Aa

Trái phiếu doanh nghiệp: Yếu tố xếp hạng và tính minh bạch thông tin là “chìa khóa” để chẩn đoán những vấn đề của thị trường

Thứ Tư, 22/05/2024 - 06:00

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay yếu tố xếp hạng và minh bạch thông tin được xem là "chìa khóa" để chẩn đoán những vấn đề của thị trường, nhất là khi thị trường đã trải qua những biến động mạnh.

Minh bạch thông tin của thị trường trái phiếu dưới góc nhìn chuyên gia

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trải qua nhiều cú sốc, việc thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, niềm tin nhà đầu tư dần sụt giảm. Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh từ cuối năm 2021 đến nay, để đạt mục tiêu nâng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP vào năm 2030, theo các chuyên gia mỗi năm quy mô thị trường của Việt Nam phải tăng trưởng bình quân khoảng 17 % cho cả giai đoạn tới. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển đạt mục tiêu đề ra, tính minh bạch, đặc biệt sự minh bạch mang tính chủ động của các tổ chức phát hành sẽ là yếu tố quan trọng. 

Đánh giá về mức độ minh bạch thông tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay, tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm", ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating cho biết, việc Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 01/01/2024 đã mang lại sự minh bạch đáng kể cho thị trường so với giai đoạn trước đây. Thị trường trái phiếu hoạt động dưới sự điều phối của Nghị định 65 có tính minh bạch lớn hơn hẳn so với giai đoạn trước.

Trái phiếu doanh nghiệp: Yếu tố xếp hạng và tính minh bạch thông tin là “chìa khóa” để chẩn đoán những vấn đề của thị trường- Ảnh 1.

Ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating. Ảnh: VnEconomy.

"Cá nhân tôi đánh giá rất cao quy định về yêu cầu Kiểm toán trong hoạt động sử dụng vốn đối với mục đích sử dụng vốn huy động của trái phiếu trong Nghị định 65 của Chính phủ. Điều này đảm bảo tất cả những thông tin sử dụng đều được minh bạch. Đây là điểm tốt cho thị trường, góp phần đưa mức độ minh bạch của thị trường lên một lượng mới. Hiện nay, những nhà đầu tư cá nhân có thể lên cổng thông tin của Hà Nội bất cứ lúc nào để đọc các thông tin chi tiết về trái phiếu, theo tôi đây là một bước tiến rất lớn." Ông Minh chia sẻ.

Theo ông Trần Lê Minh, để thị trường trái phiếu Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra thì cần phải thực hiện được "1 tiền đề và 3 điều kiện", trong đó tiền đề tiên quyết để phát triển thị trường TPDN chính là ở sự minh bạch. 

"Nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường gồm: Mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp", ông Minh nói. 

Chia sẻ góc nhìn về vai trò của đại diện người sở hữu trái phiếu, ông Minh cũng cho biết thêm, đại diện người sở hữu trái phiếu đóng vai trò là "phòng tuyến" đầu tiên và cũng là cuối cùng giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người sở hữu trái phiếu. Khi phát hành trái phiếu, theo quy định, phải có các bên có liên quan tham ra vào quy trình này như: Tổ chức định giá, tổ chức xếp hạng, kiểm toán,.. tuy nhiên, người có thể bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chỉ có thể là đại diện người sở hữu trái phiếu.

"Trên thực tế, nếu trái phiếu diễn ra tình trạng chậm trả thì đại diện người sở hữu là nhóm đầu tiên đứng ra để thương lượng với tổ chức phát hành trước khi xảy ra kiện tụng. Khi xảy ra tình trạng vỡ nợ thì các bên sẽ có 2 tuần để thương lượng, giải quyết với nhau. Trong 2 tuần này, việc có trả nợ được hay không phụ thuộc phần lớn vào đại diện người sở hữu trái phiếu. Nếu đến cuối cùng vẫn không giải quyết được bằng thương lượng, thì đại diện người sở hữu trái phiếu sẽ là người cuối cùng đứng ra kiện phía tổ chức phát hành ra tòa. Đứng dưới mọi góc độ, đại diện người sở hữu trái phiếu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư", ông Minh nói.

Đồng quan điểm với ông Trần Lê Minh, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề liên quan đến tính minh bạch thông tin là tương đối đầy đủ. Một doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu, kể cả phát hành cho công chúng hay phát hành riêng lẻ đều phải thông qua một loạt các điều kiện về minh bạch thông tin.

Trái phiếu doanh nghiệp: Yếu tố xếp hạng và tính minh bạch thông tin là “chìa khóa” để chẩn đoán những vấn đề của thị trường- Ảnh 2.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VnEconomy.

"Tôi cho rằng, nếu hiểu được một cách đầy đủ tất cả những thông tin hiện nay đang quy định trong các văn bản pháp luật, thì các nhà đầu tư có thể dễ dàng có được những cơ sở căn cứ để đưa ra lựa chọn quyết định đầu tư vào trái phiếu đó", ông Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm, đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, đại diện người sở hữu trái phiếu gần như thay mặt cho các trái chủ để kiểm soát và theo dõi các thông tin được cập nhật qua sàn chứng khoán. Còn đối với các trái phiếu phát hành riêng lẻ, về nguyên tắc quy định của pháp luật, đại diện người sỏ hữu trái phiếu phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mới có khả năng tiếp cận được.

