Aa

Hoãn lên đặc khu, bất động sản Vân Đồn… bất động

Thứ Ba, 12/06/2018 - 14:01

Hoãn lên đặc khu, bất động sản Vân Đồn… bất động; Từ phân lô đến chung cư; Sau kiểm tra, Đồng Nai bêu tên một loạt doanh nghiệp "vẽ" dự án ma lừa khách hàng; “Bắt bài” lách thuế và huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Hoãn lên đặc khu, bất động sản Vân Đồn… bất động

Quán cà phê N. nằm ngay trung tâm thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn từng sôi động với các cuộc giao dịch đất đai tiền tỉ, chiều 9-6 khá vắng lặng. Chỉ có vài ba vị khách ngồi nhâm nhi cà phê giết thời gian. Không còn cảnh nhộn nhịp người người sôi nổi, ầm ĩ thương thảo, chào bán đất. Nhóm cò đất thường ngồi canh me bắt khách để giới thiệu các lô đất đang có nhu cầu bán cũng không còn lui tới. Một người dân cho hay từ khi có lệnh cấm chuyển nhượng đất, quán cà phê này vắng hẳn.

Thị trường đất đai chững lại, hàng loạt văn phòng môi giới đất đai ở Vân Đồn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Đ.HOÀNG.

Thị trường đất đai chững lại, hàng loạt văn phòng môi giới đất đai ở Vân Đồn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Đ.HOÀNG.

Đảo Cái Bầu, đảo chính của huyện Vân Đồn, cũng thưa vắng người. Không còn cảnh giới đầu cơ đất đai từ các nơi tấp nập đổ về. Quán nước ngay đầu cổng khu tái định cư xã Hạ Long, vốn nổi danh là một “sàn giao dịch” dã chiến, đã không còn không khí sôi động vốn có. Bà chủ quán nước ngồi buồn bã ngáp vặt, vài cò đất ngồi lặng im cả buổi, chẳng ai nói với ai câu nào.

Nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 334, văn phòng giao dịch BĐS Tuấn Địa Phát ở thôn 7, xã Hạ Long đóng cửa im ỉm nhiều ngày nay. Chạy dọc đảo Cái Bầu, các sàn môi giới đất đai vẫn dán đầy những tấm biển “bán đất”, “cần sang nhượng đất” nhưng đa số đều cửa đóng then cài.

Xem chi tiết tại đây.

Từ phân lô đến chung cư

Năm 1995, ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Công ty Nam Long hồi đó chủ trương xây dựng một khu dân cư điển hình, tiêu biểu với hàng trăm lô nền nhà phố, biệt thự gọi là Khu dự án dân cư Ngã Tư Ga (đi qua đường Nguyễn Oanh, gần cầu An Lộc, nằm ở phía đông Q.Gò Vấp, giáp với Q.12). Có thể nói, đây là khởi sự cho một loạt dự án phân lô sau này của nhiều công ty khác, thời kỳ khái niệm thị trường bất động sản (BĐS) mới manh nha.

Cho đến bây giờ, dự án ấy của công ty Nam Long vẫn đẹp với trẻ em chơi đùa ở các công viên tiểu cảnh, đường đi lối lại ngăn nắp, nhà cửa khang trang.

Tháng 3.2008, dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), hàng loạt dự án căn hộ được tăng tốc xây dựng.

Tháng 3.2008, dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), hàng loạt dự án căn hộ được tăng tốc xây dựng.

Đến năm 1997, Kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm, xét đề nghị của một số huyện như Thủ Đức, Hóc Môn đã gửi một văn bản lên lãnh đạo UBND TP.HCM đề xuất cho phép một số quận huyện làm thí điểm phân lô bán nền và được lãnh đạo TP lúc ấy ký đồng ý. Ban đầu, do là thí điểm nên chỉ triển khai nhỏ giọt. Nhưng bắt đầu từ năm 2000 thì cái văn bản ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người người, nhà nhà góp vốn mua đất ruộng, đất vườn ở các quận ven để phân lô và bán, đẩy nên cao trào của chu kỳ sốt đất đầu tiên 2000 - 2003 (tính từ lúc Việt Nam có khái niệm thị trường BĐS).

Xem chi tiết tại đây.

Lùi thông qua Luật đặc khu: BĐS Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong sẽ ra sao?

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh: "Theo quan điểm của tôi mô hình phát triển về thể chế đặc khu là tư tưởng đúng. Điều quan trọng là chúng ra làm thế nào để phát triển hợp lý”.

Phân tích về vấn đề này, GS Võ cho rằng, cân nhắc thông qua việc hình thành các đặc khu là hết sức cần thiết. Việc cấp đất 99 năm tại các đặc khu không phải là vấn đề chính, điều cần quan tâm ở đây là đặc khu sẽ phát triển thế nào sau khi hình thành. Các đặc khu cần phát triển hạ tầng công nghệ 4.0 chứ không phải là miễn giảm cái này hay cái khác.

"Thị trường bất động sản tại 3 khu vực Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong sẽ không có tác động nhiều sau quyết định này. Có chăng chỉ tác động đến những nhà đầu tư đang lướt sóng. Sau quyết định này, họ sẽ phải suy nghĩ cẩn trọng về việc có nên đổ tiền tại các đặc khu hay không. Họ sẽ cần có cái nhìn đúng đắn hơn, thận trọng hơn và dài hạn hơn khi đầu tư tại đây", ông Võ cho biết. 

Xem chi tiết tại đây.

