Aa

Khi sân khấu đỏ đèn

Thứ Sáu, 12/06/2020 - 07:00

Hà Nội luôn là mảnh đất tạo rất nhiều tiềm năng cho nghệ thuật. Hy vọng một ngày nào đó sân khấu sẽ lại huy hoàng như trước. Khán giả sẽ lại đến chật nhà hát.

Bạn mời đi xem Chương trình biểu diễn xiếc tre Làng tôi (My Village) ở rạp Hồng Hà. Đã rất lâu không đến rạp hát này. Cũng phải nói thật, sân khấu Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn đang ở thời kỳ đóng băng rất khó kéo được khán giả đến rạp nên mới có sự không gặp gỡ kia dù tôi là người mê ánh đèn sân khấu. 

Chương trình xiếc tre chỉ một tiếng đồng hồ nhưng thật sự kinh ngạc khi nó kéo khán giả chìm trong sự im lặng cảm thụ tuyệt đối đến tận phút cuối cùng để rồi bùng nổ tiếng vỗ tay trong vỡ òa cảm xúc. Một chương trình sáng tạo tuyệt hay về làng quê Việt Nam với tre là cảm hứng chủ đạo và là đạo cụ chính.

Nói không hề quá, nhờ có Chương trình xiếc tre hiện đại này tôi đâm ra vân vi nhiều để rồi cứ đắm mãi vào dòng hồi ức miên man về sân khấu Hà Nội một thời. Rạp Hồng Hà đã được sửa chữa hiện đại nhiều so với trước nhưng về cấu trúc lẫn hình dung trong tôi vẫn như dạo nào. Hồng Hà là một nhà hát cũ lâu đời cùng với rất nhiều nhà hát, sân khấu kịch khác làm nên diện mạo một nền sân khấu Thủ đô với nhiều huy hoàng. 

Có một thời, sân khấu Hà Nội luôn đỏ đèn mỗi tối. Khán giả chọn loại hình sân khấu trong đó có kịch nói, cải lương, chèo, tuồng... làm nơi giải trí hữu hiệu, vừa tiếp cận hiện thực cuộc sống vừa thưởng lãm nghệ thuật.

Dù đã cập nhật nhiều loại hình nghệ thuật "ăn khách" hơn, nhưng sân khấu Hà Nội vẫn... vắng.
Nhà hát Kịch Hà Nội, một đơn vị nghệ thuật đang có nhiều vở diễn mới để... đỏ đèn!

Cũng như nhiều người Hà Nội khác, tôi mê sân khấu. Mê mẩn đến phát cuồng từ ngày nhỏ và luôn ước mơ lớn lên sẽ trở thành một đạo diễn sân khấu hoặc bét nhất phải là nhà viết kịch bất kể ở hạng gì. Đến mức đám bảo vệ các nhà hát khu vực phố cổ nhẵn mặt tôi vì hay lẻn vào xem chùa hoặc mua vé đàng hoàng nhờ tiền tiết kiệm nhịn quà sáng và những cách thức kiếm tiền khác chỉ đám trẻ em đường phố như tôi mới biết. 

Tôi nhớ anh bảo vệ beo béo ở rạp Kim Phụng phố Lương Ngọc Quyến, nhác thấy tôi đã cười cười bảo hôm nay diễn vở Tống Đạp Ra dựa theo tích Việt. Đấy là anh đe tôi nếu lại lẻn vào rạp thì sẽ bị tống một quả đấm, đạp một phát cho văng ra ngoài rạp. Nói thế nhưng thi thoảng anh cũng thương tình tháo khoán cho cánh tôi vào rạp khi vở diễn sắp kết thúc.

Quanh quẩn ở khu phố cổ đã có không ít rạp hát. Có thể kể đến những rạp rất gần nhau như Chuông Vàng phố Hàng Bạc, Kim Phụng phố Lương Ngọc Quyến. Liền kề đó là rạp Lạc Việt phố Đào Duy Từ. Rạp này sau thành chung cư và chịu một trận hỏa hoạn lớn, xóa sổ hoàn toàn cái tên Lạc Việt. 

