Nhận “quả đắng” vì mua nhà của chủ đầu tư yếu kém về năng lực
Cuối tháng 3 vừa qua, một nhóm khách hàng đã cầm băng rôn, khẩu hiểu đứng ngay dưới chân công trình dự án Bidhomes The Garden Hill, số 99 Trần Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) “đấu tranh” đòi quyền lợi với chủ đầu tư.
Sở dĩ có sự việc này là do cách đây 7 năm, hơn 63 khách hàng góp vốn mua nhà “trên giấy” tại dự án này với mức giá thỏa thuận ban đầu là 18,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau đó do gặp khó khăn về tài chính cũng như người đứng đầu dự án cũ vi phạm pháp luật nên dự án bị đình trệ. Sau đó, dự án được “sang tay” cho BID Việt Nam (sau này là BIBGROUP).
Khi chuyển đổi dự án, Công ty Đức Phương và BID Việt Nam cũng đã làm thủ tục chuyển đổi quy mô của Bidhomes The Garden Hill và chuyển đổi tính chất dự án từ đất thuê 50 năm trả tiền thuê 5 năm một lần thành đất ở lâu dài.
BID cũng cam kết kế thừa toàn bộ nội dung thỏa thuận từ góp vốn hợp tác đầu tư ngày 24/10/2009 kèm theo phụ lục được ký kết giữa Công ty Đức Phương và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị mới Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó, nhóm khách hàng cũ liên tục bị chủ đầu tư mới ép giá từ 18,5 triệu đồng/m2 ban đầu lên 24,3 triệu đồng/m2. Sau đó, ít lâu sau lại nâng lên mức từ 30,9 - 33,5 triệu đồng/m2 (tùy từng căn hộ).
Việc thay đổi từng bước tính chất, quy mô và chủ đầu tư dự án đã khiến những khách hàng góp vốn vào dự án những năm trước đây lâm vào thế yếu. Cùng với đó, việc chủ đầu tư liên tục đưa ra các mức giá khác nhau vênh gần gấp đôi so với giá ban đầu đã khiến nhiều khách hàng cũ bức xúc và đi khiếu kiện khắp nơi.
Gần giống với trường hợp của khách hàng ở dự án Bidhomes The Garden Hill, thời gian qua, một số khách hàng là người nhà của cán bộ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã đặt tiền mua nhà tại dự án Twin Towers đường Láng (Hà Nội) cũng đã có đơn tố cáo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tân Phú Long chiếm dụng hàng tỷ đồng tiền góp vốn, khi họ đóng tiền mua căn hộ dự án này.
Theo đơn của một số khách hàng, năm 2011, MIC rao bán căn hộ dự án tại số 1152-1154 đường Láng. Thời điểm đó, các cán bộ, người nhà cán bộ quản lý của MIC được khuyến khích đăng ký trước để kêu gọi thêm cán bộ khác tham gia vào dự án. Do tin tưởng MIC, từ tháng 7/2011, một số cán bộ đã nộp tiền mua nhà tại dự án, với mức tiền lên tới 60-70% giá thành căn hộ dự kiến mua.
Tuy nhiên, sau khi khách hàng đã đóng tiền được một năm, dự án không triển khai được gì. Điều này đã vi phạm cam kết với khách hàng. Tháng 8/2012, một số người đóng tiền đã ký đơn kiến nghị MIC trả lại tiền đã nộp vào để mua nhà dự án.
Sau nhiều lần có đơn kiến nghị và làm việc trực tiếp với lãnh đạo MIC cũng như Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tân Phú Long, những khách hàng đã đóng tiền chỉ nhận được những lời hứa suông. Quá bức xúc, đại diện nhóm khách hàng đã gửi đơn kiến nghị tới Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội là công ty mẹ của MIC.
Sau đó, các khách hàng đã nhận được biên bản của Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long về việc thống nhất phương án trả tiền cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, sau rất nhiều văn bản hứa hẹn, khất thời hạn trả tiền, đến nay mọi việc đều rơi vào im lặng.
Theo một khách hàng, để có tiền đặt cọc mua nhà dự án, họ đã phải đi vay tiền, lãi suất thì vẫn trả, nhà không được nhận. Trước yêu cầu của người dân, ngày 14/8/2012, HĐQT Công ty Cổ phần Tân Phú Long đã họp và quyết nghị đồng ý trả tiền cho những khách hàng đặt cọc mua nhà dự án gồm cả gốc lẫn lãi.
Thậm chí, Công ty Cổ phần Tân Phú Long cũng đã một số lần có văn bản đề nghị MIC hỗ trợ nguồn kinh phí để trả nợ cho các khách hàng nộp tiền mua căn hộ nhưng không hiểu vì lý do gì, số tiền khách hàng đóng vào mua dự án, đến nay vẫn không được giải quyết. Hiện số tiền chủ đầu tư dự án đang "ôm" của khách hàng có thể lên tới nhiều tỷ đồng...
Hậu quả khôn lường từ việc mua nhà “trên giấy”
Liên quan đến các vụ việc này, trao đổi với Reatimes, luật sư Nguyễn Văn Hân, Công ty luật Hợp danh Minh Bạch (Hà Nội) cho rằng, nhìn từ những vụ việc tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư thời gian qua có thể nhận thấy hậu quả khôn lường từ việc tự nguyện ký kết hợp đồng góp vốn mua nhà mà không có sự tìm hiểu kỹ càng trước.
Luật sư Nguyễn Văn Hân cho rằng, để hạn chế tình trạng trên, mỗi khách hàng khi có dự định đặt tiền mua dự án cần chú ý các vấn đề sau để không bỏ tiền ra để mua “bội tín” của chủ đầu tư dự án.
Thứ nhất, tìm hiểu thật rõ về tính pháp lý của lô đất, căn hộ dự định mua.
Thứ hai, kiểm tra thông tin liên quan đến chủ đầu tư và các bên có liên quan đến dự án như: Các thông tin cần thiết về dự án như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết…
Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, xem xét biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà. Xem xét ký việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án.
Thứ ba, tìm hiểu kỹ các tranh chấp và bất đồng giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư trước đây, cách hành xử của chủ đầu tư với nhà đầu tư và cư dân tương lai. Từ đó rút ra bài học và phương thức giao kết hợp đồng với chủ đầu tư cho phù hợp nhằm phòng tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.