Aa

Hà Nội: 10 chung cư khiến cư dân “vỡ mộng” năm 2018

Chủ Nhật, 30/12/2018 - 06:01

Trước thực trạng các chủ đầu tư và cư dân liên tiếp xảy ra tranh chấp, đã có nhiều văn bản chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động nhà chung cư. Thế nhưng, những vấn đề bất cập trên vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết triệt để tại một số dự án.

Trong năm 2018, trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội liên tiếp chứng kiến cảnh cư dân căng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư để đòi quyền lợi. Điều này khiến cho hoạt động nhà chung cư “nóng” hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý và sử dụng nhà chung cư tại 2 thành phố lớn trên còn nhiều bất cập. Tại một số chung cư xảy ra tranh chấp với tính chất phức tạp, kéo dài. Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư và cư dân chưa tìm được tiếng nói chung. Từ đây, một vấn đề được đặt ra là làm sao để có giải pháp xử lý, tháo gỡ một cách nhanh và triệt để nhất.

Trước thực trạng trên, ngày 9/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg, về việc Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Theo đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, Reatimes xin điểm lại một số vụ tranh chấp nổi bật trong năm 2018:

1. Dự án Chung cư Starcity 

Chung cư Starcity toạ lạc ở vị trí đắc địa 81 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội). Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội (Vneco). Theo phản ánh, cư dân đã về đây ở được 6 năm, nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới thành lập được Ban quản trị.

Điều đáng nói là chủ đầu tư cố tình lạm dụng số tiền 2% phí bảo trì (gần 30 tỷ đồng), không chịu trao trả cho Ban quản trị. Chính vì lý do này, toà nhà mới đưa vào sử dụng nhưng đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều hạng mục trong toà nhà không những không dùng được mà còn bị chính chủ đầu tư tái chiếm, sử dụng vào mục đích khác và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của những người dân đã bỏ tiền tỷ mua căn hộ tại đây.

Cư dân chung cư 81 Lê Văn Lương nhiều lần kéo đến trụp/sở Ocen Group đòi quyền lợi.

Cư dân chung cư 81 Lê Văn Lương nhiều lần kéo đến trụ sở Ocen Group đòi quyền lợi. 

Ngoài ra, các hộ dân cũng cho biết, đã gần 6 năm trôi qua kể từ thời điểm mua căn hộ nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nguyên do là việc chủ đầu tư đã thay đổi công năng trong toàn toà nhà, sai phạm so với thiết kế đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm đến chính quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân cư về: Không gian, môi trường, các công trình tiện ích trong toà nhà theo lời giới thiệu và thiết kế ban đầu.

Trước những “lùm xùm” trên, OGC cũng cho hay, nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân chung cư Star City mà không phụ thuộc vào việc hoàn trả tiền của Vneco, OGC vẫn cam kết hoàn trả trước ngay một phần quỹ bảo trì và từng bước trả hết cho cư dân.

OGC đề xuất phương án Ban quản trị sử dụng các tầng hầm B2, B3 do Vneco bàn giao cho OGC, để đối trừ Quỹ bảo trì trong thời gian chậm thanh toán (hoặc phương án khác do 2 bên bàn bạc thống nhất), hoặc sẽ hoàn trả ngay cho Ban quản trị sau khi nhận được tiền trả từ Vneco với khoản tiền chi trả vượt Hợp đồng mua bán. Đồng thời, OGC cũng sẽ đưa ra những giải pháp để xử lý các vấn đề trên.

Xem thêm tại đây.

2. Dự án Chung cư Artemis

Chung cư Artemis tọa lạc tại số 3 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty cổ phần ACC Thăng Long là chủ đầu tư. Mặc dù được đánh giá “5 sao” và tọa lạc trên khu đất vàng, thế nhưng chung cư cao cấp này đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng tầng kỹ thuật, cho Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng làm quán bia Vuvuzela khi chưa hề xin điều chỉnh quy hoạch từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội và chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan.

Vị trí đắc địa, giá bạc tỷ nhưng dự án Chung cư Ảtemis

Vị trí đắc địa, giá bạc tỷ nhưng dự án Chung cư Artemis đang dính loạt lùm xùm.

Theo cư dân, việc nhà kỹ thuật sai diện tích, vượt chiều cao, nóc nhà đặt các thiết bị điều hòa của quán bia, siêu thị Big C, rạp chiếu phim CGV chắn miệng ống xả máy phát đã dẫn đến sự cố cháy xảy ra. 