Kế đó là rạp Quảng Lạc phố Tạ Hiện, nay là trụ sở của một đoàn kịch. Kể thêm rạp Kim Môn phố Hàng Buồm, thì những rạp này quẩn quanh cạnh nhau chỉ chưa đầy cây số. Bây giờ có lẽ chỉ còn rạp Chuông Vàng còn là điểm diễn và là tổng hành dinh của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Hà Nội bây giờ so với trước thì các điểm diễn kịch hát và kịch nói không còn nhiều. Chỉ khoảng hơn chục nhà hát có sân khấu. Đấy là tính cả các nhà hát của Trung ương nữa. Hà Nội thực chỉ còn dăm nhà hát. Số này chia riêng cho từng thể loại như kịch nói, chèo, cải lương, ca múa nhạc và múa rối. Một con số thật đáng ngẫm nghĩ nếu tính đến số dân xấp xỉ 8 triệu người của Hà Nội. Tất nhiên còn có các nhà hát của Trung ương và những điểm biểu diễn chung cho mọi thể loại như Nhà hát lớn, Cung hữu nghị Việt Xô, Cung thiếu nhi... nữa nhưng như thế vẫn là quá ít so với nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người Hà Nội.

Nhưng nói đi nói lại thì cũng phải nói rất thật rằng, chính sự xuống cấp của các loại hình nghệ thuật biểu diễn kia đã đánh mất sự mê say của khán giả Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà sân khấu le lói ánh đèn hôm có hôm không như bây giờ. 

Còn nhớ những nhà hát chật ắp khán giả trước kia và cũng không phải hôm nào chỉ có một suất diễn. Tôi nhớ có vở kịch nói đến mức suất diễn phải kéo sang cả ban ngày vào những cuối tuần mà vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu của khán giả. 

Kịch của Lưu Quang Vũ chẳng hạn. Sự xông xáo lật xới hiện thực đời sống với những tuyên ngôn trực diện không né tránh vào mọi căn bệnh xã hội đã khiến những vở kịch của anh được đón nhận. Ngoài Lưu Quang Vũ, có không ít tác giả tên tuổi với những vở diễn bám sát cuộc sống.
Ngày đó, để kiếm được tấm vé vào nhà hát xem là một chuyện chẳng phải dễ dàng. Các rạp hát có hẳn lực lượng phe vé chuyên nghiệp bám trụ từ quầy vé đến cửa rạp. Người ta dành đôi vé là quà tặng, quà biếu, là phần thưởng cho nhau. Thật là một thời sinh sắc. Các nghệ sĩ luôn đốt cháy hết mình về nghề về vở diễn. Với họ nghệ thuật là trên tất thảy mọi thứ.

Trái ngược với sự huy hoàng đó là tình cảnh ảm đạm của ngày hôm nay. Các nghệ sĩ của ta không hề thiếu tài năng so với các lớp đàn anh, đàn chị trước kia. Đời sống của nghệ sĩ bây giờ cũng khác xưa khi có nhiều điều kiện làm nghề hơn như lấn sang điện ảnh, truyền hình làm diễn viên. 

Đời sống rõ ràng khá hơn nhiều lần khi trước. Nhưng tại sao sân khấu lại đìu hiu như vậy. Đã lý giải nhiều, mổ xẻ phân tích cũng lắm và được tạo điều kiện không ít, nhưng từ nhiều năm nay tình trạng đó vẫn không hề thay đổi được. Bây giờ mỗi đoàn, mỗi nhà hát thường chỉ khuôn vào chỉ tiêu dàn dựng vở kiểu như làm truyền thống và lễ lạt và đi thi thố ở các hội diễn kiếm huy chương. 

Diễn xong vài lượt rồi cho phát lên sân khấu truyền hình rồi cất. Cũng có những vở diễn có khách nhưng cũng chỉ là lẻ tẻ và không đủ để vực dậy danh tiếng nhà hát như xưa.

Hà Nội luôn là mảnh đất tạo rất nhiều tiềm năng cho nghệ thuật. Hy vọng một ngày nào đó sân khấu sẽ lại huy hoàng như trước. Khán giả sẽ lại đến chật nhà hát. Chỉ khi sân khấu đỏ đèn hằng đêm thì điều đó mới trở thành hiện thực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top