Đã là luật, thì không ai được tùy tiện du di “chiếu cố” theo kiểu cảm tính. Nếu làm thế, luật sẽ thành lệ, quốc gia sẽ thành làng, thành xóm. Luật pháp của mỗi nước, tùy vào hoàn cảnh kinh tế, trình độ dân trí, truyền thống văn hóa, thói quen sinh hoạt… mà có những chế tài cho cùng một tội, chẳng hạn tội đánh bạc, khác nhau về mức độ xử phạt. Nhưng về cơ bản thì nguyên tắc luật pháp là dựa trên ý muốn và ý chí của đa số, thì ở đâu cũng chỉ có một cách ấy thôi.
Nhưng luật pháp là sản phẩm của con người.
Thi hành luật, chấp hành luật, giám sát luật, chịu chế tài của luật, là những con người cụ thể.
Vì thế, nói là không khác nhau, nhưng thực tế vẫn có chỗ khác, rất cơ bản.
Tôi có suy nghĩ này khi xã hội đang tranh cãi ngược xuôi về việc xử phạt người có nồng độ cồn nhưng vẫn lái xe (từ ô tô cho đến xe đạp). Ngoại trừ “lỗi văn bản” có phần ngớ ngẩn khi từ ngưỡng 0 trở đi đã bị xử phạt, thì về cơ bản, những quy định mà mức xử là cần thiết. Hãy nghĩ đến mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 10 ngàn người ra đường là về thẳng âm phủ, cùng với gấp bốn lần số đó thành tàn phế, để tự nguyện khép mình vào kỷ luật. Đau lòng nhất là trong dãy con số vừa nêu, có rất nhiều người chết oan chỉ vì sự thỏa mãn thú vui bừa bãi của người khác. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ thành mồ côi mà không biết vì đâu, hãy nghĩ đến an toàn của chính bản thân mình… để thôi hậm hực với các chế tài. Đơn giản là đã uống thì đừng cố lái xe nữa. Chuyện đó chỉ tốt mà thôi: Cho mình và cho xã hội.
Tôi, từ đầu đã ủng hộ luật xử phạt mạnh người uống rượu lái xe, thì nay vẫn không thay đổi, ngoại trừ chính tôi phải thay đổi nếp sinh hoạt!
Nhưng bằng những gì mắt thấy tai nghe, thì hóa ra sự nghiêm khắc của các nước, trong vấn đề xử lý người có nồng độ cồn trong máu khi cầm lái, lại vẫn có chỗ khác.
Những tưởng tượng về tình huống pháp lý khi làm ra luật không bao giờ bao quát hết, không bao giờ cập nhật đầy đủ những tình huống xảy ra trên thực tế. Ví dụ, nếu để chấp hành luật không được đè bánh xe vào vạch liền, mà vì thế có thể gây tai nạn cho người khác (xin thưa đây là tình huống rất hay xảy ra ngoài ý chí chủ quan), thì hành động nào (chấp hành quy định một cách máy móc, hay xử lý theo thực tế) là thỏa đáng? Tất nhiên tránh được tai nạn phải là mục đích cao nhất trong trường hợp ấy. Và như vậy, trong ví dụ vừa nêu, chấp nhận để bánh xe đè lên vạch liền (phạm luật) là hành động phải được tán thưởng hoặc thông cảm. Cũng từ ví dụ trên, đã đặt ra vấn đề căn cốt của luật giao thông: Luật đặt ra để đảm bảo an toàn tối đa cho người đi đường, hay để nhằm phạt nặng những kẻ cố ý vi phạm?
Sẽ có người phản biện: Phạt kẻ cố ý vi phạm cũng là cách đảm bảo an toàn cho người đi đường. Lập luận ấy chỉ đúng khi nhìn nhận luật trên phương diện phương tiện, còn ở phương diện mục đích, thì vẫn có chỗ khác, thậm chí khác xa. Bởi vì, nếu đặt mục đích an toàn cho người đi đường là ưu tiên cao nhất, thì việc phạt nặng, phạt nghiêm khắc, không giải quyết dứt điểm tận gốc được hậu quả của hành vi. Bởi vì phạt luôn là hành động diễn ra sau vi phạm.
Trong khi đó, mục đích cao nhất phải là ngăn vi phạm từ khi còn là mầm mống. Vì thế, trước hết phải coi luật là một hình thức giáo dục công dân, để răn đe, cảnh báo. Đó là nền tảng quan trọng tạo ra tính đúng đắn, sự linh hoạt, cũng như hiệu quả trong hành xử của người chấp pháp.
Một đằng là để tạo thói quen nghiêm túc, tôn trọng (hoặc sợ) luật pháp cho công dân: Người chấp pháp trong trường hợp này sẽ tìm kiếm cơ hội để thể hiện tình yêu thương đồng loại, đồng bào. Còn một đằng giống như sự “mai phục” từ phía cơ quan thực thi pháp luật, chờ người dân phạm lỗi để… phạt và khó mà tránh khỏi có kẻ lợi dụng luật pháp để tham nhũng!
Chẳng cần phải nói thêm cũng có thể thấy chúng khác nhau rất xa về tinh thần luật pháp và tất nhiên sẽ khác nhau một trời một vực về kết quả.
Sự ấm ức của người dân nên phải được lắng nghe, dù nhiều khi lỗi hoàn toàn thuộc về họ.