Đổ về Hóc Môn săn nhà đất giá mềm

Loay hoay tìm kiếm suốt cả năm trời, cuối cùng chị Thu Minh cũng quyết định mua căn nhà mặt tiền 100m2, 1 trệt 1 lầu trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn với giá 2,5 tỷ đồng. Thực ra lúc đầu chị muốn mua nhà ở khu vực quận Tân Phú nhưng với mức giá trên, gia đình chị chỉ có thể tìm được nhà ở khu vực xa trung tâm. Hóc Môn là nơi được lựa chọn vì có nhiều khu vực dân cư hiện hữu và giá còn khá mềm.

Cùng là lao động nhập cư từ phía Bắc vào TP.HCM, sau 5 năm ở nhà thuê, vợ chồng anh Nguyễn Quang Thái quyết định mua lại một căn nhà cấp 4 diện tích đất 100m2 tại đường Dương Công Khi. Ngôi nhà có vị trí giáp đường Tân Thới Nhì 3, giá bán 1,4 tỷ đồng. Dù không thể so sánh với nhà ở trung tâm huyện Hóc Môn nhưng với mức giá này kèm vị trí trong khu vực dân cư, anh Thái cho rằng đây là quyết định tốt nhất cho gia đình mình.

Nhà cấp 4 nằm trong các khu dân cư được nhiều người tìm mua.

Nhà cấp 4 nằm trong các khu dân cư được nhiều người tìm mua.

Tương tự, nhiều hộ gia đình trẻ hiện cũng đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực huyện Hóc Môn để tìm mua đất thổ cư, nhà phố, nhà lẻ hiện hữu với giá từ 2,5 tỷ đổ lại. Với tầm giá này, các khu dân cư mới, gần kề trung tâm hành chính quận, đang trong giai đoạn phát triển và định hình như Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, Trung Chánh là lựa chọn tốt nhất.

Theo chia sẻ từ anh Trần Độ, môi giới tự do tại khu vực Hóc Môn, khoảng từ đầu tháng 5 đến nay, lượng khách tìm mua nhà đất giá mềm tại khu vực Hóc Môn tăng đáng kể. Chỉ tính khoảng 2 tuần gần đây, anh Độ đã giao dịch được gần chục mảnh đất thổ cư và nhà lẻ. Những tuyến đường được tìm mua nhiều là Ngã Ba Giòng, đường Dương Công Khi, Phan Văn Hớn, Tiền Lân, Nguyễn Văn Bứa và khu vực chợ Bà Điểm với tầm giá 2,5 tỷ đổ lại.

Xem chi tiết tại đây.

“Bắt bài” lách thuế và huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc

Anh Trần Văn Đức, một khách hàng mua đất nền Dự án Centana trên đường Trường Lưu, quận 9, TP.HCM cho biết, anh mua nền đất 100 m2, nhưng có điều lạ là, dù anh mua trực tiếp của chủ đầu tư, nhưng trong hợp đồng mua bán thì người bán lại là một cá nhân, chủ đầu tư chỉ đứng ở vai trò đơn vị được ủy quyền bán lại dự án và anh là người mua lại…  

Tương tự, tại Dự án chung cư Phan Văn Hớn, quận 12, TP.HCM, hàng trăm khách hàng thắc mắc tại sao họ là người mua đầu tiên, nhưng trong hợp đồng mình lại là người mua lại sản phẩm của người khác.

Khi đối chiếu các hợp đồng thì thấy chỉ có 8 người đứng tên trên tổng số hơn 300 căn hộ bán lại cho khách hàng mua và đơn vị phát triển dự án được 8 khách hàng này ủy quyền cho bán hàng.

Tình trạng đội tên người khác để bán dự án không chỉ xảy ra ở TP.HCM. Mới đây, UBND tỉnh Long An đã có kết luận thanh tra một số dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Theo kết luận, qua kiểm tra các dự án bất động sản đang triển khai, thì đa số dự án đều sai phạm, trong đó có sai phạm đứng tên người khác để bán sản phẩm như các dự án: Khu dân cư Hiệp Hòa, Khu đô thị sân bay thị xã Kiến Tường, Khu dân cư bến xe và Khu dân cư thị trấn Thủ Thừa.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đây là chiêu của doanh nghiệp địa ốc. Khi bán hàng, doanh nghiệp quảng cáo là chủ đầu tư, nhưng khi ký hợp đồng với khách lại là mua sản phẩm từ người khác, thực chất của vấn đề là chủ đầu tư đang lách luật thuế. 

Cụ thể, luật sư Phượng phân tích, nếu doanh nghiệp bán hàng cho khách thì phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, nhưng khi cá nhân bán lại hàng thì chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân 2%.

Xem chi tiết tại đây.

Sau kiểm tra, Đồng Nai bêu tên một loạt doanh nghiệp "vẽ" dự án ma lừa khách hàng

Theo CQCSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, để khách hàng tin tưởng, thời gian hơn 2 năm qua, một số đơn vị đã bán hàng bằng cách tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị... các dự án ở Đồng Nai và Long An và ký kết các dạng: "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; "Hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng bất động sản"…

Nội dung các hợp đồng thường trái với nội dung hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư. Các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Một số doanh nghiệp được cơ quan công an tỉnh này nêu ra gồm có: Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (Công ty Việt Hưng Phát), Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát (Công ty Kim Phát), Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc, Công ty Cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH Lê Hương Sơn, Công ty Long Đức Urban Land, Công ty Cổ phần Long Thuận Lộc...

Điển hình, tại Dự án khu dân cư Boulevard City nằm trên Quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do Công ty Cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh làm chủ đầu tư và sau đó chuyển nhượng một phần dự án lại cho Công ty Việt Hưng Phát.

Dự án Khu dân cư An Phước (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do Công ty Cổ phần Long Thuận Lộc làm chủ đầu tư. Sau đó công ty này đã ký hợp đồng chuyển nhượng lại 112 nền đất cho Công ty Việt Hưng Phát.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top