Ngoài ra, cư dân còn cho biết mặc dù chuyển về sinh sống chưa lâu nhưng hiện tại một số hạng mục bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp như tường bị nứt, đá lát nền bị xước và xỉn màu,…

Mới đây nhất, từ 9h ngày 21/10 đến 11h ngày 22/10, có 7 hộ gia đình sống tại tòa nhà này đã bị cắt điện nước đột ngột. Chính những vấn đề bức xúc trên chưa được giải quyết kịp thời nên nhiều cư dân đã căng băng rôn, biểu ngữ tại sảnh tầng 1 tòa chung cư để phản đối và yêu cầu chủ đầu tư giải quyết.

Xem thêm tại đây.

3. Dự án Chung cư Hoà Bình Green City

Hoà Bình Green City được quảng cáo là tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại dịch vụ do Công ty TNHH Hoà Bình làm chủ đầu tư. Theo phản ánh của nhiều cư dân, chủ đầu tư bắt đầu bàn giao căn hộ cho cư dân về ở từ năm 2014. Thế nhưng, cho đến nay phần lớn các hộ dân tại chung cư “dát vàng” này vẫn chưa được cấp sổ hồng khiến người dân bức xúc.

Chủ đầu tư bàn giao căn hộ Hòa Bình Green City

Chủ đầu tư bàn giao căn hộ Hòa Bình Green City cho khách hàng, tuy nhiên đã hơn 3 năm nhưng chung cư “dát vàng” này chưa được cấp sổ hồng

Để đòi quyền lợi chính đáng của mình, cư dân Hoà Bình Green City đã nhiều lần căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, vì đã không thực hiện đúng cam kết với người dân.

Ngoài việc cư dân yêu cầu chủ đầu tư phải có câu trả lời thỏa đáng về thời hạn cấp sổ hồng cho 2 tòa nhà của dự án, họ còn yêu cầu được minh bạch các chi phí quản lý và 2% quỹ bảo trì. Mặc dù, người dân khẳng định, họ đã nhiều lần kiến nghị, gửi yêu cầu đến chủ đầu tư nhưng vẫn không được giải quyết.

Xem thêm tại đây.

4. Dự án Tháp Doanh nhân

Tháp Doanh nhân do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tây Đô (số 1 đường Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) là chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 2.710m2, chiều cao 168m với 52 tầng (5 tầng hầm và 45 tầng nổi, 02 tầng lửng).

Được biết, Tháp Doanh Nhân được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2013. Tuy nhiên, sau khi liên tục dính những bê bối, dự án  tiếp tục “ngủ đông” và dừng thi công trong một thời gian dài.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, khách hàng quá bức xúc khi Tháp Doanh nhân

Sau nhiều lần lỡ hẹn, khách hàng quá bức xúc khi chưa được bàn giao căn hộ tại dự án Tháp Doanh nhân.

Cuối năm 2015, dự án được mở bán trở lại và cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng vào cuối tháng 12/2017. Sau đó, chủ đầu tư hoãn thời hạn bàn giao đến tháng 6/2018. Sau đó, cư dân yêu cầu chủ đầu tư mở cuộc họp để bàn phương án tháo gỡ nhưng chủ đầu tư nhiều lần từ chối không gặp.

Chính vì những bức xúc đó, nhiều cư dân đã tập trung đến trụ sở công ty để yêu cầu chủ đầu tư trả lời về việc bàn giao nhà, trả tiền phạt chậm giao nhà theo hợp đồng đã ký…

Xem thêm tại đây.

5. Dự án nhà ở xã hội Bright City

Dự án Bright City nằm trên khu đất có diện tích 15.493 m2, bao gồm 4 tòa nhà chiều cao 35 tầng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long (thuộc Công ty CP Bất động sản AZ). Theo thiết kế phê duyệt, từ tầng 1 - 6 của dự án là thương mại, siêu thị, từ tầng 7 là khu căn hộ hiện đại để ở. Dự án được khởi công từ tháng 11/2014 và chủ đầu tư cam kết hoàn thành việc xây dựng, bàn giao nhà vào quý IV/2017, nhưng chủ đầu tư chậm bàn giao nhà cho khách.

Khách hàng mua căn hộ tại dự án Bright City

Khách hàng mua căn hộ tại dự án Bright City đã phải kéo lên trụ sở Sở Xây dựng Hà Nội tạo áp lực.

Tuy nhiên đến quý I/2018, công ty này bất ngờ tuyên bố mất khả năng tài chính do cơ chế vay vốn với BIDV Tây Hà Nội không được thực hiện (gói 30.000 tỷ đồng kết thúc). Vì thế, công ty sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng đã ký với khách hàng (tiền góp + lãi theo hợp đồng mua bán), sau đó tuyên bố phá sản, để Ngân hàng BIDV phát mại tài sản.

Đầu năm 2018, cư dân dự án nhà ở xã hội Bright City liên tục tổ chức căng băng rôn biểu ngữ phản đối chủ đầu tư, đồng thời làm đơn cầu cứu gửi tới các cơ quan chức năng. Tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến UBND TP Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết phản ánh của cư dân theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết.

