Đấu tranh ở chung cư, cư dân cần thạo luật
Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư dự án này là ở chỗ xác định diện tích chính xác của các căn hộ. Theo đó, một số cư dân đã tố chủ đầu tư bớt xén, giao căn hộ thiếu diện tích... Vụ việc này được cư dân đưa lên mạng xã hội và một số trang thông tin khác, kèm theo đó là những lời nói, theo chủ đầu tư là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến họ (cả ở trên group kín của cư dân và dự án khác).
Cho rằng điều này đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, tình hình kinh doanh của mình, chủ đầu tư đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ hành vi đưa các thông tin được cho là bịa đặt, không khách quan, vu khống, bôi xấu doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một đại diện chủ đầu tư khẳng định: “Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra mời các cư dân lên làm việc hoàn toàn không liên quan đến những phàn nàn về diện tích căn hộ hay các vấn đề khác như một số lời đồn đoán. Mục đích cuộc gặp là để điều tra, làm rõ thông tin bịa đặt, vu khống, bôi nhọ uy tín, hình ảnh, gây thiệt hại cho chủ đầu tư”.
Xem chi tiết tại đây.
Đặt hàng 22 nghìn căn hộ thương mại làm quỹ tái định cư
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mỗi năm vừa qua, thành phố phải đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây nhà tái định cư. Tính đến thời điểm hiện tại còn khoảng gần 1.000 căn hộ tái định cư xây xong đã nhiều năm nhưng chưa có người nhận bàn giao, gây lãng phí lớn. Để khắc phục tình trạng này, thành phố thí điểm triển khai hình thức đặt hàng nhà thương mại làm quỹ tái định cư.
Thành phố đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá. Tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất theo quy định nhưng tiền sử dụng đất được nộp vào thời điểm nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của UBND thành phố cho các hộ dân; Cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.
Kế hoạch năm 2017-2020, thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ đồng), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp theo. Nếu thực hiện theo phương án trên, thành phố chỉ phải bố trí vốn để GPMB tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình, doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư, người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.
Cụ thể, thành phố sẽ đặt hàng nhà thương mại từ một số dự án có chất lượng phù hợp. Về giá bán sẽ do liên ngành thành phố thẩm định. Ngay khi xây xong móng đủ điều kiện bán, thành phố sẽ giới thiệu người dân đến tìm hiểu và đăng ký. Như vậy ngay khi xây dựng xong, các căn hộ về bản chất đã có chủ. Với những căn hộ không có người đặt mua theo diện tái định cư thì chủ đầu tư có quyền bán cho người khác.
Xem chi tiết tại đây.
Di dời Bộ ngành sẽ hình thành các "điểm sáng" ven đô
Thời điểm hiện nay bất động sản cao cấp trong nội đô đang trong tình trạng nguồn cung quá nhiều. Việc các dự án cao tầng mới ồ ạt mọc lên trong khi hạ tầng giao thông không được cải thiện, khiến cho cuộc sống người dân luôn trong tình trạng ngột ngạt.
Hàng ngày việc di chuyển trong nội đô gần như là bế tắc, lý do một phần cũng là do các cơ quan công quyền, các trường đại học vẫn còn cố thủ ở nội đô. Trong khi cơ sở hạ tầng, đường sá không thể sinh ra hoặc mở rộng thêm được, nên sẽ xảy ra tình trạng phát triển lệch lạc về mật độ là điều tất yếu.
Xem chi tiết tại đây.
Hanco 3 có quyền phá bỏ 150 căn hộ tái định cư không người nhận?
Liên quan đến 3 tòa nhà với 150 căn hộ tái định cư bỏ hoang hơn 10 năm nay tại hộ ở khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), trước đề xuất phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà của chủ đầu tư, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch đối với hai phương án. Một là, cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội. Hai là, phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.
