Aa

Hà Nội chỉ đạo ưu tiên quỹ đất thanh toán cho hơn 20 dự án BT

Thứ Sáu, 06/07/2018 - 14:01

Hà Nội chỉ đạo ưu tiên quỹ đất thanh toán cho hơn 20 dự án BT; “Ăn theo” dự án mới, bất động sản ven đô bùng nổ; Tự "vẽ" dự án trên ruộng muối để bán ở Bà Rịa Vũng Tàu; Thuế tài sản, còn đó những băn khoăn;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Hà Nội chỉ đạo ưu tiên quỹ đất thanh toán cho hơn 20 dự án BT

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá về việc triển khai các công trình trọng điểm của thành phố thời gian qua, UBND TP Hà Nội cho hay, một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng của 2 tuyến đường sắt; dự án mở rộng đường Vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II,… còn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.

Một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án như Bệnh viện Nhi, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên - Khu liên cơ Võ Chí Công, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Phụ sản,… cũng dẫn đến chậm.

Hàng loạt dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” được Hà Nội công bố trong thời gian quap/(Ảnh minh họa).

Hàng loạt dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” được Hà Nội công bố trong thời gian qua (Ảnh minh họa).

Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai thực hiện; chậm hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch giao vốn.

Đối với các dự án PPP và xã hội hóa UBND Thành phố yêu cầu đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các công trình trọng điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ trì tiếp tục thực hiện việc rà soát tổng thể, xác định quỹ đất đủ điều kiện làm quỹ đất thanh toán cho các dự án nhà đầu tư theo hình thực hợp đồng BT. Trong đó yêu cầu ưu tiên bố trí đủ quỹ đất thanh toán các dự án BT trọng điểm.

Xem chi tiết tại đây.

Thuế tài sản, còn đó những băn khoăn

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Cố vấn chính sách, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), về mặt khái niệm, giữa Việt Nam và các nước trên thế giới có không ít sự khác biệt, nhưng cần hiểu thuế tài sản là loại thuế tài sản nào, vì tài sản ở Việt Nam và trên thế giới được hiểu cũng rất khác nhau. Đơn cử, về bất động sản, không chỉ là nhà đất, mà cả những thứ khác, thậm chí máy bay… Do đó, trong cách tính thuế, thì nguồn nào miễn giảm, nguồn nào chịu thuế, đánh thuế vào đối tượng nào…, là những vấn đề cần được làm rõ.

Cũng theo ông Dũng, chính quyền đô thị cũng là khái niệm khá xa lạ với nhiều người ở Việt Nam. Ở nước ta hiện có chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và chính quyền ở đơn vị hành chính đặc biệt. Cách tính thuế tài sản với ba vùng này cũng sẽ khác nhau. Nếu trao cho chính quyền địa phương đánh giá và định mức thuế, thì câu hỏi đặt ra là liệu thuế có chồng thuế hay không?

Thuế tài sản chủ yếu nhắm tới đối tượng chính là bất động sản. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thuế tài sản chủ yếu nhắm tới đối tượng chính là bất động sản. Ảnh: Thành Nguyễn.

“Theo tôi, một sắc thuế được ban hành sẽ nằm trong một hệ thống thuế và nó phải đảm bảo không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế. Khi ban hành thuế tài sản, chúng ta phải định danh đầy đủ đối tượng chịu thuế, cách tính thuế để không bị trùng. Đây là điểm mấu chốt rất quan trọng”, ông Dũng cho biết.

Còn theo bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thuế tài sản đánh vào bất động sản sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.

Xem chi tiết tại đây.

“Ăn theo” dự án mới, bất động sản ven đô bùng nổ

Thực tế, không phải đến bây giờ thị trường đất nền tại các tỉnh phía Bắc mới sôi động, mà bắt đầu manh nha từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, phần do thị trường trung tâm quá hấp dẫn, phần do tâm lý nhà đầu tư còn e ngại, nên phải đến những tháng đầu năm 2018, thị trường đất nền vùng ven Hà Nội mới thực sự bùng nổ.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, cũng như số liệu cập nhật của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, giá bất động sản tại nhiều tỉnh giáp ranh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên… đã tăng rõ rệt, đặc biệt là những địa phương có sự thay đổi về hạ tầng giao thông, hay được nâng cấp đô thị.

