Và nói đến một tôn giáo, ta phải nắm được tinh thần cốt lõi của tôn giáo đó.
Tôi thường hay nói đến Việt Nam như một quốc gia có tinh thần hiếu hòa chẳng hạn. Vậy tinh thần đó đặt trên nền tảng nào? Đó là dân tộc lấy hiếu nghĩa làm đạo, đạo xử thế.
Chúng ta nói đến Phật giáo, Phật giáo lấy tinh thần gì làm cốt lõi? Câu trả lời rất chính xác, đạo Bụt lấy tinh thần VÔ NGÃ - VỊ THA làm đầu và được đặt trên nền tảng của LÒNG TỪ BI.
Đó là tinh thần của đạo Bụt. Tất cả những gì liên quan đến đạo Bụt đều không ngoài tinh thần đó. Và chừng đó đã nói lên tất cả những gì liên quan đến đạo Bụt đều tốt đẹp.
Vô ngã là quên mình, vị tha là vì người. Không học được cái cách để quên mình, chúng ta chớ vội nói là vì người.
Chúng ta thường có khuynh hướng thích đề cao mình (ngã) và những gì thuộc về mình (ngã sở). Đây là hình thể tôi, tên tôi, dung nhan sắc đẹp của tôi, hiểu biết của tôi. Thay vì khuynh hướng hướng nội để đào sâu vào bên trong chiều sâu tâm thức, chúng ta lại nhìn vào cái tôi để tự hào và đề cao rồi chấp vào đó, sinh ra so sánh hơn thua, được mất, tốt xấu...
Bụt dạy, vạn vật nương vào nhau mà hình thành, không có gì trong vũ trụ này mà một nhân độc lập tự nó có thể đưa đến quả. Ví dụ ta chỉ vào hạt lúa, hạt lúa là một nhân. Nếu hạt lúa đứng một mình mà không cần gieo vào đất, không cần độ ẩm, khòng cần nước, không cần thời gian... mà có thể đưa đến cây lúa không? Điều đó là không. Vì ngay khi ta chỉ vào hạt lúa, thì hạt lúa cũng đã là quả của cây lúa qua quá trình hình thành từ nhiều yếu tố.
Bụt dạy, nhỏ như hạt cát cũng không thể tự nó có thể tự hình thành mà không cần các yếu tố khác. Khi ta nói về ta chẳng hạn, ta là một cá thể, ta có phải tự dưng hình thành được không? Không. Ta tồn tại trong tương quan của vô số các yếu tố khác đang cùng tồn tại trong ta và ngoài ta, xa và gần. Ví dụ từ ngày ta sinh ra, quay ngược về 9 tháng 10 ngày mẹ mang thai, ta là cái gì? Và lùi về trước nữa, ta là ai trong cha và mẹ?
Khi ta vừa cất tiếng khóc chào đời, ta là ai? Khi cô giáo cầm tay ta tập viết những nét bút đầu tiên, lúc đó chữ viết của ta là gì? Khi ta bắt đầu tập đọc, dòng tư duy của ta lúc đó là ai với bây giờ? Ta không lớn lên "một mình".
Nhìn sự vật, nhìn vạn pháp, hay nhìn vào chính mình, nếu ta đề cao có một cái ngã riêng biệt, là ta, mà quên đi tính tương tác của các pháp tồn tại làm nên nhau và có mặt trong nhau là một ảo tưởng, một sai lầm. Khi quá đề cao mình, và chỉ thấy có mình, ta không nhận chân được "thực tướng" vốn là "vô tướng" của các pháp.
Vô tướng là không có một cái tướng cố định. Nếu có cái tướng cố định thì tinh cha và huyết mẹ sao thành ta hôm nay. Nếu cái tướng của ta cố định thì đứa bé lúc chào đời là ta thủa đó làm sao thành tôi, thành con người của ngày hôm nay.
Do vậy, dính mắc vào tướng, vào ngã, vào cái ta và xem nó như là thứ biệt lập với những gì ta thấy, ta nghe và ta nhận biết quanh ta, để tự hào về mình và đề cao mình đó chỉ là ảo giác, không thực. Khi ta dính mắc vào thứ không thực, chứa đựng sự sai lầm từ trong nhận thức, ta không thể dấn thân vì người khác được. Người khác, hay vô số các yếu tố đang tồn tại quanh ta, đó chính là thứ không tồn tại biệt lập ngoài ta, mà là thứ đang làm nên ta.
Vì dụ ta nâng cốc nước chẳng hạn, khi ta chưa uống, ta nhận thức nó là trong ta hay ngoài ta, nó làm nên ta hay chẳng bao giờ dính dáng đến ta? Với người học tinh thần vô ngã, nước đó có ngoài ta mà cũng có trong ta, nó làm nên ta, nó là ta.
Nhận thức như thế, ta không thấy cốc nước kia tồn tại biệt lập với ta. Ta sống là sống cho cốc nước. Ta giữ sự trong sạch cho nước chính là giữ sự trong sạch cho ta.
Khi nhìn hay nghĩ đến một người bên ta hay quanh ta, khi nào ta còn nhìn người đó như là một người chẳng bao giờ dính dáng gì đến ta, vì họ ở ngoài gia đình ta, ở ngoài dân tộc ta, là cái thấy của ta còn chứa đầy ảo giác.
Vô ngã là cái thấy chứa đầy tuệ giác chính xác về thực tại như nó đang là. Vì vậy người học Bụt dấn thân hành động vì người, vì cộng đồng và nhân loại và muôn loài mà không thấy mình làm vì ai cả. Họ đang làm vì chính họ. Đơn giản vì họ học được cái cách biết quên mình (vô ngã).
Họ phụng sự mà không phải vì nhân danh Bụt hay khái niệm tôn vinh một tôn giáo nào cả. Tôn giáo chính xác của họ là thực tại vô ngã. Họ hành động vì lòng từ bi dâng trào trong trái tim họ, thôi thúc họ.
Nhân danh lòng từ bi, vô ngã và vị tha đó hành trình tâm linh đích thực mà một người học Bụt dấn thân cho sự tốt đẹp của mình và của người.