Ông Vũ Ngọc Đạm – Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, lý do chủ đầu tư mong muốn phá bỏ tòa nhà là vì không có thang máy, nên không phù hợp với điều kiện hiện nay. Chủ đầu tư muốn phá bỏ 3 tòa nhà này xây dựng chung cư thương mại cao tầng. Việc này được thực hiện theo chủ trương của thành phố đặt hàng nhà thương mai để tái định cư các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Về việc 3 tòa nhà 6 tầng, với hơn 150 căn hộ bị bỏ hoang hơn 10 năm nay ông Đạm cũng giải thích rằng: “Các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường không đồng ý tái định cư bằng nhà, mà họ đòi tái định cư bằng đất. Vướng mắc của việc giải phóng mặt bằng làm đường là như vậy”.
Dự án mở rộng tuyến phố Sài Đồng cũng án binh bất động, đến nay chưa được triển khai.
Đề xuất phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư này đang được dư luận thủ đô rất quan tâm. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện phá bỏ như vậy sẽ gây lãng phí lớn. Nêu về nguồn vốn thực hiện dự án, vị Trưởng phòng Phát triển đô thị cho hay, chủ đầu tư bỏ toàn bộ số tiền ra xây dựng 3 tòa nhà này với mục đích tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Chủ đầu tư đã được cổ phần hóa, toàn bộ số tiền của nhà nước đã được rút ra.
Xem chi tiết tại đây.
Bán nợ xấu: Ngân hàng lo BĐS thế chấp bị định giá thấp, "khoảng tối" phía sau lại bị đánh giá cao
Quy định về cho phép đấu giá công khai nợ xấu là quy định tốt, đúng nguyên tắc thị trường. Nợ xấu khi được công khai đấu giá là điều nên mừng vì từ đó thị trường sẽ minh bạch hơn. Tôi cho rằng, khi thông tin nợ xấu bị lộ ra sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế, chỉ có điều các ngân hàng cần kiểm soát tốt thông tin để không gây tác động đến chính mình.
Thực ra, trước đây nhiều ngân hàng không muốn bán nợ xấu một phần do sợ lộ khoản nợ xấu khổng lồ. Nhưng việc đoán định đằng sau những khoản nợ còn những khoảng tối nữa đã xuất hiện trong tư duy logic của nhiều người. Và đến nay, khi công khai thông tin lộ ra chủ nợ và con nợ vẫn khiến thị trường sốc.
Ví dụ khi phát hiện ra khoản nợ xấu khủng của ngân hàng thì đó là nguồn tin xấu. Dư luận sẽ đồn đoán rằng, các ngân hàng nợ rất nhiều, có thể sập đến nơi, ngân hàng này đổ vỡ thì ngân hàng kia ngã theo do sở hữu chéo lớn... Tóm lại không tránh khỏi làn sóng lo lắng trong xã hội. Trường hợp xấu là toàn hệ thống khi đó sẽ xảy ra rúng động, lúc đó sẽ khó kiểm soát.
Xem chi tiết tại đây.
Làn sóng M&A bất động sản và câu chuyện của những cơ hội, Kỳ 2 Nội – ngoại “so găng”
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong nước mà còn phải đối mặt trước "cuộc giành giật" khốc liệt từ khối ngoại, với những công ty, tập đoàn có tiềm lực rất lớn về cả vốn, công nghệ và kinh nghiệm.
Song, xét tổng thể bức tranh chung về các hoạt động M&A trong năm vừa qua, dễ dàng nhận thấy ưu thế vẫn thuộc về các doanh nghiệp trong nước, do họ có khả năng tiếp cận quỹ đất tốt hơn, nắm rõ môi trường kinh doanh trong nước hơn, từ đó giúp tiết kiệm thời gian thực hiện thương vụ.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất độc sản độc lập cho rằng: “Trong năm 2017, chúng ta đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám và có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Trong sân chơi M&A, lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp ngoại là vốn, kinh nghiệm quản trị và kinh nghiệm phát triển dự án quy mô quốc tế. Ngược lại doanh nghiệp nội có ưu thế về tính địa phương: am hiểu con người, văn hoá, phong tục, tập quán, thủ tục làm ăn bản địa”.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tư vấn, thẩm định giá - CBRE Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, nhà đầu tư trong nước vẫn chiếm phần lớn số lượng giao dịch chuyển nhượng. Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng các nhà đầu tư ngoại ngày càng tích cực tham gia vào thị trường hơn. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2017, các khách mua nước ngoài chiếm đến 68% tổng giá trị giao dịch.
Xem chi tiết tại đây.