Aa

Điều chỉnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, doanh nghiệp kỳ vọng gì?

Thứ Bảy, 22/06/2024 - 06:00

Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết đang đề xuất sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn. Điều này khiến không ít doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội bày tỏ niềm vui và kỳ vọng về khả năng tiếp cận của gói tín dụng sẽ ngày càng dễ dàng.

Giải ngân chưa đầy 1%

Tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Với quy định lãi suất gói tín dụng thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất trên thị trường, gói tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp chủ đầu tư và người mua nhà dễ dàng tiếp cận, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn trong trạng thái ì ạch do giải ngân không như kỳ vọng. Tính đến hết quý I/2024, Bộ Xây dựng cho biết hiện các ngân hàng mới chỉ cam kết cấp tín dụng cho 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, tương đương 0,53% gói tín dụng.

Theo đó, các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm việc nhiều địa phương chưa công bố đầy đủ danh mục dự án đủ điều kiện vay, nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng và mức lãi suất vẫn còn quá cao.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện mức lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng rơi vào khoảng 8%/năm với chủ đầu tư và 7,5%/năm với người mua nhà. Nhìn sang gói tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, mức lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội chỉ khoảng 4,8%/năm.

Chính vì vậy, tại họp báo thường kỳ quý II/2024, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng đang đề nghị NHNN nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, đề nghị NHNN cần chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.

Trước đó, trong Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, NHNN và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân. Qua đó, khẩn trương có giải pháp khả thi để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương....

Trước yêu cầu điều chỉnh gói tín dụng theo hướng hiệu quả hơn, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành mới đây của NHNN, cơ quan này cho biết đang đề xuất sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn.

Ngoài ra, phía NHNN cũng sẽ tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, công tác địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Kỳ vọng hạ lãi suất và mở rộng đối tượng tham gia

Trước thông tin NHNN sẽ điều chỉnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, dễ dàng tiếp cận hơn, không ít doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội đã bày tỏ niềm vui và cho rằng, đây là sự điều chỉnh phù hợp và cần thiết để gói tín dụng được giải ngân hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội thì việc sửa đổi gói tín dụng theo hướng cởi mở sẽ tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận.

Điều chỉnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, doanh nghiệp kỳ vọng gì?- Ảnh 4.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành

Tuy nhiên, góp ý thêm cho việc sửa đổi gói tín dụng, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành đề xuất, để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được giải ngân hiệu quả thì nên giảm tiếp lãi suất xuống mức 5%/năm cho cả chủ đầu tư và khách hàng cá nhân. Cùng với đó, thời gian ân hạn cũng nên tăng thêm cho khách hàng cá nhân từ 10 - 15 năm.

Theo ông Nghĩa, từ trước đến nay các doanh nghiệp đã không mấy hào hứng trong việc tham gia phát triển nhà ở xã hội do thủ tục khó khăn, trần lợi nhuận cùng hậu kiểm khắt khe. Thế nên, với mức lãi suất thấp hơn chỉ khoảng 2% so với mặt bằng chung vẫn chưa phải là ưu đãi đủ để thu hút các doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cũng đề xuất, với mức lãi suất áp dụng cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì thang lãi suất cần giảm thêm. Bởi vì cộng đồng doanh nghiệp hiện nay vẫn đang rất khó khăn về dòng vốn. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp và người mua nhà dễ dàng tiếp cận, NHNN cũng nên mở rộng đối tượng cho vay.

Hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được NHNN quy định chỉ phục vụ cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở xã hội tương đối ít, thủ tục triển khai phức tạp khiến nhóm người có thể mua được không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường vẫn chủ yếu tập trung vào loại hình nhà ở thương mại bình dân, trung cấp.

Vì vậy, Tổng Giám đốc SGO Homes mong muốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mở rộng hơn các đối tượng được vay, cụ thể là cho cả các dự án nhà ở giá rẻ, bình dân.

"Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ dừng lại cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là chưa đủ vì nhu cầu về phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ cũng rất lớn và phân khúc này cũng cần được ưu tiên phát triển. Hơn hết, việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ sẽ là sự lựa chọn được nhiều chủ đầu tư ưu tiên quan tâm hơn so với nhà ở xã hội", ông Lê Đình Chung nhìn nhận./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top