Aa

Hiếu và họa

Thứ Ba, 14/07/2020 - 07:00

Các cụ ta xưa bảo mỗi người chỉ cần ba thước khi nằm xuống, xem ra có phần... kiệt sỉ hơn các tiêu chuẩn của con cháu bây giờ nhiều lắm. Bây giờ là thời buổi “chết được ở biệt thự”...

Thấy có chữ họa, hẳn nhiều người nghĩ tôi sắp sửa nói đến ma túy? Xin thưa, ma túy “đăng quang” ngôi quốc nạn từ khi nó ra đời. Vậy thì chỉ còn tham nhũng buôn lậu? Cũng trật nốt. Hai thứ đó cùng với bệnh AIDS tuy muộn hơn nhưng cũng chiếm vị trí đầu bảng từ lâu. 

Ngoài ra còn có thể kể thêm quốc nạn ăn thịt thiên địch của chuột, buôn bán động vật quý hiếm, nông nổi đưa ốc bươu vàng để nhà nhà “làm giàu” đến nỗi suýt khiến xã tắc nghiêng ngửa. Những tai họa đó ở đây cũng không xét đến.

Tôi đang nói chuyện họa từ quan niệm sai về chữ "hiếu".

Chả là mỗi lần có điều kiện về quê, là mỗi lần được nghe bà con kêu ca chuyện đất cát. Ở nhiều nơi, cái “xiềng ba sào” một thời đã xiết vào thêm một đốt, chỉ còn hai. Chỗ nào cũng kêu chật chội, thiếu đất. Đất trở thành nỗi thèm khát của những gia đình quây nhau lại như quây vịt trong một mảnh vườn khiến anh em ruột mà đối xử với nhau còn quá người dưng nước lã. 

Khổ nhất là những gia đình có đông con trai. Vì thiếu đất làm nhà, anh em từ mặt nhau. Nhiều người bí quá hóa cùn, hễ cứ thấy làng còn chỗ nào hở ra là mang gạch đến quây liều, sẵn sàng làm Chí Phèo thời hiện đại.

"Trong khi người sống cứ ít đất dần, thì người chết xem ra ngày càng… rộng rãi hơn!..." (Ảnh: Internet)

Thiếu đất canh tác, thiếu đất ở, là một thực trạng ngày càng nhức nhối của người dân nông thôn. Chuyện này không có gì phải úp úp mở mở. Nhưng một thực trạng khác cũng vô cùng sống động, đang hiện hữu như một nghịch lý nhà quê mà ít được quan tâm: Trong khi người sống cứ ít đất dần, thì người chết xem ra ngày càng… rộng rãi hơn! 

Các cụ ta xưa bảo mỗi người chỉ cần ba thước khi nằm xuống, xem ra có phần... kiệt sỉ hơn các tiêu chuẩn của con cháu bây giờ nhiều lắm. Bây giờ là thời buổi “chết được ở biệt thự”, ba thước chỉ to hơn cái chiếu, làm sao mà đủ được.

Làng trông nhếch nhác, bừa bộn, sộc sệch do thiếu quy hoạch, hôi hám bởi rác thải vứt bừa bãi… bao nhiêu, thì bãi tha ma sạch mắt, sang trọng, trưởng giả bấy nhiêu. Có thể tận mắt thấy nghịch cảnh này ở khắp nơi. Đó là một cuộc đua không có điểm dừng, đang xảy ra ở những nơi còn nghèo đói trong việc thể hiện gia thế, đức độ qua mồ mả! 

Nhà này làm to thì nhà làm sau nhất định phải cố để to hơn. Thế là cũng tòa ngang dãy dọc; cũng các kiểu mái uốn cong, chóp nhọn, cột thẳng đủ kiểu như lăng tẩm xưa; cũng đá cẩm thạch, gạch men tiêu chuẩn châu Âu; cũng hai tầng, ba tầng… cứ như là người ta sống chỉ chờ đến ngày chết! 

“Nhà kia lỗi phép con khinh bố” khi các cụ còn sống lay sống lắt vì chả được ai chăm sóc. Nhà nọ lúc chạnh choẹ vợ chửi chồng, mắng nhiếc cha già mẹ héo như hát hay ngày này sang tháng khác điếc tai cả làng. Ấy thế mà khi âm dương cách biệt, người chết từng chết dở khi sống còn có mả biệt thự, thì cớ gì kẻ được tiếng là hiếu nghĩa, có học lại tiếc các đấng sinh thành dăm tấn thóc! Con gà còn tức nhau vì tiếng gáy nữa là chuyện báo hiếu. Cứ thế, dần dần mỗi làng có cả một thành phố âm phủ hiện đại.

Nạn này nghĩ mãi không đặt được tên, tạm gọi “nạn báo hiếu”.

Báo hiếu chưa tròn, cha mẹ còn đâu... (Ảnh: Internet)

Thực tế đã cho thấy không ít nhà tán gia bại sản vì mồ mả. Nhiều nhà, anh em, con cháu tan đàn xẻ nghé chỉ vì chuyện đóng góp để xây nghĩa trang gia đình bề thế hơn người. Chính vì mồ to mả lớn mà đất cho người sống vốn đã chật, mỗi ngày càng chật thêm. Mà đã cấp đất cho người chết coi như biếu luôn cho Diêm Vương. Bằng mắt thường cũng thấy âm ty ngày ngày cứ lấn dần trần gian.

Chết là về với tổ tiên, với thần Phật, làm sao để hành lý mang theo càng nhẹ càng tốt, càng sớm tới bờ tới bến. Không có bậc cha mẹ nào khi chết lại còn muốn làm khổ con cháu và người sống. Thế mà vì hiểu sai chữ hiếu, chính con cháu đang bắt các cụ gánh thêm cái tiếng xấu là chết vẫn chưa hết tham lam, cứ luẩn quẩn, trì níu mãi bởi cái xác phàm, chả bất hiếu lắm sao? 

Báo hiếu như vậy có khác nào báo hại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top