Khi xây dựng báo cáo Đánh giá tác động môi trường cần tham vấn cộng đồng dân cư
Tham vấn cộng đồng khi xây dựng báo cáo Đánh giá tác động môi trường sẽ giúp người dân được tham vấn, biết được những tác động của dự án đến với đời sống của mình, đồng thời sẽ chấp nhận và kiểm tra việc thực hiện dự án của chủ đầu tư. Từ tháng 7/2019, quy định này cụ thể hơn theo đúng hướng dẫn của Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Về quy trình, việc tham vấn ý kiến của Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện theo trình tự các bước. Đầu tiên, chủ dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án kèm theo văn bản đề nghị cho ý kiến theo Mẫu số 01, Phụ lục VI, Mục I ,Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Sau đó, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án có văn bản phản hồi theo Mẫu số 02, Phụ lục VI, Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chủ dự án, hoặc không cần có văn bản phản hồi trong trường hợp chấp thuận việc thực hiện dự án.
Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng theo Mẫu số 03, Phụ lục VI, Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Thực tế, một số dự án do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, trong quá trình triển khai chưa chú trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, hoặc lấy ý kiến người dân không đầy đủ, không đúng quy trình, thành phần. Điều này dẫn đến việc người dân không đồng thuận, thậm chí yêu cầu di dời đi nơi khác, hoặc tạm dừng hoạt động, vì cho rằng dự án đó ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của dân cư trong vùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nại đông người, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và môi trường thu hút đầu tư tại một số địa phương.
Dẫn chiếu những quy định trên, phóng viên Reatimes đã trực tiếp khảo sát dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang (Nghi Sơn, Thanh Hóa) để làm rõ thêm những nhận định xung quanh việc thực hiện quy trình đánh giá tác động môi trường của dự án. Bên cạnh đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp đảm bảo môi trường trong quá trình thực hiện dự án phù hợp với quy định, hợp lòng dân.
Hơn 100 người dân kiến nghị di dời dự án
Mải chăm luống rau ngoài vườn, ông L.M.L. (thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường, TX. Nghi Sơn, Thanh Hóa) ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các vị khách lạ. Lão nông ở cái tuổi “gần đất xa trời” nở nụ cười trên khuôn mặt hằn dấu vết thời gian.
Ông lão kể câu chuyện với giọng rầu rĩ: “Mấy đêm nay tôi chẳng thể ngon giấc từ khi nghe tin Tổ hợp hóa chất Đức Giang sắp sửa xây dựng nhà máy trên phần đất của xã Tân Trường (Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Chẳng phải riêng tôi mà nhiều người cũng lo lắng khi nhà máy hóa chất sắp đặt trên đầu nguồn nước. Lỡ xảy ra chuyện ô nhiễm môi trường sau khi nhà máy đi vào vận hành thì toàn bộ hàng trăm hộ dân trong thôn sẽ hết đường sống. Tôi ở cái tuổi này rồi thì chết sống lúc nào không hay. Nhưng bọn trẻ ở cái vùng này đang tuổi ăn tuổi lớn, không lo không được”, ông L. băn khoăn.
Cùng chung tâm trạng nói trên, ông C.V.T. (người dân thôn Lâm Quảng) bày tỏ lo lắng: "Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều sử dụng nước giếng khoan. Nếu công tác bảo vệ môi trường không đảm bảo khi dự án đi vào hoạt động thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm là rất lớn. Thời gian qua, bài học từ nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường vẫn còn đó và để lại hệ lụy cho đến ngày nay. Do đó, người dân cần được biết việc đánh giá tác động môi trường sau khi dự án đi vào hoạt động".
Băn khoăn lo lắng của ông L.M.L. cũng chính là nỗi trăn trở của hơn 100 người dân thôn Lâm Quảng (Tân Trường, Nghi Sơn). Cũng vì nỗi bất an thường trực trong suy nghĩ, nên nhiều người dân thôn Lâm Quảng đã quyết định gửi đơn kiến nghị tập thể tới cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xem xét việc chấp thuận chủ trương dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang.