Chẳng hạn, tại TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương mới được chấp thuận lên thành phố cách đây không lâu, chỉ trong 6 tháng qua, giá bán nhiều căn nhà phố có vị trí đẹp, cạnh mặt đường quốc lộ hoặc trung tâm Thành phố, đã tăng 20 - 30%, thậm chí 50% so với 2 năm về trước tùy theo diện tích, loại hình nhà (cấp 4, 2 tầng hay 3 tầng). Giá các loại hình nhà phố khác cũng tăng từ 5 - 10%.

Không chỉ nhà phố, giá đất nền tại một số dự án mới ở TP. Phúc Yên cũng tăng vọt. Chẳng hạn, tại Dự án TMS Grand City, hay Dự án Khu đô thị mới Xuân Hòa, giá đất nền đã tăng từ 100 - 200 triệu đồng/lô đất chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.

Ngày càng có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn xuất hiện ở tỉnh lẻ.

Ngày càng có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn xuất hiện ở tỉnh lẻ.

Tương tự, tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, theo ghi nhận của phóng viên, thị trường đất nền cũng đang diễn biến sôi động và tạo hiệu ứng khá mạnh mẽ đối với người dân nơi đây. Từ quán ăn đến công sở, giá đất, giá nhà là vấn đề được bàn luận nhiều nhất, bên cạnh những câu chuyện về bóng đá mùa World Cup.

“Trong 2 khu đô thị 'ăn theo' các dự án bệnh viện là Lam Hạ và Liêm Chính, thì Lam Hạ có mức giá cao ngất ngưởng. Những lô đất đẹp tại dự án này có giá lên đến mấy chục triệu đồng mỗi mét vuông”, một người dân cho biết.

Hiện tại, TP. Phủ Lý đang đón nhận 2 dự án lớn là Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tại xã Liêm Tuyền). Sự xuất hiện của 2 bệnh viện hàng đầu Việt Nam đã và đang khiến giá đất nền tại đây biến động mạnh. Việc giá đất tăng chóng mặt, bên cạnh mức lợi nhuận lớn, cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, bởi 2 dự án này đã chậm tiến độ 3 năm qua.

Theo quy hoạch chung, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Phủ Lý sẽ tập trung phát triển theo hướng Bắc và hướng Đông, qua đó hình thành 7 phân khu chức năng. Trong đó, vùng phát triển đô thị mới của Thành phố nằm ở phía Đông, dọc theo trục đường 68, Quốc lộ 21 mới, với trọng tâm phát triển về y tế, tài chính - ngân hàng...

Xem chi tiết tại đây.

Tự "vẽ" dự án trên ruộng muối để bán ở Bà Rịa Vũng Tàu

Theo ghi nhận của PV, dọc Tỉnh lộ 44, thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các dự án đất nền chen chân nhau mọc lên trên các ruộng muối. Theo người dân, ngày trước, khu vực này người bản xứ dùng để sản xuất muối, nghành nghề truyền thống.

Từ khi một số cá nhân thu gom đất xong, san lấp và “vẽ” nên dự án đất nền… khiến khu vực này không còn bình yên, phần nào bị xáo trộn bởi “cơn lốc” mua bán. Việc sản nghề muối truyền thống cũng bị ảnh hưởng về qui mô khi vào vụ làm muối chính.  

Theo ghi nhận, trước hàng rào nhà dân, các trụ điện…chằng chịt các tấm quảng các đất nền của các dự án đất nền như: Golden Central do Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Vincomreal làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phúc Điền phát triển.

