Aa

Tranh phần của người nghèo

Thứ Tư, 18/12/2019 - 06:29

Một người bình thường đủ ăn đủ mặc mà muối mặt làm vậy, đã đáng để mỗi khi ra đường phải che tay lên mặt, vậy với tư cách là cán bộ luôn miệng nói lo cho dân, các quý vị định che nỗi hổ thẹn bằng thứ gì?

Báo Dân Trí điện tử ngày 9/12/2019 đưa tin:

“Đang đương chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhà có 2 xe hơi, nhưng ông Lê Văn Tuấn vẫn được nhận “nhà tình nghĩa”, khiến nhiều người bức xúc”.

Dân Trí là một tờ báo chính thống. Tuy thế, tôi đọc mà vẫn không muốn tin vào mắt mình. Cứ như ai đó, thế lực nào đó tung tin giả nhằm bôi xấu cán bộ. Nhưng sau đó tôi bình tĩnh nhớ lại, thì thấy trường hợp của ông Lê Văn Tuấn hóa ra cũng không có gì mới. Nhiều tháng, nhiều năm trước, báo chí đã từng giật tít: “Xế hộp, có cả loại thuộc hạng sang, đỗ chật kín khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp”.

Giàu, nhưng vẫn thích mình giàu hơn. Đó là mong muốn đã thuộc về bản chất của đa số chúng ta. Nó không hoàn toàn xấu, thậm chí còn là động lực để nhiều người vươn lên và kéo theo sự phát triển của xã hội.

Nhưng câu chuyện chúng ta đang bàn thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ, nó không phải là chuyện ai đó thể hiện năng lực, mà thuần túy gắn với lương tâm con người, gắn với lòng trắc ẩn, gắn với cho và nhận.

Một xã hội, dù hoàn hảo đến đâu, vẫn không thể tránh khỏi có những người bị tụt lại, vì vô vàn lý do không thể liệt kê hết. Nó là hiện tượng bất khả kháng về mặt phát triển. Họ, những người nghèo và thua thiệt ấy, bất kể là ai, luôn được xem là những cư dân rủi ro, yếu thế. Bất cứ xã hội nào, bất cứ chính sách nào của một nhà nước được coi là văn minh, đều phải tính đến họ, đến quyền được cộng đồng quan tâm của họ, để họ không bị đẩy ra lề hoặc rơi xuống đáy. Việc làm đó không chỉ mang tính nhân đạo, mà còn là cách thức giữ cho xã hội bình an.

Tích đức, chia sẻ mới làm nên giá trị. Tham lam, tranh đoạt là tích họa vào thân.

Việc tạo những ưu đãi cho tầng lớp cư dân này trong vấn đề thu nhập, nhà ở, y tế, giáo dục…dù trực tiếp hay gián tiếp, về bản chất vẫn là nhà nước, với vai trò điều tiết, lấy của các thành viên trong xã hội, mỗi người một chút, rồi tài trợ, cấp phát cho những người kém may mắn kia theo tinh thần "lá lành đùm lá rách".

Tôi biết rằng, giải thích cho một cán bộ huyện về những chuyện này là quá thừa. Bởi vì ngay cả một người bình thường cũng biết nguyên lý đơn giản ấy, thì không cớ gì một thường vụ huyện ủy lại không biết. Liệu tôi có cần phải nhắc thêm với ông (và nhiều ông, bà khác nữa) rằng, bất cứ ai, chỉ cần có chức vụ nào đó trong bộ máy công quyền hiện nay, thì đương nhiên không bao giờ còn thuộc về tầng lớp người thu nhập thấp so với mặt bằng chung của xã hội? Vì thế, với sự việc như báo Dân Trí nêu ra (cũng như các vụ việc tương tự trước đây), cần phải gọi rõ đó là hành vi lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt!

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi sẽ không lạm dụng bạn đọc để bàn về các hình thức trừng phạt theo tinh thần pháp luật, với các đối tượng tranh cả phần của người nghèo, vì tôi biết sự trừng phạt lớn nhất đã luôn có sẵn ngay trong thứ mà các vị chiếm đoạt. Tôi chỉ rất tò mò muốn hỏi quý vị nào đó rằng, một người bình thường đủ ăn đủ mặc mà muối mặt làm vậy, đã đáng để mỗi khi ra đường phải che tay lên mặt, vậy với tư cách là cán bộ luôn miệng nói lo cho dân, các quý vị định che nỗi hổ thẹn bằng thứ gì?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top