Trong đơn kiến nghị, người dân cho biết: “Dự án được chấp thuận chủ trương nhưng chưa công khai lấy ý kiến bàn bạc của người dân sinh sống xung quanh khu vực này, đặc biệt là vấn đề đảm bảo môi trường sống sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Dự án nằm cạnh hồ chứa nước Khe Sâu - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân trong vùng và nước tưới sản xuất cho 3ha đất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu nhà máy đi vào hoạt động.
Luận chứng đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng nhà máy hóa chất trên đầu nguồn nước sinh hoạt của nhân dân chưa được đánh giá, thông báo, lấy ý kiến người dân. Trữ lượng sản xuất của nhà máy và tác động tới môi trường ra sao, chưa được đánh giá đúng mức”, đơn kiến nghị của các hộ dân nêu rõ.
Để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe hơn 100 người dân, đề nghị cơ quan có thẩm quyền di dời vị trí dự án xây dựng nhà máy với 3 lý do: “Nhà máy đặt đầu nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Vị trí nhà máy gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn. Mặt bằng, vị trí đặt nhà máy cao hơn khu dân cư, tiềm ẩn rủi ro về môi trường”, đơn kiến nghị của người dân nêu rõ.
Ông Lường Văn Sỹ, trưởng thôn Lâm Quảng cho hay, trước những băn khoăn của người dân, đại diện chính quyền địa phương, Công ty hóa chất Đức Giang đã tổ chức họp mặt và ghi nhận đề xuất kiến nghị của đại diện các hộ dân.
“Người dân luôn chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, riêng dự án nhà máy hóa chất Đức Giang, nhiều người dân lên tiếng phản đối vì vị trí nhà máy đặt gần nguồn nước sinh hoạt của người dân và khu dân cư. Tại buổi đối thoại cách đây không lâu, lãnh đạo địa phương đã tiếp thu kiến nghị của bà con và hứa xem xét kiến nghị của người dân”, vị trưởng thôn cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên, vị trí nhà máy được chấp thuận chủ trương đầu tư nằm ở xã Tân Trường và Tùng Lâm, hiện đang được Công ty Anh Phát, san lấp hoàn trả mặt bằng. Khu vực này gần hồ Khe Sâu - nơi cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của khu dân cư. Vị trí dự án nhà máy đặt gần nguồn nước có độ dốc và cao khoảng 10m so với mặt bằng khu dân cư.
Được biết, dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang do công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Nghi Sơn làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hồi tháng 6/2020 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Diện tích sử dụng dự án 30ha. Công suất thiết kế 136.000 tấn hóa chất/năm. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp gồm: Xút (NaOH), Axits HCL, Axits H3PO3, PAC, các hợp chất chứa CL. Dự kiến, dự án hoàn thành vào đi vào hoạt động tháng 9/2022.
"Đề nghị điều chỉnh vị trí nhà máy là không có cơ sở"?
Được biết, tại hội nghị đối thoại với các hộ dân thôn Lâm Quảng hồi đầu tháng 8/2018, lãnh đạo TX. Nghi Sơn, lãnh đạo Công ty Đức Giang và Công ty Anh Phát đã thông qua quy trình sản xuất, mức độ ảnh hưởng và cam kết về quy trình hoạt động của nhà máy. Tuy nhiên, người dân không thống nhất, đồng đề nghị giải quyết các nội dung kiến nghị nêu trên.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho hay: "Nội dung kiến nghị không chấp thuận cho Công ty hóa chất Đức Giang xây dựng nhà máy tại khu vực đã được phê duyệt vì vị trí nhà máy đặt gần khu dân cư, vượt quá thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã. Các ý kiến của nhân dân đã được lãnh đạo UBND TX. Nghi Sơn, xã Tân Trường truyên truyền, giải thích nhưng nhân dân chưa đồng thuận".