Ông Cường cũng đặt vấn đề, liệu những nhà đầu tư khi tiếp cận các báo cáo đó, có đủ khả năng để phân tích, đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp mà mình định đầu tư hay không? Bởi có thể những con số lợi nhuận trong báo cáo của doanh nghiệp đó cao, nhưng chưa chắc doanh nghiệp đấy đã là doanh nghiệp ổn định, chưa kể nhiều doanh nghiệp còn có những báo cáo tính toán độc lập, đôi khi vẫn còn nhiều yếu tố chưa được tiếp cận.

"Mặc dù pháp luật có quy định về tiếp cận các loại tài liệu liên quan đến trái phiếu, nhưng theo tôi, sẽ chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ những nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận một cách thường xuyên các báo cáo đó. Do vậy, tôi cho rằng thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ sẽ cần phải tính đến mức độ an toàn của trái phiếu, để từ đó nhiều tổ chức, cá nhân của người sở hữu trái phiếu có thể tiếp cận một cách chính xác và đầy đủ nhất." Ông Cường cho hay.

Định vị vai trò của xếp hạng tín nhiệm trên thị trường

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được xem là có vai trò hết sức quan trọng cho việc huy động vốn trung và dài hạn, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh. Theo đánh giá của chuyên gia VIS Rating, hoạt động xếp hạng tín nhiệm và sự tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chu kỳ phát triển mới của thị trường TPDN. Theo VIS Rating, kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp cho nhà đầu tư có thể đánh giá được khả năng trả nợ của tổ chức phát hành và công cụ nợ, so sánh tương đối về chất lượng tín dụng giữa các tổ chức phát hành và công cụ nợ với nhau. 

Chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của xếp hạng tín nhiệm trong việc nhận định và đánh giá các rủi ro, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, xếp hạng tín nhiệm là vấn đề khách quan do một công ty độc lập cung cấp, theo đó đây là cổng thông tin rất quan trọng, đặc biệt là cho những khách hàng có quyết định đầu tư vào sản phẩm TPDN. Xét về phía các nhà đầu tư cá nhân, xếp hạng tín nhiệm có thể được coi là "chuẩn mực" chung để có được căn cứ đưa ra so sánh các sản phẩm công cụ phát hành mà các doanh nghiệp định đầu tư. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với các nhà đầu tư để có thể quản trị rủi ro một cách hiệu quả nhất.

Cũng theo ông Hà, ngoài các doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm đóng một vai trò rất tích cực trong việc huy động vốn của doanh nghiệp, điều này giúp mở ra nhiều cơ hội huy động được những nguồn vốn có chi phí rẻ, đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp định giá cho công cụ tài chính mà mình dự kiến phát hành.

"Xếp hạng tín nhiệm cũng là một kênh thông tin không thể thiếu được đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty giám sát, xếp hạng tín nhiệm là thông tin tham khảo rất quan trọng ra quyết định quản lý. Xếp hạng tín nhiệm giúp cho các cơ quan quản lý cơ quan giám sát có thể theo sát, từ đó đưa ra những phương pháp giám sát, theo dõi phù hợp trong cả chu trình mà công cụ đấy tồn tại." Ông Hà chia sẻ.

Nhìn nhận về vai trò của xếp hạng tín nhiệm đối với việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán, bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng vụ chào bán chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, yếu tố xếp hạng tín nhiệm đóng một vai trò quan trọng nhất định đối với việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Việc phát triển xếp hạng tín nhiệm được xem là cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư ra quyết định góp vốn, qua đó cũng phát triển được thị trường vốn bền vững hơn.

Theo bà Hà, để thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu ra công chúng, các doanh nghiệp cần phải đặt ra đặt những tiêu chuẩn, điều kiện tối thiểu phù hợp với tình hình thị trường hiện nay theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Về vấn đề xếp hạng tín nhiệm, tại thời điểm mà Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, trên thị trường mới chỉ có 1 tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép và căn cứ vào tình hình cung cấp dịch vụ tại thời điểm đó. Uỷ ban chứng khoán cũng nêu rõ, tại các đợt chào bán có quy mô trên 500 tỷ đồng và có giá trị trên 50% vốn chủ sở hữu hoặc những đợt chào bán dẫn đến dư nợ trái phiếu tại thời điểm đăng ký chào bán có giá trị trên 1.000 tỷ đồng thì mới cần phải có có đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết thêm, việc một số tổ chức phát hành tự nguyện thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành và công bố trong các đợt chào bán chứng tỏ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công bố thông tin.

"Trong giai đoạn hiện nay, Uỷ ban chứng khoán nhà nước đang thực hiện sửa một số văn bản pháp luật với mục tiêu nâng cao tính minh bạch thông tin, hướng tới việc gia tăng sự minh bạch thông tin. Tuy nhiên, ý thức và mức độ mong muốn của các doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin vẫn phải xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp ấy, đây là vấn đề quan trọng nhất". bà Hà nói.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top