Những ngày này, người dân xung quanh khu vực tòa nhà 8B Lê Trực phải chịu không ít áp lực bởi hệ thống rào chắn cùng đội ngũ công an, bảo vệ dày đặc của quận Ba Đình. Tất cả là để chuẩn bị cho đợt phá dỡ mới, bao gồm tầng 17 và 18 của tòa nhà.
Để một vụ việc tồn tại đến 5, 6 năm trời đương nhiên là phải có ngọn nguồn, gốc rễ, chứ không phải là do bộ máy chính quyền của Hà Nội bất lực từ bấy đến nay. Có 3 đối tượng liên quan đến tòa nhà, đó là chính quyền thành phố, chủ đầu tư và người dân mua nhà, thì duy nhất chỉ có người dân mua nhà là không mắc lỗi, nhưng họ lại là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đấy mới là điều mà xét cả về đạo lý và pháp lý, đều không ai có thể chấp nhận.
Về phía chủ đầu tư, họ đã mắc sai lầm ở chỗ, không xây dựng giật cấp theo như bản vẽ cho phép của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, mà lại xây vuông vắn thành một khối hình bao diêm thẳng đứng, theo như con số được thông tin, dôi ra khoảng 6.000m2 diện tích sàn so với được phép.
Về phía chính quyền thành phố, sai lầm lớn nhất là ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cho phép chủ đầu tư xây 20 tầng và cao 69,1m. Nhưng 8 năm sau, lại ra một văn bản hành chính có giá trị pháp lý thấp hơn rất nhiều để phủ nhận giá trị văn bản trước đó, yêu cầu chủ đầu tư xây tòa nhà “tụt” xuống còn 18 tầng và 53m! Và hiện nay, chính quyền quận Ba Đình đang coi văn bản này là “thượng phương bảo kiếm” để thực thi pháp luật.
Câu chuyện lùng nhùng suốt 5, 6 năm qua đều nằm xung quanh những con số này và vấn đề quy trách nhiệm của mỗi bên (bạn đọc có thể đọc kỹ hơn trong bài “Hiến kế xử lý Tòa nhà 8B Lê Trực” trên Reatimes).
Bây giờ thì mọi chuyện đã nóng bỏng và quyết liệt hơn rất nhiều.
Theo kế hoạch, từ ngày 22/4 - 12/5/2020, toàn bộ máy móc, lắp đặt cẩu tháp, vận thăng... sẽ được tập kết, và đến ngày 15/5/2020, đơn vị thi công sẽ tổ chức tháo dỡ một số hạng mục tại tầng 18 dự án 8B Lê Trực, trong đó, trước mắt thực hiện tháo dỡ tầng 18 (tháo dỡ phần tường, cửa, thiết bị...) để xem xét, đánh giá mức độ an toàn của công trình, trên cơ sở đó xem xét phương án đối với tầng 17.
Điều này có nghĩa là, trước hết, công cuộc phá dỡ không động chạm đến hệ thống dầm chịu lực, “vừa phá vừa run” theo cảm tính mà không có một phương án lường trước nào về hậu quả, cả về mặt kỹ thuật và cả khía cạnh kinh tế - xã hội.
Về vấn đề kỹ thuật, vì không có phương án phá dỡ, không có các ý kiến chuyên gia và các bên có quyền lợi liên quan khác như chủ đầu tư và các hộ dân, nên làm thử tầng 18 trước, nếu cảm thấy an toàn thì sẽ thực hiện tiếp tầng 17.
Về góc độ liên quan đến kinh tế - xã hội, công cuộc phá dỡ này không lường trước rằng, khi đã tháo dỡ xong phần tường, cửa, thiết bị của các tầng rồi thì sự việc tiếp tục sẽ ra sao? Một khi các dầm chịu lực của tầng 17 - 18 về mặt kỹ thuật không được phép động đến vì an toàn chung của cả tòa nhà, hệ thống dầm chịu lực của công trình sẽ như một bộ khung xương của con thú thời tiền sử, đem theo một bóng ma ám ảnh treo chơi vơi ngay gần khu vực Lăng Bác và Tòa nhà Quốc hội. Một hình ảnh mà không ai có thể chấp nhận!
Tiếp nữa, là việc bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đó là chủ đầu tư và người dân mua nhà. Ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù cho họ một khi lỗi đầu tiên trong vụ việc này không hoàn toàn do họ gây ra? Tôi cho rằng, một khi quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm thì tất yếu sẽ là những vụ việc kiện cáo kéo dài. Khi ấy, những tưởng như Hà Nội sẽ thoát được một vụ tai tiếng, thì lại phải tiếp tục gồng mình giải quyết một vụ tai tiếng và phức tạp hơn rất nhiều. Nếu như vậy thì quả là một điều tồi tệ không đáng có!
Thú thật, tôi cũng không thể tưởng tượng nổi tại sao Hà Nội lại cứ nhất thiết “đơn phương” xử lý vụ việc của tòa nhà 8B Lê Trực mà không có một cuộc đối thoại công khai, sòng phẳng và minh bạch giữa các bên liên quan.
Nếu Hà Nội có đầy đủ căn cứ pháp lý, thì sẽ không e ngại như vậy!