Trong khi đó, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho rằng, việc người dân kiến nghị điều chỉnh dự án nhà máy là không có cơ sở.
"Vị trí dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang nằm trong Khu công nghiệp số 15 - Khu kinh tế Nghi Sơn, với tính chất thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghiệp nhựa, hóa chất, giấy, dệt nhuộm và các ngành công nghiệp phụ trợ. Do đó, việc chấp thuận chủ trương dự án là phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018 về điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.
Vị trí thực hiện dự án cách xa khu vực hồ nước Khe Sâu (khoảng 1km), do đó, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước của hồ Khe Sâu. Việc đề nghị điều chỉnh vị trí nhà máy là không có cơ sở thực hiện. Mặt khác, Khu công nghiệp số 15 hiện nay đã kêu gọi được Chủ đầu tư xây dựng (Tổng Công ty đầu tư và xây dựng Anh Phát) nên trong quá trình triển khai sẽ thực hiện di chuyển toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và có phương án bố trí tái định cư".
Cũng theo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, hiện dự án được Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa thẩm định dây chuyền công nghệ. Mặt khác, trước khi dự án đi vào khởi công xây dựng, chủ đầu tư phải lập hồ sơ, thủ tục đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và đất đai, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chưa tham vấn cộng đồng dân cư về đánh giá tác động môi trường
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục II, Mục I, ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường thì dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại xã Tân Trường, và Tùng Lâm thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng liên quan tới vụ việc trên, mới đây thị xã Nghi Sơn đã có văn bản gửi UBND xã Tùng Lâm, Tân Trường và Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang về việc thực hiện các nội dung theo quy định về bảo vệ môi trường đối với dự án nói trên, trong đó nói rõ: "Yêu cầu xã Tân Trường, Tùng Lâm khi nhận được văn bản in ý kiến tham vấn cộng đồng về nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án số 1, tổ hợp hóa chất Đức Giang và báo cáo đánh giá tác động môi trường, cần nghiên cứu kỹ, đặc biệt là các nội dung về đánh giá, dự báo tác động môi trường của dự án và đề xuất các biện pháp, ứng phó với sự cố môi trường để có ý kiến phản hồi...
UBND xã Tân Trường phối hợp với Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tổ chức đối thoại với các hộ dân thôn Lâm Quảng, yêu cầu công ty làm rõ các nội dung về đánh giá tác động môi trường của dự án và các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố môi trường để giải thích, giải trình trước các hộ dân....", văn bản nêu.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Tân Trường và thị xã Nghi Sơn cho hay, đến nay, địa phương chưa nhận được văn bản xin ý kiến tham vấn cộng đồng về nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án số 1, tổ hợp hóa chất Đức Giang.
Khi được hỏi về quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, ông Nguyễn Quốc Trung, phụ trách dự án cho hay: "Quy trình đánh giá tác động môi trường của dự án có 2 bước. Bước đầu là đánh giá sơ bộ để cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án. Bước thứ 2 là phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi triển khai xây dựng. Hiện nay, dự án đã thực hiện bước 1 (đánh giá tác động môi trường sơ bộ). Theo quy định trước khi triển khai xây dựng thì phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Việc này chúng tôi đang tiến hành làm, chờ phê duyệt"..
Giải đáp băn khoăn về việc tham vấn ý kiến người dân của người dân khi thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án, ông Trung không trả lời.
Dư luận đang chờ đợi câu trả lời thỏa đáng của các cấp chính quyền, chủ đầu tư dự án trong việc làm rõ những kiến nghị của người dân xung quanh về việc di dời dự án xa khu dân cư, trong đó có việc làm rõ đánh giá tác động môi trường của dự án…
Bên cạnh đó, UBND TX. Nghi Sơn và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong việc thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.