Hình dung về hành trình du lịch Bắc - Nam trong tương lai và cơ hội cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Hình dung về hành trình du lịch Bắc - Nam trong tương lai và cơ hội cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 01/11/2024 - 06:30

Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2017 - 2019, thu hút du khách quốc tế bởi vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú. Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 cùng với thiên tai và biến động kinh tế toàn cầu đã khiến ngành du lịch "đóng băng" trong một thời gian dài. Vượt qua thách thức, Việt Nam đang dần khôi phục vị thế, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt con số của cả năm 2023. Dù chịu ảnh hưởng của siêu bão Yagi, tháng 9 vừa qua vẫn ghi nhận gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.

Để ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng bền vững, hạ tầng giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2024, một trong những điểm nhấn là ưu tiên đầu tư vào hạ tầng du lịch chất lượng cao, đồng bộ tại các trung tâm và khu vực du lịch trọng điểm, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đưa ra giải pháp hạ tầng phải đi trước: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông với khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Nâng cấp, mở rộng, đẩy nhanh xây dựng mới các cảng hàng không; xây dựng cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch; cải thiện nhanh hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch...

Việc nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, cảng biển, và đặc biệt là đầu tư vào đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sẽ kết nối các thành phố lớn, tạo bước đệm vững chắc cho du lịch Việt Nam cất cánh. Dự án này hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng, hiện đại và đầy tiềm năng cho du lịch nước nhà.

Trong cuộc trò chuyện với Reatimes, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành du lịch thông qua nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19. Đáng chú ý là Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023, định hướng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch một cách toàn diện và lâu dài, cùng với Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024, thúc đẩy du lịch toàn diện và bền vững.

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam quyết tâm phục hồi mạnh mẽ, đặt mục tiêu đạt và vượt qua những thành tựu đã ghi nhận trong năm 2019, thời điểm du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc. Để đạt được mục tiêu này, một trong những yếu tố cốt lõi là đầu tư hạ tầng, thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa các điểm đến trong nước và quốc tế.

Theo ông Vũ Thế Bình, trong lĩnh vực vận chuyển du lịch, hàng không hiện là phương tiện then chốt. Việt Nam, với sự phát triển của năm hãng hàng không nội địa và sự tham gia của nhiều hãng hàng không quốc tế, đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu kết nối bằng đường không cho khách du lịch. Tuy nhiên, với đặc điểm lãnh thổ trải dài, các điểm đến du lịch nằm rải rác từ Bắc vào Nam, nên bên cạnh hàng không, việc kết nối bằng đường bộ và đường sắt cũng là lựa chọn phù hợp, giúp tạo thuận lợi cho du khách di chuyển linh hoạt giữa các điểm đến.

Ông Bình cho biết: "Ngành du lịch rất vui mừng khi chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thống nhất. Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước mà còn mang đến động lực to lớn cho ngành du lịch, mở ra cơ hội kết nối, khai thác các giá trị thiên nhiên và văn hóa dọc theo tuyến đường".

Hiệp hội Du lịch kiến nghị phát triển một số nhà ga thành các điểm dừng chân hiện đại, tích hợp với các dịch vụ du lịch như khu thương mại, không gian văn hóa và ẩm thực.

"Những nhà ga này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn có thể trở thành điểm đến thu hút du khách, nơi họ được trải nghiệm những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của văn hóa và con người Việt Nam", ông Bình cho hay.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ông từng trải nghiệm tàu cao tốc ở Nhật Bản và cảm nhận rõ sự tiện lợi, thoải mái mà loại hình giao thông này đem lại.

Theo ông, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội trong đó có du lịch. Các tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ kết nối được các điểm du lịch dọc chiều dài đất nước, từ đó đem lại nguồn khách dồi dào cho các địa phương.

PGS.TS Phạm Hồng Long đánh giá: "Ngành du lịch là lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên phát triển theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch Việt Nam vẫn chưa được khai phá trọn vẹn do hạn chế về hạ tầng, trong đó đường sắt là một trong những điểm yếu lớn. Để du lịch phát triển bền vững, cần đảm bảo các yếu tố như ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí và mua sắm. Trong đó, giao thông thuận tiện đóng vai trò then chốt, giúp du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đến. Đường sắt tốc độ cao, với khả năng vận chuyển lượng lớn hành khách an toàn và hiệu quả, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán giao thông, thúc đẩy du lịch Việt Nam bứt phá".

Với trải nghiệm đường sắt tốc độ cao tại nhiều quốc gia, chuyên gia này còn nhận thấy, trên thế giới, các quốc gia phát triển đều coi đường sắt là phương tiện chủ lực cho vận tải hành khách, không chỉ vì năng lực chuyên chở mà còn bởi tính an toàn và đúng giờ. So với hàng không, thường chịu ảnh hưởng từ thời tiết và các yếu tố ngoài ý muốn, trong khi đó đường sắt mang lại sự ổn định và đáng tin cậy hơn, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch di chuyển. Như vậy, khi Việt Nam phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đây sẽ là cú hích quan trọng để kết nối các điểm du lịch trên toàn quốc.

