Aa

Ngân hàng và doanh nghiệp nói gì về việc "không gặp được nhau" trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?

Thứ Tư, 13/03/2024 - 13:00

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng rất lớn trong việc hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhưng sau hơn 1 năm triển khai, chương trình chỉ mới cam kết giải ngân cho 15 dự án.

Lãi suất chưa hấp dẫn, thủ tục rườm rà, nguồn cung hạn chế

Đã gần 1 năm kể từ khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước dành cho đối tượng vay mua, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được triển khai thực hiện (từ 3/4/2023).

Tuy nhiên đến nay, mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn; các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác. Và trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại mới cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan địa phương, ngân hàng thương mại và cả doanh nghiệp, song đây chưa phải là kết quả đáng mong đợi, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội để đảm bảo nhu cầu ở thực của đại bộ phận người lao động, người có thu nhập thấp.

Chia sẻ tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì ngày 12/3, đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định đã được các ngân hàng tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cũng như phổ biến điều kiện để có thể vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với gói tín dụng này. Mặt khác, do những giới hạn về tỷ suất lợi nhuận cũng khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn các loại hình nhà ở thương mại khác.

Đơn cử, đại diện CTCP Đức Mạnh tại Đà Nẵng cho biết, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không muốn, nếu muốn cũng khó tiếp cận gói hỗ trợ.

Ngân hàng và doanh nghiệp nói gì về việc

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng rất lớn trong việc hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhưng sau hơn 1 năm triển khai, chương trình chỉ mới cam kết giải ngân cho 15 dự án. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho rằng, nguyên nhân của việc khó giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là do nguồn cung các dự án nhà ở xã hội hiện nay quá ít. Ngay tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, số lượng dự án nhà ở xã hội cũng còn rất hạn chế. Trong khi đó, quá trình thực hiện dự án lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này đề nghị các địa phương cần giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư, từ đó mới giải ngân vốn nhanh.

Về phía ngân hàng, lý giải cho nguyên nhân ngân hàng và doanh nghiệp "không gặp được nhau" trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV khẳng định, ngân hàng rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân.

Cụ thể, ngay khi NHNN có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến chi nhánh trong toàn hệ thống, nhưng còn nhiều vấn đề về thủ tục cần giải quyết nên đến nay mới tiếp cận 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đang gặp khó khăn lớn nhất ở khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án…

"Với người mua nhà, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, để vay vốn…", Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ và cho biết khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước Covid-19 do việc làm, thu nhập sụt giảm...

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, ngân hàng này rất mong muốn cho vay. Tuy nhiên các dự án đủ điều kiện cho vay còn hạn chế. Vietcombank cũng đã tích cực phối hợp với khách hàng hoàn thiện thủ tục pháp lý, song một số thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý địa phương chưa được tháo gỡ.

Thông tin tại Hội nghị, đại diện của Agribank cũng chia sẻ, một trong các nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tận dụng vốn tự có và không vay.

Có thể thấy, từ phía người đi vay và người cho vay đang có quá nhiều vướng mắc khiến cả hai đối tượng chưa thể "gặp nhau". Điều này đã khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vốn được kỳ vọng rất lớn nhưng lại chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Khi đó, Đề án thực hiện ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng khó có thể về đích đúng kế hoạch.

"Doanh nghiệp và ngân hàng cần thông cảm, chia sẻ với nhau"

Trên cơ sở xác định các nguyên nhân đang gặp phải trong việc tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng, phía doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các điều kiện cho vay sẽ dễ dàng hơn, xem xét giảm mức lãi suất xuống thấp hơn và các cơ quan địa phương nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án để dự án đủ điều kiện vay.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc bên vay mong muốn giảm lãi suất là rất đúng, nhưng phải phù hợp và hài hòa. Nếu các ngân hàng thương mại huy động thấp thì lãi suất cho vay sẽ thấp. Nhưng lãi suất không thể thấp đến mức người gửi tiền không muốn gửi, ngân hàng không huy động được, từ đó sẽ không có vốn để cho vay.

Vì vậy, Phó Thống đốc mong muốn, các doanh nghiệp hiểu rõ gói tín dụng này, xác định rằng để phát triển dự án, nguồn vốn ngân hàng chỉ là hỗ trợ, các doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực của mình, tăng cường năng lực tài chính của dự án, tính khả thi của dự án.

"Doanh nghiệp và ngân hàng cần thông cảm, chia sẻ với nhau, từ đó tạo nên mối quan hệ cộng sinh để có thể cùng phát triển", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngân hàng và doanh nghiệp nói gì về việc

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thời Báo Ngân hàng)

Dưới góc độ ngân hàng, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tích cực triển khai gói tín dụng này. Trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình tới các khách hàng với các thông tin đầy đủ, chi tiết, rõ ràng để khách hàng nắm bắt đúng, đủ. Ngoài ra, ngân hàng thương mại chủ động phối hợp với khách hàng, ngân hàng thương mại chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan tại địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần chủ động làm việc với các cơ quan tại địa phương để nắm bắt thông tin về các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn. Phó Thống đốc cũng yêu cầu NHNN chi nhánh có đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến từ doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận gói hỗ trợ.

"Quan điểm cho vay, giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì vậy có thể kéo dài thêm một vài năm, cho nên không giải ngân thật gấp, thật nhanh. Tuy nhiên dự án nào đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay", Phó Thống đốc nhấn mạnh và khẳng định, nguyên tắc tín dụng kể cả cho vay đối với nhà ở xã hội là không hạ chuẩn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top