Xem thêm tại đây.

6. Dự án Chung cư CT6C Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội)

Đây có lẽ là một sai phạm được coi là to như “con voi” nhưng vẫn chiu lọt “lỗ kim”. Được biết, dự án chung cư CT6C tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư.

Theo phản ánh của tập thể cư dân chung cư CT6C Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), người dân đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng TP Hà Nội đề nghị sớm cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà dự án này.

Lý do được đưa ra đó là, họ mua nhà dự án CT6C Kiến Hưng và đã chuyển về ở được mấy năm nay nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ. Việc này khiến cho việc sinh hoạt của các gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Một

Một sai phạm được coi là “con voi” nhưng vẫn có thể chiu lọt “lỗ kim”, chủ đầu tư dự án vẫn "bình chân như vại".

Theo báo chí đưa tin, căn cứ quy hoạch thiết kế được duyệt thì Dự án có 2 tòa chung cư gồm: CT6A và CT6B. Tuy nhiên, trong thực tế chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà gồm, CT6A, CT6B và CT6C (mỗi tòa cao 30 tầng và tăng 1 tòa so với quy hoạch được duyệt).

Cụ thể, chủ đầu tư đã xây vượt, xây vượt, xây không phép gần 700 căn hộ và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Đáng nói, hiện tất cả số căn hộ và nhà liền kề, biệt thự tại Dự án này đã được bán cho khách hàng và đã đưa vào sử dụng.

Tại thời điểm bàn giao nhà, hàng trăm hộ dân mua nhà tại tòa chung cư CT6C Kiến Hưng đã từng tập trung tại trụ sở của doanh nghiệp này tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai (hiện nay Doanh nghiệp này chuyển về Khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông) để đề nghị chủ đầu tư công bố rõ về phần diện tích sai hụt căn hộ.

Xem thêm tại đây.

7. Dự án Chung cư The Golden An Khánh

Chung cư The Golden An Khánh (tại Khu đô thị Nam An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty Sông Đà Hoàng Long là chủ đầu tư. Chung cư The Golden An Khánh là tổ hợp gồm chung cư cao tầng, văn phòng, thương mại dịch vụ trong quần thể khu đô thị Nam An Khánh, với tổng diện tích 23.887 m2. Dự án được quảng cáo là nằm trên vị trí đất vàng, cửa ngõ phía Tây Nam thủ đô Hà Nội, trung tâm của nhiều khu vực trọng điểm thành phố.

Dự án chung cư The Golden An Khánh

Nhiều hộ dân bức xúc trong việc bị thu hồi đất, để thực hiện dự án chung cư The Golden An Khánh.

Tuy nhiên, ngày 12/3/2018, hàng trăm cư dân chung cư The Golden An Khánh, 32T căng băng rôn, phản đối chủ đầu tư. Theo phản ánh của cư dân, Công ty Sông Đà Hoàng Long yêu cầu khách hàng phải ký biên bản thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ, trong khi chưa hề hoàn thành nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với người mua, cụ thể là chưa làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân.

Thấy yêu cầu trên là vô lý, nhiều lần hàng trăm cư dân tại chung cư The Golden An Khánh đã tập trung, căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư ngay tại trụ sở công ty ở Khu đô thị Nam An Khánh.

Xem thêm tại đây.

8. Dự án Eco Lake View 

Dự án Eco Lake View (số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Ecoland. Theo quảng cáo, dự án sẽ có đường đôi nội khu, bể bơi, khu vui chơi trẻ em, sân bóng, sân golf…

Tuy nhiên, người dân phản ánh nhiều vấn đề đang tồn tại của chung cư Eco Lake View. Cụ thể, theo cư dân, chủ đầu tư Ecoland gửi thông báo cho cư dân toà HH2 về thời điểm nhận bàn giao căn hộ khi chưa công bố các văn bản, hồ sơ nghiệm thu công trình của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.

Tiếp đó, theo thiết kế được Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận tại Giấy phép xây dựng số 83/GPXD ngày 17/10/2016, thì sảnh thang máy các tầng căn hộ là ốp đá, tuy nhiên trên thực tế hiện đang được thi công bằng sơn bả.

Cư dân tố chủ đầu tư ecoland ép người dân vào nhận nhà.

Cư dân tố chủ đầu tư Ecoland ép người dân vào nhận nhà bất chấp các quy định pháp luật.

Theo quan sát của cư dân, nội thất tại một số căn hộ dù chưa được bàn giao đã có tình trạng bong tróc, cong vênh, sứt mẻ, trần nhà có hiện tượng thấm dột.

