về (trong trường hợp không vướng pháp lý). Vì vậy, chủ đầu tư dự án bất động sản thường dùng vốn vay từ tín dụng hay trái phiếu doanh nghiệp, còn tỷ lệ vốn tự có rất thấp. Mà vốn tín dụng lại chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn nhưng doanh nghiệp bất động sản lại vay vốn trung, dài hạn. Vì vậy, khi giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc huy động vốn. Vậy thì việc khơi thông nguồn vốn cho cộng đồng doanh nghiệp địa ốc không thể thực hiện. Điều này cũng đồng nghĩa, thị trường bất động sản khó có thể hồi phục như kỳ vọng và như các dự báo đã đưa ra”, ông Châu nhận định./.