Hứa hẹn “mùa vàng” M&A bất động sản
Ngay từ đầu năm, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mở hàng M&A bất động sản 2018 bằng một thương vụ đình đám khi chi số tiền lớn cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư sở hữu Dự án Khu đô thị Splendora có tổng diện tích 264 ha, tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Đầu quý II/2018, Tập đoàn Vingroup cho biết, Công ty Vinhomes và một công ty thành viên khác đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore.
Theo đó, GIC sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD (khoảng 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes để thực hiện các dự án.
Ngoài 2 thương vụ “khủng” trên, những tháng đầu năm 2018 còn ghi nhận hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản.
Cuối tháng 4/2018, Tập đoàn Nam Long cùng 2 nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad đã ký kết hợp tác cùng góp vốn theo tỷ lệ 50 - 50 để thực hiện Dự án Khu đô thị Akari Bình Tân, với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng.
Xem chi tiết tại đây.
Rắc rối hoạt động thế chấp, bảo lãnh dự án
Theo Điều 292, Bộ luật Dân sự 2015, “thế chấp” và “bảo lãnh” là 2 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản. “Thế chấp” và “bảo lãnh” có liên quan gắn với bất động sản, giữ vai trò quan trọng trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và người vay.
Có thể nói, khái niệm “thế chấp” và “bảo lãnh” theo các Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và 2015 không thay đổi quá nhiều, ngoài trừ việc thay đổi từ ngữ như: từ “người” sang “bên”, mở rộng về đối tượng trong “thế chấp” từ “bất động sản” sang “tài sản”, thay đổi “bên có quyền” sang “bên kia”. Tuy nhiên, đến nay các giao dịch “thế chấp” và “bảo lãnh” vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, tạo ra nhiều tranh luận gay gắt, thậm chí cả trong hoạt động xét xử các vụ tranh chấp tại tòa án.
Câu hỏi đặt ra là vì sao khái niệm “thế chấp” và “bảo lãnh” không thay đổi quá nhiều, nhưng lại gây nhiều nhầm lẫn và đến nay vẫn chưa thực sự vận hành tốt, chưa bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ (thế chấp, bảo lãnh, bên cho vay), chưa tạo đủ cơ sở pháp lý thúc đẩy các quan hệ này phát triển bền vững, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống của người dân, giảm các tranh chấp, các bất ổn trong hoạt động tín dụng?
Xem chi tiết tại đây.
Chung cư gánh hết mọi "tội lỗi"?
GS. TS. KTS. Nguyễn Tố Lăng – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, trong các chung cư cao tầng hiện nay, mật độ xây dựng còn quá cao do việc tận dụng không gian sử dụng; chưa nói đến việc gây áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chất lượng sống trong các nhà cao tầng bị nhiều hạn chế về môi trường , thông thoáng và tầm nhìn. Việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức cho các tuyến phố, các lô phố trong đô thị nói chung và những khu vực có nhà cao tầng nói riêng.
Theo GS Nguyễn Tố Lăng, cần lựa chọn cho những khu vực thích hợp trong thành phố cho việc xây dựng tập trung cao tầng, bên cạnh đó là những không gian trống, cây xanh, mặt nước tạo được môi trường sống trong lành cho đô thị, không xây dựng cao tầng tràn lan; phải coi khu vực có cao tầng làm điểm nhấn cho cả không gian đô thị.
Song, TS. KTS. Nguyễn Đỗ Dũng- chuyên gia Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore lại cho rằng, câu chuyện chúng ta cần bàn không phải là xây nhà cao hay thấp mà là câu chuyện chúng ta cho phép gia tăng mật độ hay không và nếu tăng thì tới mức nào để không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng. Còn với mật độ đó, người ta xây dưới hình thức gì thì hãy để thị trường quyết định.
Xem chi tiết tại đây.
Hai khu đất "kim cương" ở Sài Gòn bị thâu tóm như thế nào?
Theo kết luận "Nhà đất số 8 Mạc Đĩnh Chi và số 19 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, TP.HCM trước đây là Chi cục Khí tượng Sài Gòn, thuộc Sở Khí tượng Đông Dương, công trình có ý nghĩa lịch sử và hiện đang là trụ sở của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ và Phân viện Khoa học KTTV, không phải cơ sở nhà đất dôi dư.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên-Môi trường không được bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 2 cơ sở nhà đất nêu trên.