Theo nhân viên môi giới dự án Golden Central, hiện dự án đã mở bán đợt 1, dự án còn khoảng 20 nền, mỗi nền có diện tích khoảng 100 m2 trở lên, mỗi m2 giao động từ 6,8 – 11 triệu đồng. Nếu khách hàng ở tỉnh thì chủ đầu tư có xe đưa đón đến tận nơi xem. Cũng theo nhân viên dự án này, dự án đầy đủ pháp lý, cam kết mua trong 3 tháng là nhận được giấy chủ quyền sử dụng đất.

Xem chi tiết tại đây.

Vì đâu hàng chục nghìn căn hộ tái định cư ở TP.HCM dôi dư?

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP trong 10 năm (từ 2006-2017), TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án.

Đến nay, TP đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với 35% chưa sử dụng, Nhà nước đang quản lý.

Mới đây, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật bồi thường, tái định cư.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.

“Sau này khi chính sách sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng thừa nhận trước kia, khi giải tỏa một dự án, TP chỉ điều tra về mặt pháp lý của căn nhà mà không quan tâm đến đời sống, công ăn việc làm của người dân sau khi chuyển về nơi ở mới, để có những dự báo và đưa ra giải pháp phù hợp hơn.

Xem chi tiết tại đây.

Khốn đốn vì mua đất nền chưa được phép phân lô

Cơn sốt đất thời điểm đầu năm đang dần để lại hậu quả cho thị trường. Không ít nhà đầu tư liều lĩnh xuống tiền, mua bán đất bất chấp yếu tố pháp lý giờ đang phải bán tháo, cắt lỗ để mong sớm thu hồi vốn.

Ông Đặng Thái Bình (Trần Bình Trọng, quận 5), một nhà đầu tư đất quận 9 cho biết hiện tại ông đang phải chấp nhận giảm giá, ra hàng 2 lô đất nền chưa có sổ riêng vì không nằm trong diện được phép tách thửa. Được biết, thời điểm cuối tháng 3/2018, ông Bình cùng vài người bạn vay tiền mua lại 8 nền đất tại 1 dự án dân cư trên đường Long Thuận, phường Long Phước, quận 9. Dự án này có quy mô khá nhỏ với 54 nền diện tích 51 m2/nền.

Trong thời điểm sốt, người người tranh nhau mua đất, muốn tìm được nguồn hàng tốt không dễ nên khi biết dự án đã hoàn thiện pháp lý lên thổ cư 100% và cam kết ra sổ trong 2 tháng, ông Bình và bạn mình nhanh chóng làm hợp đồng mua với giá 28 triệu/m2. Tuy nhiên, sau đó, Quyết định 60 ban hành khiến dự án không được phép tách thửa và hiện không thể ra sổ cho người mua. Chính vì vậy, gần 2 tháng nay, ông Bình cắn răng cắt lỗ, rao bán lại với giá chỉ còn 25 triệu/m2 nhưng không tìm được khách giao dịch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm cuối năm 2017, khi dự án mới hoàn thiện san lấp, giá chào bán chỉ vào khoảng 18 triệu/m2. Lúc cơn sốt đất nổ ra, giá bán được chủ đầu tư hét lên mức 27-28 triệu/m2, thậm chí có nhà đầu tư chào bán thứ cấp với giá gần 30 triệu/m2. Nhưng hiện tại, thị trường đã bình ổn, những khách hàng lỡ mua vào đợt cuối muốn bán ra đều không tìm được người mua. Nhiều lô đất đang được rao bán lại với giá chỉ còn 24-25 triệu/m2, thậm chí có nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ chỉ còn 22-23 triệu/m2.

Theo ghi nhận tại thị trường nhà đất quận 9, khi đất nền sốt nóng, nhiều doanh nghiệp sở hữu các quỹ đất nhỏ dựa vào sức nóng của thị trường, tự động phân lô, bán nền rồi treo bảng lập dự án bán lúa non dù chưa được phép tách thửa. Người mua trong cơn u mê, nghe theo lời tư vấn ngọt ngào, vội vàng xuống tiền vì sợ mất cơ hội để rồi nhận trái đắng khi cơn sốt đi qua.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top