“Không thể trì hoãn sự sung sướng!” là câu nói cửa miệng của nhân vật Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và người” do cố nghệ sĩ Hán Văn Tình thủ vai.
Cái sự sung sướng trong đời sống đúng là khó có thể hoặc là không nên, thậm chí là không thể trì hoãn có nhiều lắm. Trong đó phải kể đến cái nhu cầu tối thiểu của con người là bài tiết. Vâng, cái nhu cầu đầu ra này ở phố thị lại chẳng hề nhỏ bé tẹo nào.
Hà Nội thời hiện đại được mở rộng, sáp nhập cả tỉnh Hà Tây vào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, bởi thế phố phường luôn ứ chật cả biển người. Cái biển người đó nếu chỉ là người phố thì còn khả dĩ, bởi có đi đâu thì đường ngang, ngõ dọc họ cũng không lạ lẫm, nên nếu có cái nhu cầu “sung sướng” kia thì cách giải quyết cũng không nan giải lắm.
Những nhà vệ sinh công cộng ở những điểm quan trọng về văn hóa về di tích luôn mở cửa. Nhà những người quen. Các siêu thị. Các khu nhà cao tầng ở tầng một bao giờ cũng có nhà vệ sinh.
Một quán bia vào giờ tầm đông nghẹt khách luôn là một bãi đáp thuận tiện. Quán cà phê cũng là nơi giải quyết tốt nhu cầu đầu ra. Tất nhiên là phải xùy tiền mua một món đồ uống nào đó để hợp lý hóa.
Không ít lần tôi phải dùng cách này khi không thể chịu đựng hơn được nữa. Những lần như thế số tiền mua một món đồ uống là quá rẻ khi sự “sung sướng” được thực thi. Nói theo Chu Văn Quềnh là không thể trì hoãn và dĩ nhiên cái sự “sung sướng” kia sẽ biến thành đại thảm họa nếu không kịp thời có chỗ giải thoát.
Nhân nói đến sự kịp thời này, mới hôm nào, một người ăn mặc rất sang trọng, chắc là quá bí tiểu nên phải dừng ô tô và thực hiện cái việc cực chẳng đã ấy ngay giữa đường, chỗ dải phân cách.
Hình ảnh anh này lan truyền trên mạng như là một ví dụ của sự thiếu văn hóa, nhưng nếu nhìn nhận công bằng thì anh này chẳng qua không thể trì hoãn thêm được nữa mà thôi. Giá chỗ ấy có một nhà vệ sinh công cộng thì có các thêm tiền anh cũng chẳng dại dột thế.
Với người phố thì như vậy. Họ không thiếu cách để giải quyết cái nhu cầu đầu ra này để không ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan công cộng. Nhưng còn với những khách vãng lai thì sao? Số người này chiếm một phần không nhỏ. Họ tìm đến những nhà vệ sinh công cộng.
Tích cực là thế nhưng để tìm được một nhà vệ sinh không phải là chuyện dễ. Thế là đôi khi ta bắt gặp những cảnh thật phản cảm ở những góc khuất, gốc cây, bờ tường và cả ngay trên những đoạn phố thanh thiên bạch nhật.
Chỗ này phải nói ngay, người phố cũng không ít người thiếu ý thức, đi tiểu bừa bãi ở bất kể chỗ nào. Nhất là khu vực gần quán bia. Đám đệ tử lưu linh sau khi chén chú chén anh luôn trong tình trạng cần thải và khi đã... sương sương thì họ bất chấp.
Cả một khúc phố Phùng Hưng đoạn tiếp giáp ngõ Hàng Hương có những hàng bia vỉa hè và hầu như tất cả thực khách đều chọn bờ tường của đường tàu hỏa để tiến hành sự “sung sướng”. Những hình ảnh phản cảm ta có thể bắt gặp bất cứ chỗ nào trong thành phố nhất là ở những nơi khuất vắng như gầm cầu, vườn hoa, công viên.
Đã có những quy định xử phạt nhưng việc áp dụng chế tài không hiệu quả. Thế nên mới có những dòng chữ nguệch ngoạc viết trên tường ở một số chỗ có thể bị xâm phạm rất buồn cười. Kiểu như: “Cấm đái bậy. Đái bậy cắt…!”, “Đại tiểu tiện bậy là không có nhân cách”...
Nhiều lắm. thậm chí có cả những dòng nhục mạ nặng nề những người có hành vi "sung sướng" trái khoáy này. Nhưng có nói thế, nói nữa, viết thế, viết nữa thì cũng chẳng ăn thua. Tốt nhất là phải có giải pháp cung đủ cho cầu.
Hà Nội thực ra có không ít nhà vệ sinh công cộng. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 236 nhà xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt.
Số nhà vệ sinh này chưa thấm tháp gì nhưng nó cũng giải quyết được sự cấp bách cho những ai có nhu cầu. Nói đến nhà vệ sinh công cộng là nói đến cảm giác sợ hãi mỗi khi phải bất đắc dĩ vào đó. Nó quá bẩn. Ngoài những nơi thu tiền có nhân viên vận hành còn khả dĩ còn thì những chỗ công cộng miễn phí rất mất vệ sinh.
Mới đây xuất hiện một vài nhà vệ sinh hiện đại như nhà vệ sinh ở 38 Hàng Giầy. Nhà vệ sinh này rộng rãi ngoài phòng nam, nữ còn có phòng riêng dành cho người tàn tật. Các thiết bị ở đây hiện đại. Bước vào nhà vệ sinh này cảm giác được tận hưởng không khác gì ở những khách sạn nhiều sao cao cấp. Trả tiền để được vào những nhà vệ sinh thế này thấy thật xứng đáng.
Về lâu dài Hà Nội cần những nhà vệ sinh như thế. Nói chuyện hiện đại lại nhớ cuối năm 2013, dư luận ồn ã về dự án làm 14 nhà vệ sinh bằng thép đặt nơi công cộng với mức dự toán 15 tỷ đồng. Chẳng biết rồi cái dự án ấy sau thế nào nhưng ngay lúc đó thành phố phải cho tạm dừng trước áp lực dư luận.
Mới đây một doanh nghiệp xin được làm 1.000 nhà vệ sinh công cộng cho Hà Nội theo hình thức xã hội hóa. Họ bỏ tiền làm và đổi lại doanh nghiệp được quyền khai thác quảng cáo 10 năm ở các cầu vượt cơ giới và cầu vượt bộ hành. Các nhà vệ sinh này phải được thiết kế phù hợp và đủ tiêu chuẩn về thiết bị cũng như được duy tu, vận hành trong suốt thời gian hoạt động. Nhưng chẳng biết số phận dự án này thế nào, làm đến đâu rồi?
Tương lai, Hà Nội phải dựa vào hướng xã hội hóa để tạo ra một hệ thống nhà vệ sinh công cộng đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Một công việc chẳng hề dễ dàng.
Tôi mong ước có thật nhiều những nhà vệ sinh hiện đại như ở điểm 38 Hàng Giầy. Lúc đó cái sự “sung sướng” như cách nói của nhân vật Chu Văn Quềnh mới thật sự là không thể trì hoãn một cách ý nghĩa nhất.