Dư luận đang đặt câu hỏi, Bộ Tài nguyên-Môi trường là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, nhưng chính cơ quan này lại đi bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 2 cơ sở nhà đất nêu trên không đúng quy định. Nhiều mập mờ trong quá trình chuyển nhượng đất "kim cương" cho doanh nghiệp cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Xem chi tiết tại đây.
Nhiều ngân hàng vào cuộc tăng lãi suất tín dụng bất động sản
Trên thị trường, hiện có nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất mới cho vay – mua BĐS khoảng 12%/năm đối với khách hàng vay trung hạn. Trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân có thể lên đến 12,5%/năm.
Cụ thể, từ ngày 2/5 Ngân hàng Eximbank đã quyết định điều chỉnh biểu lãi suất cho vay mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm, lên mức 11%/năm. Mức lãi suất mới này áp dụng cho tất cả khoản vay bao gồm xây, sửa nhà, mua căn hộ…
Đối với người vay vốn mua nhà tại BIDV, ngân hàng này đã đưa ra 2 phương án. Nếu muốn lãi suất cố định trong thời gian 12 tháng, lãi suất là 7,8%/năm; còn cố định 24 tháng, lãi suất sẽ là 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,7%/năm).
Tương tự, Ngân hàng Việt Á đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, đất với mức khoảng 12,38%/năm. Ngân hàng cho hay, thời gian tới có thể đẩy lãi suất cho vay sửa chữa, xây mới, mua nhà lên tới 13%/năm.
Xem chi tiết tại đây.
Sẽ xử lý hình sự chủ đầu tư chây ỳ phòng cháy chung cư cao tầng
Thông tin từ Cảnh sát PC&CC, tính đến ngày 30/5, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, xác nhận 2/91 cơ sở vi phạm đã khắc phục xong các tồn tại vi phạm về PCCC gồm Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán Eco Green City (KĐT Tây Nam Kim Giang I, xã Tân Triều, Thanh Trì) và dự án TTTM và căn hộ Mipec Long Biên (Tòa nhà Mipec Riverside) (số 2 phố Long Biên II, Ngọc Lâm, Long Biên) do Công ty cổ phần Hóa dầu Quân Đội làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, trong danh sách vừa công bố có rất nhiều khu chung cư cao tầng vi phạm PCCC; nhiều chủ đầu tư được xem là “ông lớn” trong làng BĐS nhưng lại có nhiều tòa nhà chung cư đang tồn tại và vi phạm PCCC gây mất an toàn cho cư dân.
Có thể kể đến: Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị HUD gồm các tòa chung cư tại Khu đô thị Văn Quán-Vạn Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông) như: Tòa CT1 A và B; CT2 A và B; CT3 A và B; CT7 A và B. Loạt chung cư Việt Hưng (quận Long Biên) của Tổng Công ty HUD gồm: GH3-GH4; GH5-GH6.
Tổng Công ty nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) gồm các tòa nhà như: Chung cư M5 (Trần Vỹ, Mai Dịch quận Cầu Giấy); Chung cư CT1; CT2; D22 ngõ 62 đường Trần Bình phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy).
Xem chi tiết tại đây.
Dự án của Hải Phát liên tục "nổi sóng" vì hàng loạt bất cập
Theo phản ánh của cư dân sinh sống tại chung cư The Pride (Hà Đông), từ khi về đây sinh sống, họ gặp rất nhiều bất cập, bức xúc như: Tình trạng thang máy rơi tự do và hỏng liên tục; Bể phốt vỡ thường xuyên làm mùi hôi thối nồng nặc; Tiền phí bảo trì của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư khất lần hơn 3 năm nay; Tự ý cắt xén các hạng mục tiện ích của căn hộ dù đã ghi rõ trong hợp đồng…
Cư dân The Pride cũng cho rằng việc chủ đầu tư áp mức giá dịch vụ 7.000 đồng/m2 nhưng mức dịch vụ lại không tương xứng. Mức phí này chủ đầu tư không đưa ra được các cơ sở tính toán hợp lý, quá cao so với mặt bằng mức phí trong khu vực.
Đại diện cư dân cho biết, những vấn đề này, nhiều lần cư dân The Pride đã phản ánh lên phía chủ đầu tư nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm khiến hàng trăm cư dân vô cùng bức xúc. Phản đối vấn đề này, nhiều hộ dân dừng nộp phí dịch vụ dẫn đến việc ban quản lý cắt dịch vụ trông giữ xe mặc dù các hộ dân vẫn đóng loại phí này đầy đủ.
Xem chi tiết tại đây.