Mới đây, một công viên ở Nhật đã trưng bảng cấm (có báo nói nhẹ đi là hạn chế) người Việt vào thăm quan, vì họ quá bức xúc với hiện tượng nhiều người dân của chúng ta xả rác bừa bãi. Họ còn đăng cả ảnh hiện trường ngổn ngang các loại giấy nilon, giấy gói hàng, vỏ các loại đồ hộp, thức ăn thừa… bị người du lịch quốc tịch Việt Nam bỏ lại ngay trên những con đường đầy hoa.
Nếu ai đã sang Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… thì thấy vấn đề rác thải với họ được coi là vấn đề lớn đến mức nào. Có lẽ những quốc gia đó sớm ý thức rằng, phát triển phải bao gồm bảo vệ môi trường thì phát triển mới thực sực có ý nghĩa. Rác là sản phẩm tiêu cực của quá trình ấy và nó sẽ bức hại quốc gia của họ, nếu họ thiếu cảnh giác. Singapore còn công khai gọi đất nước đô thị của họ là… Thành phố phạt (Thực ra thì họ chơi chữ tiếng Anh, bởi ở nghĩa khác, fine cũng có nghĩa là tuyệt vời), với mức phạt cụ thể cho từng hành vi xả rác, nhẹ thì cũng vài trăm đô Singapore, nặng có thể là một khoản tiền lớn, ngoài ra người bị phạt còn phải lao động công ích. Phạt để tạo ra sự tuyệt vời về môi trường, về luật pháp, về đạo đức…Tôi là người dốt tiếng Anh nên tôi cứ hiểu theo cách của mình như vậy.
Có lẽ nhờ thế mà đi cả ngày ở Đài Loan hay Hàn Quốc và nhất là ở Singapore… cũng không nhìn thấy… rác. Ấy vậy mà anh bạn tôi, người làm hướng dẫn du lịch, khi tôi nói vậy, vẫn lắc đầu bảo: Không ăn thua gì so với độ sạch của người Nhật. Họ sạch cả về mặt âm thanh, nghĩa là khi giao tiếp, họ nói rất nhỏ, chỉ vừa đủ nghe, bởi âm thanh lớn quá cũng gây ô nhiễm cho người xung quanh!
Giờ ta thử hình dung (việc này không hề khó) một đoàn khách Việt, đi lại vốn đã chẳng theo trật tự, sẵn sàng chạy ngang đường khi chưa được phép, đùa nghịch, nói oang oang như ở giữa Hà Nội, chen nhau qua cổng vào cái công viên sạch tinh tươm nào đó ở Nhật và trong phút chốc biến cái công viên đó thành một cái chợ, bừa bộn rác! Với người Nhật, đó là một nỗi kinh hoàng, đáng sợ, đáng ghét và… đáng khinh. Chỉ có điều người dân thường Nhật, vốn nổi tiếng bao dung, nhường nhịn, thì họ không nói ra. Còn với nhà chức trách, thì họ phải hành động. Và hành động mạnh tay nhất chính là cấm những kẻ gieo rắc sự bừa bãi, mất vệ sinh được bén mảng đến nơi thanh tịnh và trong sạch đó, dù là khách du lịch mang lại lợi nhuận cho họ.
Không rõ cảm giác của bạn thế nào, chứ với tôi, đó là nỗi xấu hổ.
Sau cái tin sốc kia, đến lượt những hình ảnh sốc gấp bội, được chiếu trên truyền hình, về những đống rác ngổn ngang của các cư dân hai địa danh hàng đầu về độ văn minh là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM sau đêm Giáng sinh! Có cảm giác họ là những cái máy thải! Nơi văn minh bậc nhất mà còn thế, trách gì những nơi còn âm u về lối sống hội nhập. Nơi sáng sủa nhất còn thế, trách gì những đống rác cao như núi cứ mọc lên ở khắp các vùng quê Việt, vốn là những nơi thanh bình và trong lành. Giới trẻ ngày nay có một cách biểu cảm rất hay bằng từ CẠN LỜI. Đúng là không còn từ ngữ nào để nói về hiện tượng xấu xí đang có nguy cơ trở thành đặc điểm nhận dạng của người Việt! Nhưng nguy hiểm hơn là người Việt sẽ chết vì bệnh ngày một tăng do bụi mịn, do nước bẩn, do thực phẩm nhiễm độc. Mà những thứ đó đều có nguyên nhân từ rác thải.
Từ ô nhiễm môi trường, con người cũng bị ô nhiễm lây các tính xấu như bạo lực, tham lam, hèn nhát, vô trách nhiệm. Mà hang ổ của rác chẳng cần tìm đâu xa. Nó ở tại chính trong tâm hồn mỗi con người. Vì thế, hành vi dọn rác đầu tiên là dọn sạch tâm hồn mình.
Nói thế nghe có vẻ văn chương, viển vông. Nhưng thực tế là nếu không có biện pháp tổng hợp, cấp bách bao gồm giáo dục, tuyên truyền, bêu gương và cuối cùng là những hình phạt nghiêm khắc, thì tôi e sợ rằng đến lúc nào đó những người ưa sạch và kỷ luật trên thế giới sẽ gắn người Việt với rác, như một định danh đáng hổ thẹn, để cảnh báo người khác tránh xa và để nhiều người biết mà kiềng mặt những kẻ luôn sẵn sàng mang rác đến.