Tôi có anh bạn trẻ là họa sĩ Văn Sáng, cậy mình vừa mới đi Đồng Văn, Mèo Vạc về, hễ gặp ai là y như rằng, thế nào cũng đưa cả một tập ảnh chụp với đá, với các cô gái người Mông, với các chiến sĩ biên phòng, và cả với sương mù, ra khoe. Nhà hoạ sĩ trẻ của tôi vì lần đầu tiên lên với vùng cao, nên cái háo hức hôm ra đi của anh thật đáng yêu. Ai "xui" mang theo thứ gì, là anh chuẩn bị, từ ba lô, quần áo, đến cây gậy leo núi, võng, bạt, mì tôm đến lương khô, mắm… đặc. Và vui thay, mọi chuẩn bị kỳ khu của anh, chỉ tới thị xã Hà Giang là đã thành lạc hậu rồi.
Quả tình Đồng Văn, Mèo Vạc có xa xôi, nhưng để đến được với xứ sở của núi đá cao ngút tầng mây cùng sương mù huyền ảo thời nay, thì cũng không phải đến lo xa như thời bao cấp. Ấy thế nhưng nếu ta chưa một lần tới đó, mà mới chỉ nghe thôi, thì cái sự nghe kia cũng thật… huyền ảo. Những tay lái có thâm niên biết tâm trạng của những người mới đi lần đầu, nên cứ tới những đoạn nguy hiểm, thế nào ta cũng được nghe một câu chuyện tếu, cũng "nguy hiểm", chẳng kém gì núi cao, vực sâu.
Xe vẫn cứ lên. Cứ ngỡ đã vượt qua bao nhiêu là đỉnh đèo chon von rồi, thì đến Cổng Trời là hết dốc. Nhưng không phải thế. Chỉ vài phút sau, xe ngoành sang một chóp núi mới, như từ trong huyền thoại, chợt ta bắt gặp một bình nguyên đá, và cũng chỉ ngay sau đó, vài cái "ngoành tay", tức thì ta lại chơi vơi giữa hai vách núi dựng đứng. Trước mặt ta là một mom núi sương thả vật vờ. Rồi bỗng dưng sương cuồn cuộn dâng lên, mở ra bảy sắc cầu vồng. Gió lôi sương đi, ta chợt sững sờ nhận ra một vệt dài theo hai triền núi cơ man nào là hoa...
Chỉ có chút đất gùi từ dưới thung lên, như những đàn kiến tha mồi, hết đời này qua đời khác, vậy mà cây ngô của người Mông cứ lặng lẽ xanh lên cùng bạt ngàn hoa, bạt ngàn đá núi. Thiên nhiên không bộc lộ hết vẻ đẹp kỳ ảo, nếu như con người chỉ ngồi chờ. Có lần, tôi tò mò hỏi một ông già người Mông: "Vì sao người Mông ở xa tít trên cao thế?". Ông già nhìn tôi lạ lẫm, rồi hỏi lại: "Xa à? Sao mày ở dưới xuôi xa thế?". Ôi, cái câu hỏi cũng là câu trả lời mới chí lý làm sao!
Từ mờ sáng, tiếng suối chảy róc rách trong mơ màng, chợt nghe đâu đó như tiếng vó ngựa lóc cóc, rồi nhận ra mình đang giữa nơi gió thẳm sương ngàn thung lũng Đồng Văn. Và âm thanh cộng hưởng nơi vách núi dội về tiếng ngựa hí, tiếng người hú gọi cùng tiếng gà gáy lạc canh eo óc. Tôi đứng ngoài hiên cửa. Những đốm lửa đuốc nối nhau từ trên phía dốc triền thung lúc ẩn, lúc hiện, cứ ngỡ như chúng đang bay phía trước mặt mình, chỉ cần chạy lên, chỉ cần quơ tay là tới. Những đống lửa dưới lòng thung bắt đầu hừng lên báo hiệu nơi đây mới là tụ điểm.
Lững thững thả bộ theo con đường mòn xuống suối, xuống chợ và nhận ra những đống lửa kia được nhen lên để nấu những chảo thắng cố, chờ phiên chợ mở. Một vài ông bà già ngồi rì rầm trò chuyện. Lại có người ngồi tựa cây cột được cắm giữa hai tảng đá, hát một điệu dân ca rất dài, các âm tiết cứ díu vào nhau. Những chú ngựa đứng sóng hàng ngày một đông lên. Không khí càng về sáng càng trở nên nhộp nhịp. Trong bãi ngựa, những người sành sỏi đứng quanh chỉ trỏ, bình phẩm về ngựa và cả về chủ của chúng, xem ra xôm trò lắm.
Chợ phiên Đồng Văn với những cuộc mua bán diễn ra từ lúc trời còn mờ đất, cho tới khi nhìn rõ mặt nhau, thì đã đầy ắp người, đầy ắp hàng hoá từ các bản làng xa xôi chuyển tới, đầy ắp sắc màu và hương vị. Chuyện mua bán diễn ra tới khi ông mặt trời đứng ngang sườn núi thì chuyển sang lễ hội văn hoá. Tốp này thổi khèn, múa khèn. Tốp kia say sưa hát đối, hát lượn. Lại có tốp ngồi bên chảo thắng cố xì xụp ăn uống. Những bát rượu nóng, sánh đầy, cùng những tiếng hát lời ca cũng ấm nóng, sánh đầy, không phân biệt trẻ già, trai gái.
Hội chợ diễn ra suốt từ sáng tới trưa. Ấy vậy mà các cô gái vẫn giữ được mình. Chỉ có các chàng trai và trung niên đã say rồi lại say thêm nữa. Nhiều người say cho tới khi nào tỉnh mà biết mình vẫn còn ở chợ thì lại tiếp tục say. Cái say của người miền núi chốn chợ phiên là cái say của đất, của đá, của trời và của tình người, không hề vì say mà sinh chuyện. Say để bộc lộ mình, để hoà mình vào thiên nhiên, với những bản dân ca, những điệu dân vũ, sau những ngày nắng mưa mệt nhọc. Chợ vui cho mãi tới khi mặt trời nghiêng hẳn sang phía sườn Tây và ta lại thấy, từ trên các triền núi cheo leo, trên những con đường mòn chi chít, uốn lượn, bóng những đoàn người ngựa thồ hàng kĩu kịt khuất dần…
Chiều đầy gió núi, tôi đứng trên đỉnh Mèo Vạc nhìn xuống dòng sông Nho Quế. Dòng sông tựa như con rắn bạc uốn lượn dưới kia tạo nên sức sống trù phú và vẻ đẹp kỳ vĩ cho xứ sở này. Xứ sở của đá của mây của ngô của hoa và của những làn điệu dân ca sâu thăm thẳm tình người…
Và trong tôi như bừng lên khát vọng! Một vùng cao nguyên đá, công viên địa chất toàn cầu này còn tiềm ẩn bao nhiêu giá trị, làm sao đó để nhanh được trở thành quen thuộc với bao nhiêu bước chân tìm đến từ khắp nơi trên xứ sở của mình, từ khắp nơi trên thế giới tụ về. Tôi mong ước, một ngày, Đồng Văn, Mèo Vạc bỗng được tỏa sáng như Sa Pa, như Phan Xi Phăng dưới những dự án đầu tư lớn lao, để trở thành điểm đến thong dong của một miền du lịch mang những dấu ấn riêng biệt mà không dễ nơi nào có được!