PGS.TS Phạm Hồng Long cho hay: "Nhiều điểm đến trên tuyến du lịch Bắc - Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận do tần suất các chuyến bay không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi hạ tầng giao thông đường bộ còn bất cập. Khi tuyến đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, nó sẽ mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển các điểm đến du lịch, nâng cao khả năng kết nối và giúp hành trình Bắc - Nam trở nên dễ dàng hơn cho du khách. Đặc biệt, những địa điểm du lịch hiện chưa được khai thác do hạn chế về hạ tầng giao thông sẽ có cơ hội phát triển".

Xét từ góc độ của khách du lịch, việc di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao không chỉ nhanh chóng mà còn mang lại sự tiện lợi, an toàn và tiết kiệm chi phí. Du khách có thể chọn các chặng dừng linh hoạt dọc đường, dễ dàng tham quan từng điểm đến mà không bị gò bó như khi sử dụng các phương thức vận chuyển khác.

Nhiều người dự đoán, với chi phí xây dựng lớn, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chắc chắn sẽ rất đắt đỏ. Giá vé cao sẽ khiến tàu cao tốc khó cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, đặc biệt là máy bay. Được biết, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông (giá vé bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet). Vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với mức độ tiện nghi khác nhau. Sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: Vé hạng nhất (khoang VIP) 6,9 triệu đồng. Hạng 2 là 2,9 triệu đồng. Hạng 3 là 1,7 triệu đồng.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng: "Giá vé thấp hay cao không phải là vấn đề quá quan trọng. Khi du khách cân nhắc giữa các yếu tố như tiện lợi, thời gian, tính an toàn và chi phí, họ sẽ xem xét kỹ lưỡng loại hình giao thông nào là thuận lợi nhất cho hành trình du lịch của họ. Chẳng hạn, một hành khách từ Ninh Bình muốn đến TP.HCM sẽ phải di chuyển bằng ô tô lên Hà Nội trước khi bay vào TP.HCM. Tuy nhiên, nếu có đường sắt tốc độ cao, họ chỉ cần lên tàu tại Ninh Bình và sẽ đến TP.HCM một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều. Đây cũng sẽ trở thành áp lực cho tất cả các loại hình giao thông khác bao gồm đường bộ, đường không và đường sắt".

Chuyên gia cũng cho rằng, sự cạnh canh gay gắt giữa các loại hình giao thông đồng nghĩa với việc du khách sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ vận chuyển tốt, với mức giá và chất lượng phù hợp hơn, họ sẽ là đối tượng hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.

"Sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao, bên cạnh những lợi ích to lớn, cũng đặt ra một số thách thức nhất định. Điển hình là việc gia tăng đột biến lượng khách du lịch tại một số điểm dừng quan trọng như Đà Nẵng hay Nha Trang. Điều này tạo áp lực không nhỏ lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch hiện có. Các địa phương này sẽ phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách với việc bảo tồn cảnh quan và bản sắc văn hóa địa phương. Đây vừa là cơ hội để ngành du lịch bứt phá, vừa là thách thức đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng hạ tầng", PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh thêm.

Theo giới phân tích, bên cạnh là bệ đỡ cho ngành du lịch, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là một phương tiện di chuyển hiện đại, tuyến đường sắt này còn là cầu nối quan trọng, mang lại sức sống mới cho những địa phương vốn ít được chú ý, biến chúng thành những điểm dừng chân tham quan, lưu trú đầy hấp dẫn cho du khách. Mặt khác, các khu nghỉ dưỡng trước đây im ắng, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cũng sẽ "thức giấc" và hồi sinh khi lượng khách đổ về ngày càng đông. Những bãi biển tuyệt đẹp, những khu rừng xanh mướt, hay những danh lam thắng cảnh hùng vĩ sẽ trở thành những điểm đến không thể bỏ lỡ khi tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.

Cơ hội quý giá này đặt ra cho các địa phương dọc tuyến đường sắt một bài toán về phát triển. Để nắm bắt thời cơ, mỗi địa phương cần có chiến lược rõ ràng, tập trung xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách và nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Nguyễn Trãi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang đến cơ hội phát triển vượt bậc cho du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Tuyến đường sắt này không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn tạo nên "hành lang vàng" khai thác tiềm năng du lịch dọc theo tuyến. Với chiều dài hơn 1.541km, dự án hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Điểm nhấn đầu tiên chính là sự thuận tiện trong di chuyển, kích thích các chuyến du lịch ngắn ngày, đặc biệt là tại các tỉnh thành như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và TP.HCM. Ông Huy dự báo lượng khách nội địa tại những địa phương này sẽ tăng trưởng khoảng 15 - 20% trong 3 - 5 năm đầu tiên sau khi tuyến đường sắt vận hành. Cơ hội phát triển kinh tế đêm cũng được mở ra với các hoạt động sôi nổi như chợ đêm, nhà hàng, quán bar, show diễn văn hóa nghệ thuật... Dự kiến, đường sắt tốc độ cao sẽ đóng góp khoảng 1 - 2 tỷ USD vào GDP mỗi năm.

