Chúng ta không nghĩ đến cái cách kiến tạo thế giới dựa trên lòng từ bi.
Chúng ta là người đệ tử Bụt, cũng có thể không phải nhưng chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, học hỏi nhiều, được giáo dục và tiếp cận với những tiện nghi hiện đại để kết nối và cập nhật thông tin theo bình diện của một Thế giới phẳng.
Tuy có thể thấy, thế giới ngày hôm nay vật chất đầy đủ, nhưng lại thua xa tâm thức người thời xưa. Chứng minh cho điều đó, ta có thể dễ dàng nhận ra con người hôm nay càng ngày càng “tăng trưởng phiền não”. Trên mặt báo, các diễn đàn xã hội, xung quanh ta,... khắp mọi nơi đầy rẫy những bất ổn và khổ đau, bạo động.
Nhìn vào trong tâm thức chính con người ngày hôm nay, nhìn những gì hàng ngày đang diễn ra trên thế giới, rõ ràng tâm thức của con người ngày hôm nay, “tâm thức tệ hơn”. Chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2 của thế kỷ 20, nếu như chiến tranh để rồi sau đó tốt hơn thì nên có. Nhưng đi qua thế kỷ 20, bây giờ đến thế kỷ 21 con người vẫn đau khổ.
Có thể vì nhiều lý do, chúng ta luôn không cho rằng quan tâm về chiến tranh, về những vấn đề đang xảy ra trên thế giới là việc của chúng ta. Rồi những quan tâm đến đồng loại cùng một dân tộc, chúng ta không cho việc của xã hội đang diễn ra hàng ngày trên đất nước là việc của mình.
Chúng ta có niềm tin, có công việc để theo đuổi… và cứ như thế, chúng ta chui vào một vỏ bọc để ẩn núp và làm chai lì lòng xót thương với đồng loại, với vấn đề cấp thiết của loài người ngày hôm nay mà không biết. Tôi tự hỏi, tôi và huynh đệ tôi tu tập làm gì nếu không phải là để lòng yêu thương có mặt.
Lòng yêu thương có mặt trong tâm, quan tâm của chúng ta với con người mới có mặt. Giáo dục để làm gì nếu không phải là để tình yêu thương có mặt và lớn lên trong mỗi người? Học tập để làm gì nếu không phải là để thấy sự tương quan của vạn pháp là tương tức, là đủ tỉnh thức để thấy được thực trạng của mình tương quan với thế giới quanh mình.
Chúng ta biết rằng, thế giới hiện tượng không tách ly ngoài thế giới bản thể. Thể nhập vào thế giới bản thể, để hành xử phù hợp với thế giới hiện tượng. Loài người vì lòng tham, vì chấp ngã mà cách hành xử trái với tự nhiên, đã làm tổn hại đến tự nhiên. Thế giới hiện tượng chúng ta đang tồn tại, cần được bảo vệ bởi lòng từ bi trong hành xử của mỗi người.
Pháp thế gian là thế giới hiện tượng không tách ngoài pháp xuất thế từ bản thể. Tình thương lớn lên, sự quan tâm đến đồng loại của chúng ta mới lớn lên được. Bản chất con người được tạo dựng từ lòng yêu thương
Khoa học ngày nay đã nhận ra: “Người thường xuyên tức giận, hệ miễn dịch của họ sẽ bị ăn mòn”, “giáo dục xã hội có từ bi thì con người mới có hạnh phúc và sẽ được sống lâu, mạnh khỏe”.
Trong giáo huấn của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy: Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời là bài học về yêu thương. Học theo con đường của Bụt, ta học đúng hai thứ: học hiểu và học thương. Đó là bài học ta học suốt đời vẫn không học hết. Thiền sư dạy, CÓ HIỂU mới CÓ THƯƠNG. Hiểu biết đem đến yêu thương. Chân lý. Từ khi chào đời, con người không được học để hiểu về bên trong THÂN và TÂM mình, nên chúng ta không học được cách khôn ngoan nhất để cư xữ “tốt” với chính mình.
Chúng ta học từ một môi trường giáo dục hướng ra bên ngoài, hướng vào vật chất. Chúng ta không biết cách bảo hộ thân và tâm mình. Ta tàn phá mình bằng rượu và vô số các độc tố khác. Con người học cách khai thác tối đa vào lòng tham của nhau để kiếm sống và tích lũy tiền bạc cho các trò chơi tình dục và chiến tranh.
Chúng ta mong thế giới này tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta không thay đổi cách chúng ta sống hàng ngày, cách chúng ta tiêu thụ. Chúng ta không thay đổi giáo dục thay vì bằng cấp và danh vọng hướng vào vật chất, bằng giáo dục về lòng yêu thương, về đức hy sinh và quên mình hướng vào nội tâm, chúng ta không thể làm cho thế giới này tốt hơn được.
Bạo động ngay cả trong học đường đang lên ngôi. Bạo động chứa mầm trong cách chúng ta ăn uống tiêu thụ hằng ngày. Làm sao giáo dục con trẻ về từ bi một cách thuần nhất khi mỗi miếng ăn của chúng ta là sinh mệnh của những loại vật cũng tham sống, cũng sợ hãi trước cái chết và đau đớn?
TÂM THỨC BÌNH AN là vô cùng quan trọng. Tâm thức ấy phải được bắt nguồn từ bình an bên trong nội tâm. Bạo động, là thứ vi rút nguy hại hơn bất cứ loại vi rút đáng sợ nào, đang xâm nhập sâu rộng vào tâm thức nhân loại. Có bình an bên trong, chúng ta mới có yêu thương hướng ra bên ngoài trong khi hành xử.
“Sự phát triển của loài người nếu phát triển có yêu thương con người mới có được tâm bình an”. Con người sinh ra được giáo dục để tính toán, để kiếm tiền, để hơn thua từ trong ghế nhà trường khi xác định cao thấp, khen chê... đó là thứ nhồi sọ làm cho con người mải miết lao đầu về phía tranh đấu. Giáo dục loài người không đặt quan tâm về TÂM YÊU THƯƠNG.
“Thế giới mà chúng ta đang sống nương tựa nhau trong xã hội, là thế giới cộng sinh”. Và thế giới cộng sinh đó cần một điều kiện, chính là lòng yêu thương để tồn tại. Khi sinh ra, nhờ yêu thương của mẹ mà đứa trẻ được yên bình. Nếu thiếu điều kiện yêu thương của người mẹ, đứa trẻ sẽ bất ổn.
Lớn lên, chúng ta đã quên bẵng đi mất điều kiện này, điều kiện của lòng yêu thương, nhờ nó mà ta an ổn. Ta hành xử ngược lại, là vì ta được đến trường, để được giáo dục về vật chất. Để rồi sau đó suốt đời ta mải miết đi tìm vật chất không bao giờ biết dừng lại. Chỉ khi nào ta học được bài học của yêu thương từ học đường, chừng đó, giáo dục mới hoàn chỉnh.