Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 1/6 có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 16.695 tỷ đồng trong tháng 5/2024.
Đặc biệt, trong tháng không có đợt phát hành ra công chúng nào. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 58 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 51.032 tỷ đồng và 06 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 8.5% giá trị.
Trong 19 đợt phát hành của tháng, ngành tài chính, ngân hàng có 13 đợt phát hành với tổng giá trị 9.995 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành 04 đợt với tổng giá trị phát hành 2.245 tỷ đồng. Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam có 02 đợt phát hành với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDB) có 01 đợt phát hành trị giá 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) đóng góp 01 đợt phát hành trị giá 1.500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) có 02 đợt phát hành với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có 01 đợt phát hành trị giá 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) với 01 đợt phát hành trị giá 200 tỷ đồng. Và Công ty cổ phần Kinh doanh F88 có 01 đợt phát hành trị giá 50 tỷ đồng. Tuy được xếp vào ngành tài chính, nhưng khác với lãi suất và thời gian dự kiến lưu hành của các lô trái phiếu nghành ngân hàng (quanh mức 5% - 6,5%), lô trái phiếu của F88 có lãi suất 11,5%/năm và thời gian dự kiến lưu hành chỉ trong vòng 01 năm.
Trong tháng 5, VBMA ghi nhận ngành bất động sản và xây dựng đã phát hành 5 đợt, trong đó, hệ sinh thái Vin Group chiếm 03 đượt với 6.000 tỷ đồng (Công ty cổ phần Tập đoàn Vin Group có 02 đợt, tổng trị giá 4.000 tỷ đồng và Công ty cổ phần Vin Homes với 01 đợt trị giá 2.000 tỷ đồng). 02 đợt phát hành còn lại thuộc về Công ty cổ phần IDTT trị gia 200 tỷ đồng và Công ty TNHH Hoàng Trúc My với lô trái phiếu trị gái 200 tỷ đồng.
Đặc điểm chung của các lô trái phiếu ngành bất động sản và xây dựng là mức lãi suất từ 11% - 12%/năm. Khá cao so với các ngành như chứng khoán hay ngân hàng.
Cũng theo VBMA, trong tháng 5, các doanh nghiệp đã mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 163.905 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 69.627 tỷ đồng, tương đương 42,5%.
Bên cạnh đó, trong tháng có 10 công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 8.781 tỷ đồng và 06 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 đạt 97.581 tỷ đồng, bình quân đạt 4.435 tỷ đồng/phiên, tăng 23% so với bình quân của tháng 4.
Kế hoạch phát hành sắp tới, VBMA ghi nhận kế hoạch của ngân hàng BIDV và HDB. Trong đó, Hội đồng quản trị BIDV đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 2 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 6.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Đối với HDB, Hội đồng quản trị ngân hàng này cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
Theo thông tin do Bộ Tài chính đưa ra mới đây trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng.
Để giảm áp lực nợ trái phiếu trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản theo nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ.
Trong đó kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng nêu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, tích cực triển khai quyết liệt về việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Theo đó, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần từng bước đi vào ổn định và đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây./.