Hơn nữa, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ đơn thuần là một công trình hạ tầng giao thông, mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch. Với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng khả năng kết nối liên vùng vượt trội, các dự án này hứa hẹn sẽ thu hút không chỉ du khách quốc tế mà còn cả phân khúc khách hàng cao cấp trong nước, từ đó thúc đẩy mức chi tiêu du lịch tại Việt Nam tăng trưởng đáng kể.

Đặc biệt, sự kết nối nhanh chóng và thuận tiện do đường sắt tốc độ cao mang lại sẽ góp phần gia tăng giá trị cho các bất động sản nghỉ dưỡng gần ga tàu. Uớc tính, giá trị bất động sản trong khu vực lân cận có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 2 - 5 năm đầu tiên sau khi tuyến đường sắt chính thức đi vào hoạt động.

Ông Huy nhận định: "Sự tăng trưởng này không chỉ tạo ra thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và du lịch, mà còn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân tại các địa phương dọc tuyến đường. Có thể nói, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính là cú hích vàng cho sự phát triển bền vững của du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam".

Để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển bền vững khi có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng mỗi địa phương cần chủ động quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất để đón đầu những dự án tầm cỡ quốc tế. Các tổ hợp du lịch này không chỉ cần được thiết kế để phát huy bản sắc văn hóa địa phương mà còn phải tạo sức hút độc đáo cho mỗi vùng miền, hình thành chuỗi dịch vụ liên kết và xây dựng một hệ sinh thái du lịch liên vùng mạnh mẽ. Điều này sẽ không chỉ thu hút các nhà đầu tư lớn mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch nghỉ dưỡng.

Đối với những địa phương có di sản được UNESCO công nhận, việc quy hoạch để bảo tồn và phát triển thành sản phẩm du lịch đặc sắc là vô cùng quan trọng. Các show diễn và chương trình văn hóa, nghệ thuật quốc tế phù hợp với thị hiếu du khách cũng cần được đẩy mạnh tổ chức. Điều này sẽ không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn tạo ra những điểm nhấn riêng biệt, gia tăng giá trị cho các bất động sản du lịch gần ga tàu, từ đó thu hút thêm du khách.

Để tạo ra một hệ sinh thái du lịch phong phú, mỗi địa phương cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên văn hóa và cảnh quan. Những sản phẩm này nên được liên kết chặt chẽ để hình thành một quần thể bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, giúp du khách dễ dàng khám phá vẻ đẹp của đất nước từ Bắc vào Nam. Sự khác biệt trong mỗi vùng miền sẽ tạo nên những hành trình du lịch trải nghiệm phong phú và hấp dẫn, đồng thời thu hút lượng khách quay lại cao.

Cuối cùng, yếu tố xanh cần được chú trọng trong quy hoạch bất động sản du lịch, sử dụng vật liệu và công nghệ thân thiện với môi trường. Thiết kế này không chỉ bảo vệ thiên nhiên mà còn góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến bền vững, xanh và thân thiện. Tất cả những nỗ lực này sẽ nâng cao giá trị bất động sản ven tuyến đường sắt, thúc đẩy thị trường du lịch nghỉ dưỡng phát triển.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có những tác động sâu rộng đến các khu du lịch hiện tại. Theo đó, các khu du lịch sẽ cần được nâng cấp và mở rộng hạ tầng, bao gồm hệ thống lưu trú khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, các địa phương phát triển các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mới dựa trên bản sắc văn hóa, di sản và cảnh quan đặc trưng của từng vùng miền, từ đó tạo ra một hệ sinh thái bất động sản du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, các khu du lịch mới nổi sẽ thêm nhiều cơ hội phát triển và gia tăng sức hấp dẫn thông qua những điểm dừng chân mới. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ du khách, các khu du lịch mới nổi sẽ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ hệ thống lưu trú, nhà hàng đến các dịch vụ giải trí. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Các dự án mới có thể bao gồm khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, hoặc các trung tâm thương mại, tạo ra đa dạng sản phẩm du lịch sẽ thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

"Các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gần ga đường sắt tốc độ cao sở hữu lợi thế vượt trội về vị trí, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và khách hàng, từ đó gia tăng giá trị. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao cũng đồng thời làm gia tăng cạnh tranh giữa các điểm đến. Do đó, các khu du lịch nghỉ dưỡng cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút du khách. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và phát triển cần được thực hiện một cách đồng bộ, chú trọng bảo vệ môi trường, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và văn hóa địa phương", TS. Nguyễn Văn Đính nhận định.

Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình vào ngày 13/11, thảo luận tại hội trường vào 20/11 và biểu quyết thông qua vào 30/11.

Theo tờ trình, đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh/thành; bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng; điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541km, tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỷ USD).


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top