Nhà đầu tư ngoại vẫn "nhắm" Việt Nam
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2024, các doanh nghiệp ngoại đã đầu tư 15/21 ngành kinh tế quốc dân tại Việt Nam. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9 % tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Vào quý IV/2023, thị trường địa ốc Việt Nam đã chứng kiến những pha rót vốn lên tới hàng trăm triệu USD từ các doanh nghiệp nước ngoài. Riêng với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) là một trong những doanh nghiệp đầu tư mạnh tay nhất khi chi tới 720 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất sợi và vật liệu carbon tại khu công nghiệp Phú Mỹ II (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, Tập đoàn Deli (Trung Quốc) cũng đã bỏ ra 270 triệu USD để làm nhà máy sản xuất thiết bị văn phòng tại khu công nghiệp Đại An mở rộng (tỉnh Hải Dương).
Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản nhà ở cũng ghi nhận nhiều thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) “bom tấn” ngay trong quý cuối của năm 2023. Chẳng hạn như việc CapitaLand (Singapore) mua 56.208 m2 đất tại dự án Vinhomes Smart City (Hà Nội) hay Sycamore Company (Singapore) mua 18,9 ha đất tại Bình Dương từ tay Becamex IDC.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, cho biết khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp ngoại đang tương đối đa dạng, từ khu đô thị, khu công nghiệp cho đến các dự án đất thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, “món ăn khoái khẩu” của các đơn vị này vẫn là những dự án nhà ở (thấp tầng và cao tầng). Đây là phân khúc được chú trọng nhất vì sở hữu tính thanh khoản cao.
“Các dự án nhà ở tại những thành phố lớn, tập trung đông dân cư, có nhiều tòa nhà văn phòng, nhiều nhà máy, xí nghiệp bao quanh luôn là các điểm ‘nóng’ đầu tư, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, các tỉnh xung quanh vùng ven như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc hoặc Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng nhận về rất nhiều sự quan tâm”, ông Phan Xuân Cần cho biết.
Không chỉ vậy, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang dần “tan băng” khi lượng khách nước ngoài đến Việt Nam đang tăng tiến theo từng tháng. Dẫu vậy, các ông lớn vẫn trong trạng thái cẩn trọng để nghe ngóng thêm tình hình.
“Tôi hy vọng tới năm 2024, thị trường M&A sẽ sôi động trở lại. Thành quả này sẽ sớm đạt được khi các yếu tố pháp lý được tháo gỡ, đặc biệt là sau khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức được có hiệu lực trong thời gian tới. Bản thân các nhà đầu tư ngoại cũng đang theo dõi cách các bộ luật này tác động tới thị trường”, ông Phan Xuân Cần nhận định.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, những nhà đầu tư ngoại đến từ khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hong Kong là những vị khách “quen mặt” trong thị trường M&A. Khi đặt lên bàn cân so sánh giữa biên độ lợi nhuận và chi phí tài chính , rủi ro lạm phát, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, ở góc độ vĩ mô, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, với nhận định triển vọng ở mức ổn định. Trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức 6 - 6.5%. Con số này căn cứ vào mức đầu tư nước ngoài ổn định và các nỗ lực của chính phủ trong việc tháo gỡ những khó khăn của ngành bất động sản, tăng đầu tư công và điều hành các chính sách kinh tế kịp thời để kích thích tăng trưởng.
Bức tranh thị trường châu Á - Thái Bình Dương
Xét trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), những khó khăn, thách thức vẫn tiếp đeo bám hoạt động đầu tư bất động sản . Tính riêng trong quý IV/2023, tổng khối lượng đầu tư địa ốc tại APAC rơi vào khoảng 31,8 tỷ USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung Quốc, chính quyền các cấp đang không ngừng tìm cách để cải thiện tình trạng bi đát của thị trường bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhân dân nước này đã hạ lãi suất vay liên ngân hàng và ban hành các quy định mới để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn nhà băng của những doanh nghiệp địa ốc.
Dẫu vậy, tâm lý các nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện. Chỉ số bất động sản đại lục Hang Seng đã giảm tới 12,81% trong một tháng qua. Phía Savills cũng đánh giá mức độ quan tâm của khối ngoại tới thị trường tỷ dân đã có sự giảm sút so với thường lệ.
Bên cạnh đó, khối lượng đầu tư bất động sản tại Hong Kong, Hàn Quốc và Singapore cũng tiếp tục giảm trong quý cuối của năm 2023. Nguyên nhân xuất phát từ việc chi phí tài chính tăng cao và khoảng cách lớn giữa kỳ vọng của người mua cũng như bên bán.
Riêng với Nhật Bản, quốc gia này được kỳ vọng sẽ tiếp tục là tâm điểm đầu tư nhờ việc được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ linh hoạt, sự suy yếu của đồng yên và đà phát triển du lịch mạnh mẽ. Mặc dù lượng tiền đổ về phân khúc văn phòng và nhà ở đã suy giảm nhưng khối lượng đầu tư vẫn ở mức tích cực nhờ thị trường bán lẻ và khách sạn phát triển. Đây là hai phân khúc hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng lên tới hai con số trong quý IV/2023.
Trong khi đó, đầu tư văn phòng tiếp tục suy giảm do chi phí vay cao và chênh lệch lợi suất lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là phân khúc được quan tâm nhất khi chiếm tới 30% khối lượng đầu tư trong khu vực.
Mặt khác, đầu tư công nghiệp lại giảm nhẹ trong quý cuối của năm 2023, do thiếu nguồn cung nhà xưởng. Đồng cảnh ngộ, đầu tư nhà ở tiếp tục trầm lắng, ngoại trừ Úc. Quốc gia này đang được hưởng lợi nhờ số lượng người nhập cư và sinh viên du học ngày càng tăng.
“Các hoạt động đầu tư của khu vực APAC dự kiến sẽ trở nên sôi động hơn vào nửa sau của năm 2024. Trong đó, Nhật Bản và Ấn Độ tiếp tục là hai thị trường thu hút vốn nội địa và nước ngoài mạnh mẽ”, báo cáo của Savills cho biết.