Cư dân cho rằng chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm hợp đồng mua bán khi không thông báo cho cư dân sự thay đổi trong việc sử dụng thiết bị nội thất, cụ thể là thiết bị điện. Bên cạnh đó, cư dân cho rằng, trong Hợp đồng mua bán thì chủ đầu tư bắt phải thanh toán 5% giá trị căn hộ cho việc làm sổ hồng, mà chưa rõ về thời gian được cấp sổ là bao giờ.

Xem thêm tại đây.

9. Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy

Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy có chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (công ty thành viên của Kinh Đô TCI Group), hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án này đã căng băng rôn phản đối kín cổng công trường.

Sở dĩ như vậy là vì, phía chủ đầu tư hứa sẽ bàn giao nhà cho khách hàng từ quý I/2016, nhưng dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy trễ hẹn tới hơn 2 năm và đến nay mới đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Bức xúc với chủ đầu tư, hàng trăm khách hàng mua nhà ở dự án này đã căng băng rôn phản đối kín cổng công trường xây dựng dự án.

Cư dân bị chủ đầu tư ép nhận căn hộ vượt d

Cư dân bị chủ đầu tư "ép" nhận căn hộ, trong khi công trình dự án còn đang thi công.

Thời điểm đó nhiều khách hàng cho biết, dù họ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ được quy định trong Hợp đồng mua bán căn hộ với mong muốn nhận bàn giao theo đúng tiến độ, chất lượng như cam kết, nhưng đổi lại, điều mà họ nhận được là sự khó hiểu của chủ đầu tư dự án.

Một điều khiến những người mua căn hộ bức xúc và phản đối chủ đầu tư, đó là nhiều trường hợp khi nhận bàn giao căn hộ thực tế lại có diện tích lớn hơn nhiều so với diện tích ban đầu trong hợp đồng, khiến họ phải đóng thêm số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Đến thời điểm này, phía chủ đầu tư và khách hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 

Xem thêm tại đây.

10. Dự án Hateco Hoàng Mai

Dự án Heteco Hoàng Mai do Công ty Cổ Phần Đầu tư Hạ tầng & Công trình Kiến trúc Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 tòa với 744 căn hộ và khoảng 2.500 cư dân. Dự án được hoàn thành và bàn giao vào tháng 12/2016. Đến đầu năm 2017, chủ đầu tư Hateco yêu cầu các cư dân phải hoàn thành thủ tục để cấp sổ hồng.

Tuy nhiên, khi đo đạc lại căn hộ, nhiều hộ dân mới phát hiện ra căn hộ của mình bị thiếu hụt diện tích so với hợp đồng. Sau đó, chủ đầu tư cũng đã đo lại diện tích một số căn mà khách hàng yêu cầu. Điều ngạc nhiên, kết quả đo đạc của chủ đầu tư có rất nhiều vấn đề khi đo lại lần 1 và lần 2 cho ra hai kết quả khác nhau.

Căn hộ Hateco Hoàng Mai không những thiếu hụt diện tích căn hộ mà còn mua

Cư dân "tố" chủ đầu tư Hateco Hoàng Mai bán căn hộ thiếu hụt diện tích , cùng hàng loạt vấn đề khác.

Sau đó, một số hộ dân đã nhờ một đơn vị đo đạc độc lập là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát đo đạc và bản đồ đến để đo. Được biết, hiện dự án Hateco có khoảng 150 căn hộ bị thiếu hụt diện tích. Mỗi căn thiếu từ 1,5 - 3,5 m2.

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này là do cách tính của chủ đầu tư, gộp luôn cả diện tích lô gia và hộp kỹ thuật. Trong khi đó, theo quy định, diện tích hộp kỹ thuật trong căn hộ sẽ chỉ tính phần vỏ ngoài chứ không tính phần lõi bên trong. Diện tích lô gia cũng chỉ tính từ mép trong chứ không phải tính từ mép ngoài.

Theo tìm hiểu, việc tranh chấp về diện tích tại dự án Hateco Hoàng Mai đã diễn ra một thời gian dài, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết. Mặt khác, chủ đầu tư vẫn hối thúc các gia đình ký vào biên bản nhận sổ hồng. Tuy nhiên, 103 hộ gia đình đã căng băng rôn phản đối và gửi đơn đến chủ đầu tư xin được dừng cấp sổ để giải quyết về vấn đề diện tích.

Không chỉ gặp vấn đề về thiếu hụt diện tích, nhiều cư dân chung cư Hateco Hoàng Mai còn bày tỏ sự bất bình khi căn hộ tiền tỷ của mình đang có dấu hiệu xuống cấp, tường nứt nẻ, bong tróc và thấm dột. Chưa kể, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân cũng đang có dấu hiệu bị nhiếm bẩn, đen kịt như nước sông Tô Lịch.

Xem thêm tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top